Tiểu kết Chương 2

Một phần của tài liệu HOÀNG THU HÀ_LKT_820078_3.2022 (Trang 67 - 69)

6. Kết cấu của đề tài

2.4.Tiểu kết Chương 2

Thực trạng lạm dụng vỏ bọc công ty và nhất là mối quan hệ công ty mẹ - công ty con để làm giàu cho nhà đầu tư, đẩy rủi ro sang cho các bên khác đang diễn ra hàng ngày và là thách thức lớn đối với các nhà làm luật để có thể duy trì một nền kinh tế minh bạch, công bằng. Trước những hình thức lợi dụng mô hình công ty mẹ - công ty con để trốn tránh trách nhiệm; nhằm hạn chế những thiệt hại mà xã hội, người tiêu dùng hay các đối tác, khách hàng của các nhóm công ty có thể phải gánh chịu do các công ty lợi dụng kẽ hở và sự lỏng lẻo của pháp luật trong cơ chế trách nhiệm hữu hạn, cần thiết phải có cơ chế để buộc các công ty mẹ chịu trách nhiệm đối với hành vi của công ty con trong một số trường hợp. Ngoài sự cam kết chịu trách nhiệm của chính công ty mẹ và trường hợp công ty mẹ phải chịu trách nhiệm trực tiếp theo chế định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng do hành vi có lỗi, nhiều quốc gia đã áp dụng cơ chế “vén màn công ty”, một cơ chế cho phép các tòa án bỏ qua nguyên tắc pháp nhân độc lập và trách nhiệm hữu hạn khi xét thấy công ty mẹ cần phải có trách nhiệm liên đới với các hành vi của công ty con. Trong số đó, các án lệ “vén màn công ty” tại 2 quốc gia tiêu biểu cho hệ thống common law là Anh và Mỹ là phong phú hơn cả và mang tính nền tảng, định hướng về nguyên lý áp dụng cho nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế này đòi hỏi các cơ quan xét xử phải thực sự thận trọng để

không xâm phạm đến tư cách pháp nhân độc lập của các công ty và nguyên lý trách nhiệm hữu hạn.

Tại Việt Nam, pháp luật về công ty mặc dù đã bước đầu đặt ra những ngoại lệ đối với nguyên lý “trách nhiệm hữu hạn” nhưng vẫn còn rất nhiều tranh luận về tính khả thi của các quy định đó. Thêm vào đó, khái niệm “vén màn công ty” vẫn còn khá mới mẻ, chưa được áp dụng trong thực tiễn khiến cho vấn đề trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con còn là điều gì đó xa vời và không có căn cứ. Có lẽ cũng chính vì vậy mà mặc dù không ít cá nhân, tổ chức thực tế đã bị thiệt hại và có nhu cầu được đền bù bởi không chỉ công ty con gây ra thiệt hại cho mình mà còn bởi công ty mẹ của nó song không đủ can đảm đấu tranh đến cùng vì thiếu điểm tựa pháp lý. Từ sự thiếu căn cứ pháp lý dẫn đến thiếu khiếu nại, khiếu kiện thực tế; và từ sự ít có khiếu nại, khiếu kiện lại dẫn đến ít cơ sở thực tiễn để điều chỉnh pháp luật. Cái vòng luẩn quẩn đó vô hình trung khiến cho vấn đề trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con tại Việt Nam vẫn là một bài toán khó.

CHƯƠNG 3 – MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG TY MẸ ĐỐI VỚI HÀNH VI CỦA CÔNG TY CON VÀ NHỮNG LƯU Ý ĐỐI VỚI NHÓM CÔNG TY VÀ CÁC CHỦ THỂ

LIÊN QUAN

Một phần của tài liệu HOÀNG THU HÀ_LKT_820078_3.2022 (Trang 67 - 69)