Khái niệm “trách nhiệm” và “trách nhiệm pháp lý”

Một phần của tài liệu HOÀNG THU HÀ_LKT_820078_3.2022 (Trang 29 - 30)

6. Kết cấu của đề tài

1.3.1.Khái niệm “trách nhiệm” và “trách nhiệm pháp lý”

Sau khi thành lập và có tư cách pháp nhân, công ty trở thành một chủ thể trong đời sống xã hội và cũng có các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm như các chủ thể khác. Trong tiếng Việt, thuật ngữ “trách nhiệm” có thể được hiểu theo hai nghĩa: Một là “phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả”, hai là “sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả” (Theo Từ điển tiếng Việt năm 2003 của nhà xuất bản Đà Nẵng). Theo hai cách định nghĩa như trên thì trách nhiệm có nhiều điểm tương đồng với nghĩa vụ, nhưng nó cũng hàm chứa một điểm khác biệt quan trọng, đó là yếu tố “hậu quả”. Với trách nhiệm pháp lý, tức là trách nhiệm đã được điều chỉnh và bảo vệ bởi các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, các “hậu quả” này sẽ là “hậu quả bất lợi” được áp đặt lên những người phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm pháp lý luôn là một chế định quan trọng đối với mọi hệ thống luật, vì nó chính là bảo đảm cho sự tuân thủ pháp luật của các thành viên trong xã hội. Trách nhiệm pháp lý xuất hiện khi có sự vi phạm pháp luật, là hậu quả của hành vi vi phạm và thể hiện sự răn đe của Nhà nước đối với những hành vi vi phạm.

Theo giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật năm 2006 của trường Đại học Luật Hà Nội, trách nhiệm pháp lý được hiểu là hậu quả bất lợi (sự trừng phạt) đối với chủ thể vi phạm pháp luật, thể hiện ở mối quan hệ đặc biệt giữa Nhà nước với các chủ thể vi phạm pháp luật, được các quy phạm pháp luật xác lập và điều chỉnh, trong đó chủ thể vi phạm pháp luật phải chịu những hậu quả bất lợi, những biện pháp cưỡng chế được quy định ở chế tài các quy phạm pháp luật.

Nhìn vào khái niệm trên có thể thấy, trách nhiệm pháp lý có các đặc điểm cơ bản sau:

Đầu tiên, như đã trình bày, yếu tố quan trọng nhất của trách nhiệm pháp lý là “hậu quả bất lợi” hay chính là các chế tài được áp dụng. Thái độ của Nhà nước đối

với các hành vi vi phạm pháp luật được thể hiện qua việc áp dụng các chế tài và các chế tài này được đảm bảo thực hiện bằng bộ máy cưỡng chế của Nhà nước.

Đặc điểm thứ hai là tính đền bù, bởi mục đích của trách nhiệm pháp lý không chỉ là trừng trị hành vi vi phạm mà bên cạnh đó còn là sự khôi phục lại tình trạng tương ứng với phần hậu quả mà người vi phạm đã gây ra do không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Đặc điểm về hình thức của trách nhiệm pháp lý thể hiện trách nhiệm pháp lý chỉ tồn tại khi được quy định trong các văn bản pháp luật do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành, nghĩa là chỉ Nhà nước có quyền xác định hành vi nào là vi phạm pháp luật và các chế tài tương ứng với mỗi vi phạm đó.

Trong phạm vi bài luận này, những nghiên cứu dưới đây về các loại trách nhiệm pháp lý chỉ giới hạn trong khuôn khổ trách nhiệm của các công ty hay các pháp nhân.

Một phần của tài liệu HOÀNG THU HÀ_LKT_820078_3.2022 (Trang 29 - 30)