Sử dụng các “công ty bình phong”

Một phần của tài liệu HOÀNG THU HÀ_LKT_820078_3.2022 (Trang 49 - 54)

6. Kết cấu của đề tài

2.1.2.Sử dụng các “công ty bình phong”

2.1.2.1. Sử dụng “công ty bình phong” để trốn thuế

Các “công ty bình phong” hay còn được gọi là các “công ty vỏ bọc” (shell company) thường là những công ty được lập nên không phải vì mục đích đầu tư kinh doanh mà chỉ dùng để làm vỏ bọc cho các hoạt động phi pháp. Đặc điểm quan trọng của công ty bình phong là không có hoạt động kinh doanh thật sự, nhân sự hầu như không có, người đại diện thường được thuê hoặc ủy thác. Các công ty bình phong kiểu này thường được các nhà đầu tư đăng ký thành lập ở các “thiên đường thuế”37 như British Virgin Island, Panama hoặc Bahamas để tận dụng chính sách không thuế hoặc thuế suất rất thấp ở những quốc gia hay vùng lãnh thổ này, tránh phải nộp thuế

ở quốc gia mà nhà đầu tư thực sự sinh sống hay làm ăn. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, chủ nhân thực sự của những công ty bình phong tại các thiên đường thuế chủ yếu là các cá nhân, tổ chức đến từ Trung Quốc và Nga38. Trong quá trình công tác thực tế tại một công ty sản xuất thiết bị điện tử của Việt Nam phải nhập khẩu vật tư linh kiện từ nước ngoài, bản thân người nghiên cứu cũng đã gặp rất nhiều trường hợp các công ty Trung Quốc thành lập các công ty con ở Hongkong với cái tên tương tự như công ty mẹ nhưng với mức vốn rất thấp, nhiều khi chỉ là tượng trưng. Đây thực chất là các công ty bình phong của các công ty Trung Quốc, đứng ra thay mặt công ty mẹ Trung Quốc ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế và nhận tiền về tài khoản ở Hongkong để hưởng chế độ thuế ưu đãi hơn so với tại Trung Quốc trong khi

36“Bóc mẽ chiêu trò trốn thuế của doanh nghiệp FDI, Báo điện tử Vietnamnet ngày 29/4/2020

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/boc-me-chieu-tro-tron-thue-cua-doanh-nghiep-fdi- 637344.html,

truy cập ngày: 12/12/2021

37 Những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc có thuế nhưng rất

thấp.

38 “Công ty bình phong phục vụ cho mục đích gì?”, Tạp chí Kinh tế - RFI Việt Nam (2016), bản điện tử xem tại: https://www.rfi.fr/vi/kinh-te/20160419-cong-ty-binh-phong-phuc-vu-cho-muc-dich-gi, truy cập ngày:22/12/2021)

hàng hóa do các công ty này cung cấp thực chất là của các công ty mẹ. Các công ty bình phong tại Hongkong gần như không có cơ cấu tổ chức, không có hoạt động độc lập với hoạt động của công ty mẹ. Việc sử dụng các công ty bình phong như các doanh nghiệp Trung Quốc một mặt vừa gây thất thu thuế cho chính phủ Trung Quốc, một mặt cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với các đối tác, khách hàng nếu công ty bình phong tại Hongkong không thể giao hàng trong khi đã nhận tiền của khách hàng bởi thực tế các công ty này hầu như không có tài sản nên không có khả năng thanh toán.

2.1.2.2. Sử dụng “công ty bình phong” để rửa tiền

Các công ty bình phong được lập ra ngoài mục đích để tránh phải nộp thuế thì còn phục vụ nhiều mục đích khác mà đáng kể trong đó là hành vi rửa tiền. Đây là một trong những loại tội phạm nguy hiểm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Bằng những thủ đoạn tinh vi, tội phạm tìm cách biến hóa tiền, tài sản bất hợp pháp có được từ các hành vi phạm tội (tiền bẩn) thành những đồng tiền hợp pháp có nguồn gốc sạch sẽ. Cách thức sử dụng các công ty mẹ, công ty con để rửa tiền thường thấy là: tội phạm rửa tiền thành lập một công ty ở nước ngoài, tạm gọi là công ty mẹ, sau đó công ty mẹ lại thành lập nhiều công ty con ở quốc gia khác nhau, chủ yếu là ở các quốc gia có chính sách bảo mật hoặc không công khai thông tin những người chủ thực sự của doanh nghiệp. Sau đó, chúng tìm cách chuyển tiền “bẩn” có được ở trong nước vào tài khoản của các công ty nước ngoài nói trên để tách số tiền đó ra khỏi nguồn gốc ban đầu của nó. Tiếp theo, chúng thực hiện chuyển tiền qua lại giữa các công ty mẹ con nói trên thông qua các hợp đồng khác nhau giữa các công ty đó. Việc này được thực hiện nhiều lần để làm nhiễu thông tin về nguồn gốc của số tiền và gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức phòng, chống rửa tiền trong việc truy ra nguồn gốc thật sự của số tiền đó. Cuối cùng, chúng lại dùng một trong chính các công ty đã thành lập ở nước ngoài đó để đầu tư vào trong nước. Số tiền bất hợp pháp sau khi đã qua nhiều tầng lớp vỏ bọc sẽ được chuyển ngược về đầu tư vào một công ty bình phong tại quốc gia ban đầu, trở thành một số tiền hợp pháp.

Tại Việt Nam, mới đây nhất trong vụ án công ty Nhật Cường, các cơ quan điều tra cũng đã phát hiện ra hành vi rửa tiền được thực hiện bởi công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường. Mặc dù không sử dụng các công ty ở nước ngoài để thực hiện hành vi rửa tiền một cách tinh vi như trên, song Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường cũng đã dùng công ty con là Công ty Nhật Cường software để hô biến các khoản tiền bất chính từ các hoạt động buôn lậu của công ty mẹ vào đầu tư cho hoạt động công nghệ, phát triển phần mềm, từ đó có được các hợp đồng cung cấp phần mềm cho nhiều cơ quan Nhà nước, mang lại nguồn thu không nhỏ và hợp pháp cho ông chủ của Nhật Cường.

2.1.2.3. Sử dụng “công ty bình phong” để che giấu tài sản

Hành vi che giấu tài sản thông qua “công ty bình phong” có thể hiểu theo hai hướng:

Một là, các cá nhân thành lập các công ty bình phong tại các khu vực tài phán có chính sách bảo mật cao về nhân thân của chủ đầu tư và dùng các công ty bình phong đó để mua và sở hữu các tài sản có giá trị như bất động sản, du thuyền… nhằm mục đích không cho các chủ nợ biết được số lượng tài sản thực tế của mình từ đó hạn chế được khả năng phải sử dụng đến những tài sản đó để thanh toán các khoản nợ. Đây là hình thức che giấu tài sản thường thấy ở những chính trị gia có thu nhập bất chính do tham nhũng, nhận hối lộ hoặc nhưng cá nhân làm ăn phi pháp.

Hai là, các tập đoàn lớn thành lập các công ty con để phân nhỏ hoạt động đầu tư và kinh doanh, phân tán tài sản và khoanh vùng rủi ro đối với từng dự án kinh doanh. Ví dụ khá điển hình cho trường hợp này là ở các tập đoàn kinh doanh bất động sản. Mỗi khi có một dự án mới, các tập đoàn thường giao cho một hoặc một vài công ty con trong hệ thống của mình đứng ra làm chủ đầu tư. Các công ty con này hoạt động như một công ty bình phong bởi trong nhiều trường hợp, chúng sử dụng bộ máy của công ty mẹ và nhân sự của công ty mẹ cho hoạt động của mình. Ngoài ra, mỗi công ty như vậy thường chỉ có 1-2 dự án đầu tư kinh doanh mà không mở rộng hoạt động. Bằng cách để cho các công ty con đứng tên chủ đầu tư các dự án, nếu dự án không thể huy động vốn thành công hoặc do vướng mắc các thủ tục pháp lý dẫn đến không thể được nghiệm thu và bàn giao bất động sản cho người mua thì khách hàng

chỉ có thể đòi tiền từ công ty con. Toàn bộ tài sản khác (ví dụ: từ các dự án đầu tư khác) của công ty mẹ sẽ không phải gánh cho khoản nợ của dự án thua lỗ mặc dù thực chất chủ đầu tư của tất cả các dự án là một và tổng tài sản của chủ đầu tư có thể là rất lớn. Đây chính là cách mà các ông lớn bất động sản che giấu tài sản thực tế của mình, dùng các công ty con làm bình phong để tách bạch tài sản theo từng pháp nhân và phân nhỏ rủi ro trong hoạt động đầu tư. Tại Việt Nam, có thể kể đến một vài ví dụ như Novaland Group, hiện nay đang thực hiện khoảng hàng chục dự án lớn nhỏ với nhiều phân khúc, phủ khắp nhiều địa phương. Để thực hiện loạt dự án đồ sộ và quy mô, Novaland cũng đã thành lập hàng chục công ty con, công ty liên kết. Nhìn vào báo cáo tài chính, doanh nghiệp này đang có 39 công ty con và 3 công ty liên kết. Tương tự, tại Đất Xanh Group, tính đến ngày 30/6/2017, doanh nghiệp này cũng đang sở hữu 18 công ty con trong lĩnh vực xây dựng-bất động sản39.

Về lý thuyết, hành vi thành lập các công ty con để chia nhỏ tài sản của các tập đoàn này là hoàn toàn hợp pháp, tuy nhiên trên thực tế nó thường tiềm ẩn rủi ro với những người mua hàng bởi khi quảng cáo giới thiệu về dự án, các chủ đầu tư thường dùng tên tuổi của công ty mẹ để lấy lòng tin của khách hàng, làm cho khách hàng lầm tưởng dự án là của công ty mẹ và được bảo đảm bởi công ty mẹ nếu có vấn đề gì xảy ra trong khi thực tế lại không hề như vậy. Chỉ những người am hiểu về pháp lý mới nhận thức được rủi ro này trong khi đa số người mua lại chỉ quan tâm hoặc bị làm lu mờ bởi những thông tin do chủ đầu tư cung cấp nhằm đánh lạc hướng. Ngay cả khi ký các hợp đồng mua bán bất động sản, người mua mặc dù nhìn thấy rõ tên người bán trong hợp đồng không phải tập đoàn bất động sản lớn nào đó nhưng vẫn không ý thức được những rủi ro đối với mình.

2.1.3. Những hình thức lợi dụng khác

Ngoài những hình thức lợi dụng mô hình công ty mẹ - công ty con trên đây, thực tiễn vô cùng sôi động của nền kinh tế ngày nay còn ghi nhận rất nhiều hình thức khác về lợi dụng bức màn công ty để phục vụ các mục đích bất chính. Đó có thể là

39 “Tại sao các công lớn bất động sản thích lập nhiều công ty con”, https://cafeland.vn/tin-tuc/tai- sao-cac-ong-lon-bat-dong-san-thich-lap-nhieu-cong-ty-con-69241.html, ngày truy cập: 22/12/2021

việc lập ra các công ty con để thay mặt công ty mẹ thực hiện một số hành vi phi pháp như hối lộ quan chức hay lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.

Cách thức mà các công ty mẹ sử dụng công ty con để thực hiện hối lộ có thể như sau: Công ty mẹ yêu cầu công ty con thực hiện các hợp đồng mua tài sản hoặc hàng hóa với giá trị cao hơn giá trị thực tế, sau đó nhận tiền “lại quả” của nhà cung cấp để đưa hối lộ thay cho công ty mẹ. Thông thường, các công ty mẹ trong trường hợp này là công ty có yếu tố nhà nước mà việc mua sắm phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về đấu thầu nên khó có thể ký các hợp đồng mà giá cả không minh bạch. Do đó, các công ty này phải thông qua công ty con để có được những khoản tiền “lại quả” và dùng đó làm nguồn chi cho việc hối lộ, nhằm bôi trơn cho các dự án, các vấn đề khó khăn, khúc mắc của công ty mẹ tại các cơ quan quản lý nhà nước. Khi hành vi hối lộ bị phát hiện, người chịu trách nhiệm thường là người của công ty con và trong trường hợp công ty con phải chịu trách nhiệm hình sự thì công ty mẹ vẫn bình yên vô sự. Nếu không thể chứng minh được mối liên hệ giữa công ty mẹ với hành vi hối lộ mà công ty con thực hiện thì dù có buộc được công ty con và người đại diện của công ty con chịu trách nhiệm song thực tế tội phạm thực sự vẫn bị bỏ lọt và như vậy luật pháp vẫn chưa thể hiện được sự nghiêm minh đến cùng. Niềm tin của xã hội đối với luật pháp có thể bị lung lay và từ đó có thể kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Đối với hành vi lợi dụng tín nhiệm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cơ chế thực hiện thường thấy như sau: Công ty mẹ thành lập ra các công ty con với mức vốn ban đầu rất thấp. Các công ty con sau đó ký các hợp đồng mua bán hàng hóa với nhau thực chất để tạo lập hồ sơ khống nhằm mang đi thế chấp và vay vốn tại các ngân hàng phục vụ cho các hoạt động kinh doanh khác. Nếu việc làm này thuận lợi và trót lọt, khoản lợi mà công ty con thu được sẽ trở thành khoản lợi của công ty mẹ thông qua việc chia lợi nhuận từ công ty con cho công ty mẹ. Tuy nhiên, nếu hoạt động của công ty con đứng ra vay vốn sau đó không thành công, công ty con phá sản và không có khả năng trả nợ ngân hàng thì công ty mẹ gần như không chịu ảnh hưởng gì vì số vốn ban đầu bỏ ra là rất nhỏ. Trong khi đó ngân hàng lại phát sinh một khoản nợ khó đòi.

Tại Việt Nam, đại án kinh tế EPCO-Minh Phụng những năm 1990 là một ví dụ điển hình của việc sử dụng các công ty con để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hai công ty EPCO và Minh Phụng cùng nhau lập ra rất nhiều công ty con và dùng những công ty con này để chiếm đoạt tài sản của hàng loạt ngân hàng dưới chiêu trò ký kết các hợp đồng khống giữa các công ty con hoặc cùng một lô hàng nhưng cho các công ty con mua đi bán lại lòng vòng với nhau rồi dùng các hợp đồng khống, hợp đồng mua bán lòng vòng đó để vay ngân hàng. Bằng cách này, thay vì chỉ vay được 1 khoản tiền nhỏ thì EPCO và Minh Phụng đã chiếm đoạt được số tiền lớn của nhiều ngân hàng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh khác. Khi các phi vụ làm ăn thất bại và các khoản vay không thể trả được, vụ án được đưa ra xét xử và số nợ mà hai công ty này và các công ty con phải trả cho các ngân hàng lên đến 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu đô la Mỹ.

Một phần của tài liệu HOÀNG THU HÀ_LKT_820078_3.2022 (Trang 49 - 54)