Thực hiện đúng và đủ các quy định về quản lý, điều hành công ty

Một phần của tài liệu HOÀNG THU HÀ_LKT_820078_3.2022 (Trang 75 - 76)

6. Kết cấu của đề tài

3.3.1.Thực hiện đúng và đủ các quy định về quản lý, điều hành công ty

Như đã nhắc đến trong mục 2.3.2, một trong những yếu tố mà các tòa án sẽ xem xét khi cân nhắc việc áp dụng biện pháp “vén màn công ty” là có hay không việc công ty không tuân thủ các quy định trong quản lý, điều hành công ty. Thực tế, mặc dù các tập đoàn kinh tế hay các nhóm kinh tế có thể có quy mô tổng thể là rất lớn nhưng trong nội bộ nhóm công ty lại có thể tồn tại những công ty nhỏ hoặc rất nhỏ. Mà thông thường, ở những công ty quy mô nhỏ, nhân lực thường mỏng và mỗi nhân sự thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau (điều này thường thấy ở các công ty start- up). Trong khi đó, hoạt động kinh doanh đòi hỏi doanh nghiệp phải phản ứng nhanh, phải rất linh hoạt trong cơ chế hoạt động để đảm bảo kịp thời đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Chính vì lẽ đó, các thủ tục nội bộ rườm rà đôi khi sẽ bị xem nhẹ hay không được quan tâm đúng mức. Chẳng hạn như: yêu cầu đối với một công ty cổ phần là đại hội đồng cổ đông phải họp tối thiểu mỗi năm một lần và hội đồng quản trị phải họp tối thiểu ba tháng một lần để quyết định các vấn đề của công ty. Pháp luật cũng quy định về trình tự, thủ tục tổ chức các cuộc họp cũng như thể thức và nội dung cần có của các biên bản họp hay cơ chế thông qua các nghị quyết, quyết định của các cấp quản lý công ty. Nếu một công ty không thực hiện đúng và đủ các yêu cầu này, nhìn từ góc độ của các tòa án, có thể bị coi là không tuân thủ các quy định về quản lý, điều hành công ty. Đặc biệt, nếu những quyết định được ban hành không đúng quy định đó lại thuộc những lĩnh vực nhạy cảm và quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty như việc bổ nhiệm một nhân sự quản lý, việc phê duyệt một

giao dịch với công ty mẹ hay những người có liên quan khác của công ty58 thì rất có thể sẽ trở thành một “điểm tựa” để tòa án xem xét bỏ qua bức màn công ty. Khi đó, công ty mẹ dù không muốn hoặc không cố ý thì cũng buộc phải chịu trách nhiệm về những hậu quả mà công ty con gây ra. Vì vậy, khuyến nghị đầu tiên đối với các chủ sở hữu doanh nghiệp hay các công ty mẹ là phải luôn đảm bảo các công ty con do mình lập ra phải được quản lý và vận hành theo đúng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Dù các thủ tục nội bộ có rườm rà đến đâu, dù thực tế doanh nghiệp có thực hiện được đúng và đủ hay không thì ít nhất doanh nghiệp cũng phải chứng minh được bằng hồ sơ về việc đã tuân thủ các quy định đó.

Một phần của tài liệu HOÀNG THU HÀ_LKT_820078_3.2022 (Trang 75 - 76)