6. Kết cấu của đề tài
1.4. Các quan điểm lý luận về trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty
của công ty con
Trách nhiệm pháp lý của pháp nhân đến nay không còn là điều quá mới mẻ trong khoa học pháp lý. Mặc dù vậy, các quy định trên thế giới về trách nhiệm pháp lý của các công ty hầu như mới chỉ dừng lại ở trách nhiệm trực tiếp trong khi trên thực tế mối quan hệ giữa các công ty lại vô cùng phức tạp khiến cho đôi khi một sự kiện hay hành vi cấu thành trách nhiệm pháp lý của công ty không phải chỉ xuất phát từ hành động của chính công ty đó mà còn có mối liên hệ với các công ty khác. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm liên đới của các công ty khác đối với trách nhiệm pháp lý của một công ty, đặc biệt là trong mối quan hệ công ty mẹ - công ty con.
Vụ tranh chấp Salomon nổi tiếng tại Anh được coi là án lệ đặt nền móng cho cơ chế trách nhiệm hữu hạn mà theo đó một công ty được coi là một thực thể độc lập, có tài sản riêng, tách bạch với tài sản của những người sáng lập ra nó và chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản của mình đối với các chủ nợ của công ty. Người sáng lập chỉ chịu rủi ro đối với các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty mà hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về bất cứ rủi ro nào bằng những tài sản khác của mình. Mặc dù có ý nghĩa vô cùng to lớn trong khoa học pháp lý về công ty cũng như trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới, song phán quyết của tòa án tối cao của Anh cũng khơi nguồn những tranh luận về trách nhiệm của các cổ đông hay những người góp vốn mà sau này được phát triển thành vấn đề trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của các công ty con khi mà các cổ đông chi phối hay công ty mẹ mới thực chất là những chủ thể điều khiển hoạt động của công ty con. Rất nhiều học giả ủng hộ quan điểm công ty mẹ ít nhiều phải có trách nhiệm về các hành vi của công ty con và hậu quả của những hành vi đó bởi nó đảm bảo sự công bằng với các chủ nợ của công ty, tránh việc các công ty mẹ lợi dụng công ty con để chuyển rủi ro từ mình sang các đối tác, bạn hàng của công ty. Đó chính là xuất phát điểm để các nhà nghiên cứu phát triển học thuyết hay cơ chế “vén màn công ty” hay “xuyên màn
công ty” (piercing the corporate veil) sau này được vận dụng rộng rãi tại hệ thống tòa án của Anh và Mỹ. Tuy nhiên, cũng có không ít nhà kinh tế học cũng như luật gia phản đối cơ chế này bởi nó đi ngược lại với tư cách pháp nhân và cơ chế trách nhiệm hữu hạn, hai nguyên tắc nền tảng của lý thuyết công ty cũng như pháp luật về công ty của tất cả các quốc gia.