Trách nhiệm dân sự

Một phần của tài liệu HOÀNG THU HÀ_LKT_820078_3.2022 (Trang 30 - 32)

6. Kết cấu của đề tài

1.3.2. Trách nhiệm dân sự

Theo khoản 1 điều 87 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam thì “pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”. Như vậy, một công ty cũng có trách nhiệm dân sự của mình như các chủ thể khác trong xã hội. Tuy nhiên, để hiểu cho đúng về trách nhiệm dân sự thì cần nắm được khái niệm và bản chất của trách nhiệm dân sự.

Theo Từ điển giải thích thuật ngữ luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội, thì “Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật dân sự nhằm bù đắp tổn thất về vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại”21. Nếu hiểu theo nghĩa này, trách nhiệm dân sự là loại trách nhiệm pháp lý được đặt ra khi và chỉ khi có sự vi phạm pháp luật dân sự.

Từ khái niệm chung trên đây, trách nhiệm dân sự của một công ty được hiểu là trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với công ty khi công ty có hành vi vi phạm pháp luật dân sự. Hiểu một cách đơn giản nhất thì trách nhiệm dân

21 Nguyễn Ngọc Hòa (1999), Từ điển giải thích thuật ngữ luật học Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và

sự là trách nhiệm bù đắp những thiệt hại về vật chất, tinh thần cho bên bị thiệt hại do lỗi của công ty gây ra.

Trách nhiệm dân sự của công ty có thể phát sinh từ các quan hệ hợp đồng mà công ty xác lập hoặc cũng có thể là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Pháp luật một vài quốc gia không có sự phân biệt rạch ròi về trách nhiệm dân sự trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng. Như trong pháp luật dân sự của Nhật Bản, trách nhiệm dân sự trong hợp đồng không được quy định cụ thể mà pháp luật chỉ chia ra hai trường hợp chịu trách nhiệm là trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ22.

Trong khi đó, quy định về trách nhiệm dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 1804 của Pháp vốn có sự phân biệt cơ bản giữa trách nhiệm hợp đồng (điều chỉnh các thiệt hại phát sinh trong khuôn khổ của mối quan hệ hợp đồng) và trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng (điều chỉnh tất cả các thiệt hại khác). Hai chế định này hoàn toàn loại trừ lẫn nhau: ngay khi có quan hệ hợp đồng giữa các bên thì chế định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng sẽ không được áp dụng. Tuy nhiên, kể từ cuối thế kỷ XIX, nhiều chế độ trách nhiệm dân sự trong các luật riêng (ví dụ trong vấn đề tai nạn giao thông, vấn đề sản phẩm tiêu dùng bị lỗi, vấn đề tai nạn lao động…) đã không còn thống nhất với chế định trong luật chung. Các quy định của luật chuyên ngành đã bỏ qua sự phân biệt giữa trách nhiệm pháp lý theo hợp đồng và trách nhiệm pháp lý ngoài hợp đồng. Theo đó, chế độ trách nhiệm dân sự của bên vi phạm là giống nhau cho dù có hoặc không có hợp đồng giữa các bên. Vì vậy, tại pháp lệnh số 2016-131 ngày 10/02/2016 sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 1804, chế định trách nhiệm dân sự đã được điều chỉnh theo hướng không phân biệt trách nhiệm trong hay ngoài hợp đồng.

Tại Việt Nam, trong Bộ luật Dân sự hiện hành, quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng được xây dựng nên bởi các quy phạm điều chỉnh chế định hợp đồng. Nói cách khác, quy định về trách nhiệm dân sự trong hợp đồng có thể coi là một phần của chế định hợp đồng trong pháp luật dân sự. Theo đó, trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng chỉ tồn tại khi một hợp đồng tồn tại, trách nhiệm này

22 Xaca VacaxumTori Aritdumi (1995), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Nxb. Chính trị quốc gia, trang 43.

chỉ phát sinh khi xuất hiện sự vi phạm một hay nhiều nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng. Trong khi đó, trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng là các loại trách nhiệm dân sự phát sinh bên ngoài, không phụ thuộc vào hợp đồng, mà chỉ cần tồn tại một hành vi vi phạm pháp luật dân sự, cố ý hay vô ý, gây thiệt hại cho người khác và hành vi này cũng không liên quan đến bất cứ một hợp đồng nào có thể có giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.

Cũng cần phải nói thêm: về mức trách nhiệm dân sự đối với một công ty, vấn đề này phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng mà công ty tham gia với tư cách chủ thể và theo quy định của pháp luật nhưng không vượt quá giới hạn là tổng giá trị tài sản của công ty. Đây chính là nguyên lý trách nhiệm hữu hạn, là quan điểm xuyên suốt trong khoa học pháp lý về công ty tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới.

Một phần của tài liệu HOÀNG THU HÀ_LKT_820078_3.2022 (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w