Vai trò của kế toán quản trị trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Kế toán quản trị trong điều kiện vận dụng thẻ điểm cân bằng (BSC) tại các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4 0 (Trang 29 - 30)

7. Kết cấu của đề tài

1.1.3. Vai trò của kế toán quản trị trong doanh nghiệp

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngày càng không chắc chắn: Các yếu tố bên trong DN luôn thay đổi, và các yếu tố bên ngoài cũng thường xuyên biến động. Điều này đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Nhà quản lý luôn phải ra các quyết định để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của DN nhằm tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ấy. Kế toán quản trị (KTQT) đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin phục vụ cho việc ra các quyết định của nhà quản lý DN. Vai trò của KTQT là việc chuẩn bị và trình bày các thông tin hữu ích và liên quan để hỗ trợ ban lãnh đạo trong việc lập kế hoạch hoạt động, kiểm soát và ra quyết định, quản lý hợp lý nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức. Kế toán quản trị không thể được coi là một tập hợp các quy tắc cố định, mà là các phương pháp kế toán quản trị nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức thông qua việc hỗ trợ cho nhà quản lý trong việc ra quyết định, nói cách khác, nó là hướng dẫn đáng tin cậy để chỉ ra các chính sách và kế hoạch tương lai của tổ chức (Jerry và cộng sự 2013; Khaldoon và cộng sự, 2013).

Theo Trần Thị Hồng Mai và cộng sự (2020), KTQT hình thành và phát triển theo nhu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng trong DN mà thực chất là nhằm thực hiện các chức năng quản trị DN. Chức năng quản trị được xác định gồm: Hoạch định; Tổ chức; Lãnh đạo và Kiểm tra. Để thực hiện tốt vai trò của mình trong DN, KTQT cần thực hiện các nội dung như sau: Lập dự toán; Phân tích mối quan hệ CVP; Tập hợp chi phí, tính giá thành sản phẩm và kiểm soát chi phí; Đánh giá thành quả hoạt động; Phân tích thông tin để phục vụ cho việc ra quyết định. Tuy nhiên, trong môi trường kinh doanh đầy biến động và không chắc chắn như hiện nay, nhu cầu thông tin của nhà quản lý DN ngày càng cao, theo đó các kỹ thuật để thực hiện các nội dung KTQT như trên cũng thay đổi. Chẳng hạn, với nội dung “Đánh giá thành quả hoạt động”, trước đây KTQT thường thực hiện nội dung này thông qua việc so sánh, phân tích chênh lệch chi phí, doanh thu, lợi nhuận giữa thực tế với dự toán; Theo đó, thông tin về thành quả hoạt động mà KTQT cung cấp chỉ là các thông tin trên khía cạnh tài chính, mang tính quá khứ, ít có tính dự báo về thành quả hoạt động trong tương lai; Để khắc phục hạn chế này, KTQT ngày nay cần thực hiện thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về thành quả hoạt động trên nhiều khía cạnh khác nhau như khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, quy trình kinh doanh nội bộ, đào tạo và phát triển, môi trường,…Để cung cấp được các thông tin thành quả hoạt động đa chiều này, KTQT cần thực hiện các kỹ thuật KTQT hiện đại như BSC, Lăng kính thành quả, Six sigma, …

23

Theo thời gian, vai trò của KTQT đã và đang thay đổi, KTQT không còn giữ vai trò là “người đếm tiền” mà chuyển sang “nhà tư vấn” tham gia vào quá trình hoạch định, xây dựng chiến lược kinh doanh cho DN. Đánh giá thành quả hoạt động, một chức năng quan trọng của KTQT, là công việc thực hiện thường xuyên trong DN, không chỉ cung cấp thông tin về thành quả hoạt động trong quá khứ mà cần cung cấp thông tin có tính dự báo về thành quả tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc đánh giá thành quả hoạt động không thể dừng lại ở các chỉ tiêu thành quả tài chính, mà cần kết hợp với cả các thước đo phi tài chính, nhằm cung cấp thông tin đa chiều về thành quả hoạt động tổng thể của DN.

Một phần của tài liệu Kế toán quản trị trong điều kiện vận dụng thẻ điểm cân bằng (BSC) tại các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4 0 (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)