Giá trị của điểm PRISM

Một phần của tài liệu nghiên cứu kết quả điều trị và một số yếu tố tiên lượng tử vong trong sốc nhiễm khuẩn trẻ em (Trang 127 - 130)

Bảng 3.1.4, hình 3.1.2, hình 3.4.3, hình 3.4.4 trong nghiên cứu trình bày các vấn đề liên quan đến thang điểm PRISM. Đề tài nghiên cứu sử dụng thang điểm này không chỉ để tiên lượng tử vong mà còn giúp cho đánh giá tình trạng bệnh nhân. Điểm PRISM trung bình trong nghiên cứu là 21,9 ±

6,98, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm bệnh nặng (nhóm III) và nhẹ (nhóm I, II), với p < 0,0001. Bệnh nặng thì điểm PRISM cao, đồng thời là tỷ lệ tử vong cao. Hình 3.4.3 cho thấy ở các mức điểm PRISM thì tỷ lệ tử vong thực tế tương ứng, theo tỷ lệ thuận. Phân tích theo biểu đồ ROC thì diện tích dưới đường cong ROC là 0,876, 95% CI: 0,804 - 0,949. Đây là mức độ khá có giá trị phân biệt 2 nhóm bệnh sống và tử vong, và điểm phân tách là 20,5 điểm (độ nhạy: 0,876, độđặc hiệu: 1 - 0,149).

Các tác giả trên thế giới sử dụng bảng điểm này để tiên lượng tử vong ở bệnh nhân trong hồi sức đã có những giá trị khoa học nhất định, tuy nhiên cũng vẫn còn những tranh cãi, ví dụ như tính điểm ở thời điểm nào, các giá trị tính phức tạp, thực hiện khác nhau dựa theo điều kiện ở những cơ sở y tế … [42], [72], [89], [111].

G.Ploulx và cộng sự [115] nghiên cứu điểm PRISM của trẻ em mắc nhiễm khuẩn khi vào viện thứ tự là 3,9 ± 3,6 (không có hội chứng đáp ứng viêm hệ thống), 7,0 ± 7,0 (có hội chứng đáp ứng viêm hệ thống), 9,5 ± 8,3 (tình trạng nhiễm khuẩn), 8,8 ± 7,8 (NKN), và 21,8 ± 15,8 (SNK).

A.R.Brady và cộng sự [44] đánh giá nguy cơ tử vong trẻ em theo bảng PRISM (PRISM, PRISM-12, PRISM-24) và PIM (PIM, PIM 2) so sánh và tìm bảng điểm nào phù hợp cho bệnh nhân trẻ em nằm điều trị tại các khoa Hồi sức Nhi ở Anh. Nghiên cứu gồm tất cả các khoa Hồi sức Nhi gồm 10385 trẻ em nhập khoa Hồi sức trong 1 năm (03/2002 - 02/2003). Chỉ số lấy được ở 98% quần thể nghiên cứu. Kết luận được đưa ra là PIM 2, PRISM-12, PRISM-24 đều phù hợp, dễ thực hiện tại các khoa Hồi sức tại Anh. Đây chỉ là nghiên cứu bước đầu, vần đề là cần tìm bảng điểm nào nhận rõ sự khác biệt nhất giữa nhóm bệnh nhân sống và tử vong. Nghiên cứu cũng cho rằng áp dụng các bảng điếm này giúp theo dõi kết quả điều trị và cải thiện chăm sóc hồi sức cấp cứu tại Anh.

A.Ponce-Ponce De Leon và cộng sự [111] tại Mexico sử dụng bảng điểm PRISM III cho 170 bệnh nhân nằm điều trị hồi sức thấy độ nhạy và độ đặc hiệu tốt để tiên lượng tử vong cho trẻ em nằm điều trị tích cực.

Tại Hồng kông, trong 1 nghiên cứu nhỏ trên 303 bệnh nhân trẻ em tại khoa Hồi sức Bệnh viện đa khoa Hồng kông, các tác giả sử dụng PIM, PRISM để tiên lượng nguy cơ tử vong thấy 2 hệ bảng điểm này tương đương nhau, đều phân tách được nguy cơ tử vong và bệnh nhân sống [59].

Nghiên cứu tại Pakistan cũng nhận định PIM và PRISM đều có thể áp dụng được tại nước này. Tuy nhiên PIM 2 thuận lợi hơn PRISM ở một số điểm sau: Phân tầng nguy cơ rõ ràng hơn, ít chỉ số thu thập, đưa ra kết quả nhận định sớm hơn, và đặc biệt vấn đề suy dinh dưỡng được đề cập trong PIM 2 khá phù hợp với các nước đang phát triển [72].

Trong một nghiên cứu tại Pháp trên bệnh nhân SNK do não mô cầu, S. Leteurtre và cộng sự [88] đã sử dụng PRISM III làm yếu tố tiên lượng nguy cơ tử vong, so sánh với các bảng tiên lượng bệnh khác như: PIM, MOC

(MenOPP bedside clinical of Gedde Dahi), GFRP (Group Francophone de

Reanimation Pediatrique) và nồng độ CRP trong máu. Nghiên cứu có gợi ý sử dụng PRISM III có tiên lượng tốt nhất cho nguy cơ tử vong ở trẻ em bị sốc nhiễm khuẩn do não mô cầu. Tuy nhiên giới hạn của bảng điểm này là phải quan sát ghi nhận các chỉ số trong vòng 24 giờ. Nghiên cứu cũng gợi ý sử dụng các biến số của PRISM III trong vòng vài giờ nhập khoa Hồi sức, đưa ra được điểm tiên lượng sớm hơn.

H.R. Iskander và cộng sự [83] cũng sử dụng bảng điểm PRISM III để tiên lượng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân sốc do sốt xuất huyết. Tác giả nhận định PRISM có khả năng phân tách giữa nhóm sống và nhóm tử vong.

Nghiên cứu của Đ.V. Hùng [10] về thang điểm PRISM cho trẻ em nhập khoa HSCC, BVNTƯ cho thấy thang điểm này có khả năng phân tách tốt

giữa hai nhóm tử vong và sống sót với diện tích dưới đường cong ROC là 0,87, điểm PRISM phân tách là 19,3. Tuy nhiên có một số yếu tố làm ảnh hưởng đến khả năng tiên lượng nguy cơ tử vong của thang điểm PRISM là: bệnh không có khả năng điều trị và nhiễm khuẩn bệnh viện. Tác giả cũng nhận thấy nhóm trẻ mắc NKN có điểm PRISM cao nhất (25,4) so với các nhóm bệnh nhân hồi sức khác.

Tóm lại: Sử dụng bảng điểm PRISM có giá trị tiên lượng tử vong ở bệnh nhi SNK. Kết quả điểm PRISM của đề tài này khá phù hợp với các tác giả trong và ngoài nước về mức điểm, khả năng phân tách nhóm bệnh sống và tử vong. Điểm PRISM trên 20 có nguy cơ tử vong cao, OR = 24,8, 95% CI: 7,40 - 83,29.

Một phần của tài liệu nghiên cứu kết quả điều trị và một số yếu tố tiên lượng tử vong trong sốc nhiễm khuẩn trẻ em (Trang 127 - 130)