Mặc dù có nhiều tiến bộ trong điều trị, đặc biệt đã tiếp cận các biện pháp điều trị theo sinh lý bệnh song tỷ lệ tử vong SNK vẫn còn cao. Các biện pháp điều trị thông thường: nhận biết sớm, đảm bảo cung cấp oxy, bồi phụ dịch nhanh, sử dụng thuốc vận mạch hợp lý, sử dụng kháng sinh phù hợp... vẫn là những biện pháp hữu hiệu giúp cải thiện tỷ lệ sống trên bệnh nhân SNK. Mặc dù tận diệt các mầm bệnh vi khuẩn và điều trị theo những thay đổi sinh lý bệnh là cần thiết, nhưng lựa chọn cách tiếp cận ức chế hoạt động các tác động có hại của phản ứng viêm, trong khi đó giữ lại hệ bảo vệ kháng vi khuẩn là cần thiết. Sau đây là một số cách tiếp cận điều trị theo sinh lý bệnh NKN và SNK.
1.6.7.1. Corticoids.
Có chỉ định hydrocortisone khi có tình trạng kháng các catecholamine hoặc có gợi ý hoặc bằng chứng suy thượng thận trong SNK trẻ em [52], [62], [110], [136]. Bệnh nhân có nguy cơ suy thượng thận gồm trẻ có SNK nặng và có ban hoại tử, trẻ có điều trị corticoids trước đó cho các tình trạng bệnh mạn
tính, và trẻ có bất thường về thượng thận hoặc tuyến yên. Trẻ có yếu tố nguy cơ rõ ràng của suy thượng thận cần được điều trị liều chống stress: hydrocortisone 50 mg/m2/24 giờ [62].
Một khía cạnh khác trong sử dụng corticoids là hiệu quả ức chế miễn dịch trong phản ứng viêm của SNK. Có hai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng lớn sử dụng corticoids trong giai đoạn sớm của nhiễm khuẩn nặng. Kết quả của thử nghiệm này là corticoids không có tác động hiệu quả ở giai đoạn sớm của nhiễm khuẩn nặng [110].
1.6.7.2. Các yếu tố chống đông máu.
Trong SNK, các nội độc tố và các cytokin viêm gây tổn thương lòng mạch trực tiếp. Kích hoạt hệ thống đông máu và tổn thương lòng mạch tạo ra cục máu đông trong lòng mạch và tắc hệ vi mạch, tiêu thụ thứ phát các yếu tố chống đông tự nhiên như AT III, protein C, protein S, và gây đông máu trong mạch lan tỏa.
Trong điều trị chống rối loạn đông máu là bổ sung các yếu tố đông máu thiếu hụt và cung cấp các yếu tố chống đông. Tiếp cận các phương pháp điều trị mới, các nghiên cứu sử dụng các chất chống đông tự nhiên AT III, Protein C hoạt hóa tái tổ hợp (rhAPC), yếu tố mô tái kết hợp con đường ức chế (recombinant tissue factor pathway inhibitor - rPFTI) cho rối loạn đông máu trong SNK với các tác động chống đông, kháng viêm, tiền tiêu fibrinogen [69], [139].
1.6.7.3.Các globulin miễn dịch.
Hàng loạt các ảnh hưởng có hại của nhiễm khuẩn nặng và SNK đã được xác định là do thành phần Lipit A của phân tử nội độc tố trong VK Gr âm. Người ta sử dụng các kháng thể chống lại các thành phần khác nhau của nội độc tố là đích của điều trị SNK theo cơ chế sinh lý bệnh. Đã có một số các thử nghiệm lâm sàng có kiểm chứng ngẫu nhiên sử dụng chế phẩm globuline miễn dịch người trong điều trị SNK. Hầu hết các dạng thông thường của các
nghiên cứu này dùng Globulin miễn dịch đơn dòng hoặc đa dòng (monoclonal or polyclonal) [69].
Globulin miễn dịch đường tĩnh mạch (Intravenous Immunoglobuline – IVIG) đa dòng chứa cả IgG và IgM trong một số chế phẩm, điều này giúp nâng đáp ứng miễn dịch với nhiễm khuẩn cho bệnh nhân [121], [122]. Một số tác giả nhấn mạnh đến tình trạng miễn dịch giảm ở một số bệnh nhân, như trẻ sơ sinh có thiếu hụt cả các globulin miễn dịch và bổ thể, hoặc liên quan đến suy giảm miễn dịch ở những bệnh nhân nằm hồi sức, phẫu thuật, hay đang điều trị hoá chất. Nhìn chung chỉ có nhóm trẻ sơ sinh non tháng thì suy giảm miễn dịch rõ nhất vì IgG của trẻ được truyền từ bà mẹ chỉ sau 32 tuần tuổi thai. IgM không qua được rau thai, nồng độ chỉ bằng 20% so người lớn lúc 3 tháng tuổi và bắt kịp người lớn lúc 2 tuổi. Do vậy khi cho IVIG sẽ có hiệu quả miễn dịch rõ ràng: cải thiện chức năng đại thực bào và opsonin hoá, cải thiện tỷ lệ sống ở trẻ sơ sinh nhiễm khuẩn [122].
SSC-2008: có chỉ định Globulin miễn dịch tĩnh mạch cho các bệnh nhân trẻ em có nhiễm khuẩn nặng [62].
1.6.7.4.Màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO).
Mặc dù đã có nhiều biện pháp hỗ trợ hô hấp tuần hoàn trong SNK trẻ em nhưng tỷ lệ không đáp ứng với điều trị còn cao dẫn đến suy đa tạng và tử vong. Biện pháp sử dụng màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (Extra Corporel Membrane Oxygenation - ECMO) hỗ trợ cho cả hô hấp và tuần hoàn. Chỉ định trong tình huống không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông lệ trên [122]. Đã có những thành công bước đầu, song ECMO còn hạn chế sử dụng và hiệu quả chưa rõ ràng ở bệnh nhân trẻ em SNK tái diễn và/hoặc có suy hô hấp nặng [62]. Tác động của chất chống đông trong chạy máy làm tăng nguy cơ chảy máu ở bệnh nhân SNK làm hạn chế biện pháp này [122]. Tại Mỹ, tỷ lệ sống sau sốc tái diễn hoặc suy hô hấp do nhiễm khuẩn nặng có chạy ECMO
là 80% ở trẻ sơ sinh và 50% ở trẻ nhỏ. Trong một nghiên cứu phân tích 12 bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết não mô cầu, có dùng ECMO, 8/12 sống sót, trong đó 6 trẻ sống bình thường sau 1 năm theo dõi [94].
Các kỹ thuật ngoài cơ thể loại bỏ các chất viêm trong SNK như siêu lọc máu liên tục (Continuous Veno-Venous Hemofiltration - CVVH), lọc máu hấp phụ (charcoal haemoperfusion), lọc máu (haemodialyse), thay plasma hoặc máu toàn phần (plasma or whole blood exchange) đã được gợi ý sử dụng trong điều trịở bệnh nhân SNK nặng. Tuy nhiên không có chứng minh nghiên cứu lâm sàng bất kỳ hiệu quả nào lên sự sống sót với việc rút các chất viêm trong hội chứng đáp ứng viêm hệ thống và NKN, do vậy việc áp dụng các kỹ thuật trên vẫn còn hạn chếở trẻ em NKN [122].