Với chiến lược sử dụng thuốc vận mạch như trên, huyết động của các bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Các chỉ số trước và sau điều trị 6 giờ: HATĐ, huyết áp theo đích điều trị (HATB), tình trạng chi lạnh, thời gian làm đầy mao mạch, cung lượng nước tiểu đều cải thiện rõ rệt có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên chỉ số mạch trước và sau điều trị 6 giờ có giảm xuống, nhưng không có ý nghĩa thống kê với p = 0,163. Sau 6 giờ điều trị sốc kéo dài còn tồn tại: huyết áp giảm và không đo được 52%, HATB theo đích điều trị không đạt 29,4%, mạch nhanh 54,9%, chi lạnh 36,3%, và thời gian làm đầy mao mạch kéo dài (> 2 giây) 68,6%, thiểu niệu 24,5%. Kết quả này cho thấy đáp ứng với vận mạch và tăng cường co bóp cơ tim chỉ đáp ứng khoảng 1/2 số bệnh nhân, liên quan đến thiếu hụt dịch tiếp tục, và có thể là tình trạng suy thượng thận cấp…Cần có những nghiên cứu tiếp tục sâu hơn về sốc kéo dài: đặt catether động mạch phổi để phân tích huyết động (cung lượng tim, sức cản mạch hệ thống), xác định nồng độ cortisone máu…
Chỉ số pH cải thiện (hình 3.3.3, bảng 3.3.9), có ý nghĩa thống kê ở 2 giá trị trung bình (p = 0,006), nhưng để thoát khỏi tình trạng toan mất bù nặng (pH > 7.20) thì trước và sau điều trị 6 giờ không có ý nghĩa thống kê (p = 0,405). Huyết sắc tố có xu hướng giảm trước và sau điều trị (hình 3.3.2, bảng
3.3.8) do bệnh nhân có tình trạng mất nước, được bù dịch nhanh cấp cứu, chưa kịp bù khối hồng cầu ngay trong 6 giờ điều trị, nhưng ở giới hạn 10 g/dl thì sự thay đổi không có ý nghĩa thống kê (p = 0,841).
L. V. Ký [11] nghiên cứu tác dụng của norepinephrine truyền tĩnh mạch trong SNK người lớn cho thấy: là thuốc vận mạch có hiệu quả trong SNK ở liều 0,12 - 1,2 μg/kg/phút, làm tăng HATĐ, HATT, HATB, tăng lưu lượng nước tiểu, tăng độ thanh thải creatinine, tăng tưới máu tổ chức. P. N. Lâm [12] nghiên cứu tác dụng của adrenalin truyền tĩnh mạch trong SNK người lớn có đề nghị khi sử dụng dopamine đến liều 15 - 20 μg/kg/phút không cải thiện được huyết động có thể phối hợp dùng adrenalin hoặc có thể dùng ngay adrenalin sau khi đã bù đủ dịch, bắt đầu từ liều thấp tăng dần đến khi đo được huyết áp. Liều dùng 0,1 - 0,6 μg/kg/phút.
L. N. Duy và cộng sự [4] nghiên cứu sử dụng thuốc vận mạch trong SNK trẻ em tại BVNTƯ, nghiên cứu tiến hành trên 31 trẻ SNK, sử dụng dopamine là thuốc lựa chọn đầu tiên, sau đó chuyển noradrenaline nếu có kháng dopamine. Liều khởi đầu của dopamine là 10 μg/kg/phút, tối đa là 20 μg/kg/phút. Kết quả tốt cải thiện huyết động ở 7/31 bệnh nhân, trung bình ở 12/31 bệnh nhân. Chỉ định phối hợp noradrenaline liều khởi đầu 0,05 μg/kg/phút, tối đa 1,5 μg/kg/phút, có giá trị co mạch nâng huyết áp cải thiện huyết động và lâm sàng, kết quả tốt và trung bình là 25/31 trường hợp.
Các nghiên cứu trong nước cũng chỉ dừng lại ở phân tích huyết động dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và một số thay đổi chỉ số xét nghiệm giúp cho theo dõi và điều trị bệnh nhân. G. Ceneviva và cộng sự [56] nghiên cứu huyết động ở trẻ em SNK kháng bù dịch, tác giả sử dụng catheter động mạch phổi để phân tích huyết động trong vòng 6 giờ cấp cứu ban đầu ở 50 bệnh nhân. Định nghĩa cung lượng tim (Cardiac Output - CO) và sức cản mạch hệ thống (systemic vascular resistance - SVR) được đánh giá theo chỉ số tim (cardiac
index - CI) giới hạn bình thường là 3,3 - 5,5 L/min/m và chỉ số sức cản mạch hệ thống (systemic vascular resistance index - SVRI) giới hạn bình thường từ 800 - 1600 dyne-sec/cm5/m2. Kết quả nghiên cứu cho thấy sau bù dịch cấp cứu ban đầu, 58% trẻ có cung lượng tim thấp đáp ứng với thuốc tăng cường co bóp có hoặc không kết hợp giãn mạch (nhóm I), 20% cung lượng tim cao và trở kháng mạch hệ thống thấp và đáp ứng với điều trị thuốc vận mạch đơn thuần (nhóm II), 22% cả suy chức năng tim và mạch đáp ứng kết hợp cả thuốc vận mạch và tăng cường co bóp cơ tim (nhóm III). Trong quá trình điều trị thuốc vận mạch, nhóm I có 50% cần kết hợp thuốc giãn mạch. Nhóm II có 50% cần kết hợp tăng cường co bóp cơ tim. Có 4 trường hợp phải thay từ thuốc tăng cường co bóp cơ tim sang thuốc vận mạch. Kết quảđiều trị sau 28 ngày, tỷ lệ sống 80%, nhóm I là 72%, nhóm II là 90% và nhóm III 91%. Nghiên cứu này đã nêu được sự khác biệt về huyết động trong SNK trẻ em so với người lớn: SNK trẻ em thường có giảm cung lượng tim góp phần làm cho nhiều hơn tình trạng kháng bù dịch kéo dài, làm cho sốc kéo dài, và do tình trạng huyết động trẻ thay đổi theo thời gian nên nếu như chế độđiều trị không cẩn thận và kịp thời dễ đưa đến sốc kéo dài và tử vong. Tác giả đưa ra các nhận xét về hiệu quả của thuốc vận mạch và tăng cường co bóp cơ tim, ví dụ như đối với dopamine và adrenaline, điểm nhận cảm cả ở α, β adrenergic, do vậy liều dopamine < 10 μg/kg/phút và adrenaline < 0,3 μg/kg/phút có phải thực sự là tác động tăng cường co bóp hay là có cả tác động vận mạch. Tương tự như đối với milrinone, tác động tăng cường co bóp và cả giãn mạch, khi chỉđịnh giãn mạch thì lại có cả tác động tăng cường co bóp.
Tóm lại: Sử dụng thuốc vận mạch (dopamine, noradrenaline, adrenaline) và tăng cường co bóp cơ tim (dobutamine) sau khi bù thể tích tuần hoàn giúp cải thiện huyết động và tưới máu tạng. Đáp ứng tốt với dopamin ở 30,4% bệnh nhân, đáp ứng với noradrenaline và adrenaline ở 19,6% bệnh nhân.
Còn có 50% bệnh nhân không đáp ứng với catecholamine ở thời điểm sau 6 giờ điều trị, gây sốc kéo dài và hậu quả là suy đa tạng và tử vong.