Các lớp từ vựng xét theo tiêu chí nguồn gốc

Một phần của tài liệu (Trang 39 - 43)

7. Bố cục của luận văn

2.1.1. Các lớp từ vựng xét theo tiêu chí nguồn gốc

Số lượng các lớp từ vựng trong bản Hiến pháp 2013 xét theo tiêu chí nguồn gốc được chúng tôi khảo sát có kết quả như sau:

Bảng 2.1. Số lượng các lớp từ vựng trong Hiến pháp 2013 theo tiêu chí nguồn gốc

Các lớp từ vựng trong Hiến pháp

2013 xét theo tiêu chí nguồn gốc Số lượng từ Số lần xuất hiện

Từ thuần Việt 148 3.258

Từ Hán Việt 549 4.289

Từ có nguồn gốc Ấn - Âu 01 01

Tổng 688 7.548

Qua thống kê số lượng từ vựng trong bản Hiến pháp 2013 (không tính các từ ngữ là tiêu đề của bản Hiến pháp 2013 và tiêu đề của các chương, điều 1, điều 2…), chúng tôi nhận thấy có tổng cộng 7.548 lượt từ, ngữ xuất hiện trong bản Hiến pháp 2013. Nếu thống kê từ theo đơn vị từ điển thì có tổng cộng 688 từ, ngữ.

Ví dụ:

- Từ thuần Việt: trải qua, mấy, nghìn, năm, để, dựng nước, và, giữ nước, đã, nên, yêu nước, dưới, của, do, ta, lâu dài, đầy, vì, tháng tám, ngày, tháng, năm, đọc, ra, nước, nay, là, được, giúp đỡ, bạn bè, trên, đã, giành, trong, các, cuộc, đất nước, nhà nước, làm, đạt, những, to lớn, có, đi lên, dân giàu, nước mạnh, bao gồm, đất liền…

- Từ Hán Việt: lịch sử, nhân dân, lao động, truyền thống, nhân nghĩa, văn hiến, lãnh đạo, cộng sản, chủ tịch, sáng lập, dân tộc, cách mạng, thành công, tuyên ngôn, cộng hòa, nghĩa vụ, quốc tế, thành tựu, chủ nghĩa xã hội, cương lĩnh, thời kỳ, quá độ, quyền lực, toàn diện, giai cấp, công nhân, tăng cường, đồng thuận, xã hội, giám sát, phản biện, đối ngoại, chính trị, xã hội, quốc khánh, dân sự, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, Hiến pháp, pháp luật, quyền, nghĩa vụ, quy định…

- Từ có nguồn gốc Ấn - Âu: Mác - Lê nin.

2.1.1.1. Từ thuần Việt

Từ thuần Việt là những từ vốn có của tiếng Việt, chứ không phải là những từ tiếng Việt tiếp nhận của các ngôn ngữ khác. Tiếng Việt được tách ra từ ngôn ngữ Việt Mường, hiển nhiên nó kế thừa kho từ ngữ của ngôn ngữ Việt Mường. Những từ ngữ ấy có thể có nguồn gốc Nam Á, Thái - Kađai, Mã Lai Đa đảo, gốc Hán, hay gốc khác thì vẫn có thể coi chúng là từ ngữ thuần Việt. [20, tr. 567].

Từ thuần Việt trong bản Hiến pháp 2013 chủ yếu là các hư từ trong tiếng Việt như: với, của, là, các, trên, trong, vì, và, do… Ngoài ra, còn có một số thực từ thuần Việt như: nhà nước, dựng nước, giữ nước, vùng đất, vùng trời, vùng biển, đất liền,

kín, dân giàu, nước mạnh, công bằng, đấu tranh

2.1.1.2. Từ Hán Việt

Tiếng Việt đã trải qua quá trình tiếp xúc với tiếng Hán từ rất lâu đời, thông qua nhiều con đường và nhiều giai đoạn khác nhau. Có thể nói, đây là một kết quả tất yếu, bởi vị trí địa lý và quá trình tiếp xúc lâu đời giữa tiếng Hán với tiếng Việt.

Các từ gốc Hán nói chung và từ Hán Việt nói riêng, có vị trí rất đặc biệt trong từ vựng tiếng Việt. Hệ thống từ Hán Việt thâm nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt là để bổ sung những từ còn trống trong từ vựng tiếng Việt. Chúng gia nhập vào mọi lĩnh vực giao tiếp của đời sống người Việt: chính trị, pháp luật, văn hóa, khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật, quân sự, ngoại giao… Để bổ sung những từ còn thiếu, người Việt một mặt đã tạo ra một số từ mới trên cơ sở các nguyên tắc cấu tạo từ tiếng Việt, song mặt khác cũng đã vay mượn một số lượng lớn từ ngữ tiếng Hán. Việc vay mượn các từ ngữ tiếng Hán đã diễn ra trong một thời gian rất dài. Các yếu tố Hán đóng một vai trò quan trọng trong cấu tạo thuật ngữ tiếng Việt. Tuy có nguồn gốc ngoại lai nhưng các yếu tố Hán Việt đã nhập vào tiếng Việt từ lâu, chúng đã trở thành một bộ phận hữu cơ của từ vựng tiếng Việt. Do những tính chất và đặc điểm như có ý nghĩa khái quát, có tính bác học và trang trọng, từ Hán Việt có những đóng góp to lớn vào việc tạo lập các tính chất quan trọng của văn bản pháp luật nói chung và của Hiến pháp nói riêng, đó là tính chặt chẽ, trang trọng và bao trùm.

Khảo sát trong bản Hiến pháp 2013, số lượng từ Hán Việt theo tiêu chí nguồn gốc âm tiết cấu tạo nên chúng chiếm tỷ lệ gần 80%. Điều đó cho thấy: Từ Hán Việt là phương tiện tốt để cấu tạo thuật ngữ do chúng là hình ảnh của khái niệm, sản phẩm của tư duy và các âm tiết Hán Việt có màu sắc kỹ thuật rõ rệt [38, tr. 166]. Hơn nữa, giữa các âm tiết của từ Hán Việt là hình ảnh của thế giới ý niệm, sản phẩm của tư duy, trong khi đó quan hệ giữa các âm tiết thuần Việt là quan hệ cú pháp nên kém cố định và lỏng lẻo hơn. Sự hiện diện với mật độ cao của từ Hán Việt trong Hiến pháp 2013 đảm bảo tính co dãn, bao trùm của các quy định pháp luật.

Như chúng ta đã biết, Hiến pháp cần phải điều chỉnh được nhiều mối quan hệ của các lĩnh vực trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội... Tính bao quát, co dãn là một đặc tính bắt buộc để làm giảm thiểu tối đa các kẻ hở pháp luật. Một trong những phương tiện ngôn ngữ thích hợp để thể hiện yêu cầu này của văn bản pháp luật là từ Hán Việt, mà cụ thể theo khảo sát, thống kê và phân tích của chúng tôi trong luận văn này là sự xuất hiện số lượng lớn từ ghép đẳng lập Hán Việt.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc sử dụng nhiều từ Hán Việt trong Hiến pháp 2013 là vì yêu cầu tính trang trọng của thể loại văn bản này. Văn bản pháp luật, mà cụ thể là văn bản Hiến pháp thể hiện sự giao tiếp đặc biệt giữa một bên phát là nhà nước và nên nhận và công dân, mọi người, do vậy phải mang tính chính thức, uy nghiêm và trang trọng. Hiến pháp là đạo luật gốc, cho nên tính chính thức, uy nghiêm, trang trọng phải đạt ở mức độ cao nhất nhằm làm tăng hiệu lực của phát ngôn. Mật độ dày đặc của các từ Hán Việt trong Hiến pháp đảm bảo tính chính xác, bao trùm, co dãn, trang trọng của văn bản pháp luật.

Qua đó cho thấy, các nhà lập hiến đã lựa chọn, sử dụng những từ ngữ Hán Việt rất chuẩn xác, nhằm đảm bảo các yêu cầu cao của văn bản Hiến pháp, đồng thời giúp cho mọi người khi tiếp nhận, sử dụng dễ hiểu, hiểu một cách rõ ràng và thực hiện đúng đắn các nội dung quy định trong bản Hiến pháp 2013.

2.1.1.3. Từ có nguồn gốc Ấn - Âu

Khảo sát trong bản Hiến pháp 2013, chúng tôi nhận thấy rằng không có một từ có nguồn gốc Ấn - Âu nào trong phần nội dung chính của bản Hiến pháp 2013, duy chỉ có trong Lời nói đầu của bản Hiến pháp một từ có nguồn gốc Ấn - Âu đó là từ

Mác - Lênin (mục 1, điều 4, Hiến pháp 2013).

Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học thì bộ phận từ vựng có nguồn gốc Ấn - Âu thâm nhập vào tiếng Việt từ khi người Việt bắt đầu tiếp xúc với người phương Tây, châu Âu. Cụ thể là, từ năm 1615, Thiên chúa giáo đã bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam. Vừa bằng con đường khẩu ngữ, vừa qua con đường chính thức trong giao tiếp hành chính và giáo dục trong trường học, hàng loạt từ gốc Pháp đã du nhập vào tiếng Việt. Bên cạnh đó, một số từ có nguồn gốc Anh, và từ cách mạng tháng Mười đến thập niên 90 của thế kỉ XX, một số từ gốc Nga cũng được tiếp thu vào tiếng Việt. Nhìn chung, tiếng Việt chỉ mới tiếp xúc với các ngôn ngữ Ấn - Âu trong thời gian gần đây, sau khi đã tiếp nhận một cách có hệ thống rất nhiều từ gốc Hán; số từ này chỉ có tính chất lẻ tẻ, chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, thường là các thuật ngữ khoa học, kĩ thuật.

Một phần của tài liệu (Trang 39 - 43)