CHƯƠNG 3 ĐẶC ĐIỂM NGỮ PHÁP CỦA VĂN BẢN HIẾN PHÁP 2013
3.2. Đặc điểm cú pháp của văn bản Hiến pháp 2013
3.2.1. Các kiểu câu phân chia theo tiêu chí mục đích phát ngôn
Phân loại câu theo mục đích phát ngôn, tức dựa vào mục đích chủ quan, ý đồ của người nói thể hiện trong mỗi câu nói. Phân loại câu theo hướng này chúng ta có các loại câu:
3.2.1.1. Câu tường thuật
Câu tường thuật dùng để xác nhận về sự tồn tại của sự vật hay các đặc trưng, hoạt động trạng thái của sự vật. Đây là loại câu được dùng rộng rãi nhất. Về hình thức biểu hiện, loại này thường có ngữ điệu kết thúc câu đi xuống, trên chữ viết có dấu chấm (.). Về nội dung, có thể phân chia thành hai nhóm: câu tường thuật khẳng định và câu tường thuật phủ định.
a) Câu tường thuật khẳng định
Loại câu này nêu lên sự vật, hiện tượng được nhận định là có tồn tại. Loại câu này có chức năng trình bày, tức là được dùng để kể, xác nhận, mô tả một vật, hiện tượng, sự việc với các đặc trưng (hành động, quá trình, tư thế, trạng thái, tính chất) và quan hệ của chúng. Câu tường thuật là hình thức biểu hiện thường gặp của một phán đoán logic.
Khảo sát trong bản Hiến pháp 2013, chúng tôi nhận thấy có 314 câu tường thuật khẳng định, chiếm tỉ lệ 95,73%.
Ví dụ:
- Câu thứ nhất trong Lời nói đầu của Hiến pháp 2013: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân
nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”. Câu này vừa
tường thuật khái quát, vừa khẳng định quá trình lao động, đấu tranh bền bỉ, gian nan trải qua hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam để dựng nước và giữ nước, xây dựng nên nền văn hiến của dân tộc Việt Nam.
- “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. (điều 1, Hiến pháp 2013). Câu này khẳng định chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các thực thể thuộc chủ quyền của nước Việt Nam là đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
b) Câu tường thuật phủ định
Loại câu này thường xác nhận sự vắng mặt hay không tồn tại của sự vật, hiện tượng, nói một cách khác, đây là câu nhằm tường thuật lại một sự việc nhưng theo chiều phủ định. Căn cứ vào sự có mặt của phụ từ phủ định trong cấu trúc câu, có thể chia câu phủ định thành: câu có chủ ngữ bị phủ định, câu có vị ngữ bị phủ định và câu có thành phần phụ bị phủ định.
Khảo sát trong bản Hiến pháp 2013, chúng tôi nhận thấy có 14 câu tường thuật phủ định, chiếm tỉ lệ 4,26%.
Ví dụ:
- Câu có chủ ngữ bị phủ định: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. (khoản 2, điều 16, Hiến pháp 2013);
“Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc
phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang”. (khoản
2, điều 20, Hiến pháp 2013).
- Câu có vị ngữ bị phủ định: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao
nộp cho nhà nước khác”. (khoản 2, điều 17, Hiến pháp 2013).
- Câu có thành phần phụ bị phủ định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. (khoản 1, điều 18, Hiến pháp 2013). Câu này phủ định thành phần phụ là bổ ngữ.
3.2.1.2. Câu nghi vấn
Câu nghi vấn là câu có chức năng hỏi, tức là được dùng để nêu lên điều chưa biết hoặc còn hoài nghi và chờ đợi sự trả lời từ phía người tiếp nhận câu đó. Về mặt
cấu tạo, câu nghi vấn thường sử dụng các phương tiện sau đây: (1) câu nghi vấn dùng đại từ nghi vấn (các đại từ phiếm định dùng vào chức năng hỏi); (2) câu nghi vấn dùng quan hệ từ hay (chỉ sự lựa chọn); (3) câu nghi vấn dùng phụ từ (dùng vào chức năng hỏi); (4) câu nghi vấn dùng các tiểu từ chuyên dùng; (5) câu nghi vấn dùng ngữ điệu nghi vấn. Về mặt hình thức, cuối câu nghi vấn thường có dấu chấm hỏi (?).
Khảo sát trong bản Hiến pháp 2013, chúng tôi không thấy có câu nghi vấn
nào. Bởi vì, Hiến pháp là văn bản pháp luật, nên câu được sử dụng đòi hỏi sự chính xác, có tính khẳng định, quy định, bắt buộc, cho phép hay không cho phép thực hiện một vấn đề nào đó, chứ không thể dùng câu có tính hoài nghi, mơ hồ, dẫn đến dễ gây hiểu nhầm cho người tiếp nhận, thực hiện.
Như vậy, trong bản Hiến pháp 2013, câu tường thuật khẳng định được sử dụng chủ yếu; câu tường thuật phủ định chiếm tỉ lệ rất ít và hầu như không có câu nghi vấn. Điều này là phù hợp với yêu cầu của văn bản Hiến pháp đó là khẳng định những vấn đề, những nội dung, phạm vi mà bản Hiến pháp quy định, điều chỉnh.
3.2.1.3. Mệnh lệnh - cầu khiến
Loại câu này được dùng để bày tỏ thái độ cầu khiến (mong muốn người nghe thực hiện) hay mệnh lệnh (bắt buộc người nghe phải thực hiện). Câu mệnh lệnh được cấu tạo nhờ những phụ từ tạo ý mệnh lệnh, bằng ngữ điệu mệnh lệnh với điều kiện là chỉ chứa những liên từ liên quan đến nội dung của lệnh. Các phụ từ mệnh lệnh đứng trước vị từ hay gặp là hãy: có ý nghĩa khẳng định và có sắc thái trung hòa; đừng (có, có mà), chớ (có, có mà): có ý nghĩa phủ định và sắc thái trung hòa;
không được: với sắc thái thân mật - suồng sã. Các phụ từ mệnh lệnh đứng sau phụ
từ hay gặp là: đi, thôi, đi thôi, nào, đi nào: sắc thái thân mật - suồng sã.
Khảo sát trong bản Hiến pháp 2013, chúng tôi nhận thấy một số từ thường được dùng trong câu mệnh lệnh - cầu khiến như sau: phải (27 lần), cần thiết (11 lần), yêu cầu (9 lần), nghiêm cấm (7 lần), không được (4 lần), cần (1 lần).
Ví dụ:
- Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và
an ninh. (điều 64, Hiến pháp 2013).
- Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng
đồng.(khoản 2, điều 38, Hiến pháp 2013).
- Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng
ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban
thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. (điều 81, Hiến pháp 2013).
- Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm
đáp ứng yêu cầu đó. (khoản 1, điều 77, Hiến pháp 2013).
Tất cả những câu có chứa các từ như cấm, nghiêm cấm, đề nghị, yêu cầu, phải, cần thiết, cần… nói lên ý muốn của người nói, hoặc của ngôi nhân xưng thứ ba, hoặc của tình huống, không phải là câu mệnh lệnh đích thực. Nhìn chung, đó là những câu tường thuật với ý nghĩa từ vựng khuyến lệnh, mong muốn, cần thiết, cấm đoán… Nếu trong trường hợp chúng được dùng với ý nghĩa mệnh lệnh thì đó là kiểu câu mệnh lệnh lâm thời. Được coi là câu mệnh lệnh lâm thời những câu không phải là câu mệnh lệnh đích thực, nhưng mang nội dung mệnh lệnh xác định được bằng những dấu hiệu hình thức như ngữ điệu, phụ từ chuyên dụng đi kèm, hoặc bởi một tình huống nói năng.
3.2.1.4. Câu cảm thán
Câu cảm thán được dùng khi cần thể hiện đến một mức độ nhất định những tình cảm khác nhau, thái độ đánh giá, những trạng thái tinh thần khác thường của
người nói đối với sự vật hay sự kiện mà câu nói đề cập hoặc ám chỉ. Câu cảm thán cũng có những dấu hiệu hình thức của mình. [2, tr. 237].
Câu cảm thán tiếng Việt được cấu tạo nhờ những phương tiện sau đây:
- Thán từ (tự mình làm thành câu, kết hợp với từ khác, hoặc làm thành thành phần phụ của câu). Ví dụ: Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp. (Tố Hữu).
- Tiểu từ thay (đứng sau vị từ), nhỉ đứng cuối câu. Ví dụ: Thương thay một
kiếp người! Hại thay mang lấy sắc tài làm chi! (Nguyễn Du).
- Phó từ lạ, thật, quá, ghê, thế, dường nào, biết mấy… thường đứng sau vị từ như cực kỳ, hết sảy, hết ý, hết cỡ của khẩu ngữ hiện đại và xiết, bao, biết bao… có thể đứng sau hay đứng trước vị từ tùy trường hợp. Ví dụ: Thế thì tốt quá! (Nam Cao); Con này gớm thật! (Nguyên Hồng); Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao. (Nguyễn Du).
- Khuôn hình không chứa thán từ: sao mà, chết đi được… Ví dụ: Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế. (Nam Cao).
- Bên cạnh đó, còn dùng ngữ điệu để thể hiện ý nghĩa cảm thán. Ví dụ: Gặp ai, người ta chưa kịp trông thấy cậu, cậu đã chào người ta trước bô bô. Cậu hỏi người ta “Có phát tài không?”, “Lúa có khá không?”, “Cháu có chịu chơi không?”, Con
người nhũn nhặn! (Nam Cao).
Trong bản Hiến pháp 2013, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy hầu như không có câu cảm thán, tuy nhiên vẫn có một số câu có tính chất cảm thán. Ví dụ như: “Tổ
quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”. Câu này ngoài nội dung tường
thuật, khẳng định điều đó như là một chân lý, còn thể hiện tình cảm trân trọng, thiêng liêng đối với Tổ quốc.