CHƯƠNG 3 ĐẶC ĐIỂM NGỮ PHÁP CỦA VĂN BẢN HIẾN PHÁP 2013
3.2. Đặc điểm cú pháp của văn bản Hiến pháp 2013
3.2.3. Các kiểu câu phân chia theo tiêu chí lôgic
Trong ngôn ngữ, tồn tại nhiều thứ ý nghĩa, và trong số đó ý nghĩa lôgic có tầm quan trọng hàng đầu. Các nhà ngôn ngữ học phân chia các kiểu câu theo tiêu chí lôgic thành hai loại: câu khẳng định và câu phủ định.
3.2.3.1. Câu khẳng định
Như đã nêu ở phần Câu tường thuật khẳng định, câu khẳng định cũng được hiểu làcâu nêu lên sự vật, hiện tượng được nhận định là có tồn tại. Loại câu này có chức năng trình bày, tức là được dùng để kể, xác nhận, mô tả một vật, hiện tượng, sự việc với các đặc trưng (hành động, quá trình, tư thế, trạng thái, tính chất) và quan hệ của chúng.
Khảo sát trong Hiến pháp 2013, chúng tôi nhận thấy câu khẳng định được sử dụng chủ yếu, vì Hiến pháp là đạo luật gốc, quy định là những vấn đề cơ bản, quan trọng nên cần phải được khẳng định một cách chính xác, rõ ràng.
3.2.3.2. Câu phủ định
Câu phủ định là câu xác định sự vắng mặt của vật, hiện tượng hay sự kiện, xác định sự vắng mặt của đối tượng hay của đặc trưng đối tượng trong hiện thực hoặc trong tưởng tượng bằng những phương tiện hình thức nhất định. [2, tr. 240].
Căn cứ vào cách biểu hiện ý phủ định, nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ phân biệt câu phủ định toàn bộ với câu phủ định bộ phận. Câu phủ định toàn bộ là câu chứa phụ từ chỉ ý phủ định đứng trước vị ngữ hoặc trước nòng cốt câu; còn trong câu phủ định bộ phận thì vị ngữ không bị đánh dấu phủ định, mà bộ phận nào đó khác trong câu mang phụ từ phủ định.
Trong tiếng Việt có những phương tiện chuyên dụng để cấu tạo câu phủ định là các từ phụ từ như: không, chẳng, chăng, chưa; muốn tạo sắc thái nhấn mạnh có thể thêm từ hề để có không hề, chẳng hề, chưa hề, và muốn tạo ý định bác bỏ có thể dùng các tổ hợp từ không phải, chẳng phải, chưa phải, hoặc dùng các khuôn không trực tiếp chứa từ mang ý nghĩa phủ định như: (không) có… đâu, nào có… đâu, đâu có…, làm gì có…, có phải… đâu, đâu (có) phải…
Khảo sát trong bản Hiến pháp 2013, chúng tôi thấy chỉ xuất hiện từ không ở đầu câu để diễn đạt nội dung câu phủ định toàn bộ (có 07 câu) và từ không ở trong câu, thường là đầu các vế câu để diễn đạt ý nghĩa phủ định bộ phận (có 08 câu).
Ví dụ câu phủ định toàn bộ:
- Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. (khoản 2, điều 16).
- Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban
thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. (điều 81, Hiến pháp 2013).
Ví dụ câu phủ định bộ phận:
- Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về
sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự,
nhân phẩm. (khoản 1, điều 20, Hiến pháp 2013).
- Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng, trừ trường hợp có chiến tranh. (khoản 3, điều 71, Hiến pháp 2013).
- Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng
ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban
thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. (điều 81, Hiến pháp 2013).
Qua đó cho thấy, văn bản Hiến pháp 2013 thuộc PCCNNN hành chính - công vụ, nên phải dùng những từ ngữ chính xác, rõ ràng và có tính trung hòa về sắc thái biểu cảm.