Biết bao ánh sáng chiếu rọi trong những tuần lễ sau đêm Giáng Sinh... Văn cảm thấy như được sống lại. Văn đã tìm lại được sự tươi mát của tâm hồn. Cũng như lúc còn bé bỏng, những nhiệt tình hồn nhiên dâng lên, bộc phát từ tâm hồn cậu bé... Văn lại mơ tưởng, trông cậy...
Khung cảnh cuộc sống bên ngoài của Văn cũng sắp thay đổi... Đầu năm 1941, vào dịp Tết Nguyên đán, bà cô Khánh đến thăm gia đình. Thấy cháu cưng yêu của mình xanh xao, vàng vọt, hốc hác bà cô bàn bạc với mẹ Văn và được bà mẹ đồng ý để Văn sống với bà cô một thời gian... Trong nhiều tháng ở nhà bà cô, Văn tìm lại được cuộc sống thăng bằng? Lại thêm một may mắn bất ngờ khác: cô Đê, vợ mới cưới của người anh họ tên Khanh. sống tâm đắc, hòa hợp, thân thiết với Văn trong tình yêu thương của Chúa... Thật ra, công việc hằng ngày của cậu bé có vẻ hèn mọn: chăn bò! Nhưng Văn vui lòng lãnh nhận; không những thế. Văn hãnh diện vì dù sao, Văn không phải là đứa bé "ăn bám". Hơn thế nữa, việc ấy đẹp lòng bà cô làm vui lòng mọi người trong gia đình, tất nhiên cũng vừa ý Chúa Hài Đồng. Đó là lập luận đơn sơ mà cao cả của cậu bé! Ân sủng đêm Giáng Sinh, tâm hồn tràn ngập Chúa Hài Đồng, Văn sống vui tươi, thanh thản, bình an...Chung đụng với bọn trẻ chăn bò trong xóm, Văn thất vọng vì tính tình dung tục của chúng, đành phải lánh xa... và bày ra những cuộc rước kiệu lạ lùng:
"Ngày ấy, con chẳng có cái thú nào hơn là tìm cách chơi với Đức Mẹ: cái thú tổ chức rước kiệu. Tuy nhiên con chỉ có một mình với con bò. Con chia cánh đồng ra làm nhiều quãng cách xa nhau: rồi trang sức cho con bò thật đẹp, bằng đủ mọi sắc hoa, trên hai chiếc sừng. Xong rồi con quỳ trên lưng bò, tay cầm ảnh Đức Mẹ, và cho bò ăn đi từ từ trên các bờ ruộng, còn con thì lần hạt to tiếng. Hễ khi nào con lần xong một chục mà bò chưa di đến quãng đồng con đã chia để đọc sang chục khác, thì con đứng dậy (trên lưng bò) và hát một bài kính Đức Mẹ. Những buổi rước ấy thường kéo dài ra đến hàng hai ba giờ, mà con không bao giờ thấy mệt. Và chỉ khi nào bò ăn no rồi, con mới chấm dứt cuộc rước, để đưa bò về chuồng . "
Một bữa nọ, có người bổn đạo trong xóm để ý quan sát cậu bé rước kiệu Đức Mẹ, đã trách cậu bé và phê phán cậu bé thiếu kính trọng đối với Đức trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa. Văn đáp lời tức khắc:
- Cháu làm gì mà thiếu kính trọng? Cháu yêu Đức Trinh nữ là Mẹ của cháu; bất cứ ở đâu cháu cũng yêu Người là Mẹ cháu”.
Ông ta chưng hửng, xéo lẹ, miệng lẩm bẩm:
- Đúng là thằng bé mất dạy!
Việc nho nhỏ vừa xảy ra là một cơ hội để Văn cho chúng ta một bài học ý nghĩa mà Văn khắc ghi vào lòng: Sống gần Chúa, sống kề cận Chúa, đó là cuộc sống
êm ái, dịu dàng, hạnh phúc! Văn đã chiến đấu, đã hy sinh tất cả để khẳng định chân lý ấy:
"Biết bao nhiêu tâm hồn đối với Chúa còn sợ sệt như một cái gì cao xa quá. Trong thâm tâm họ không bao giờ dám có một tư tưởng thân mật với Chúa, vì họ chưa thấu hiểu Tình yêu, chỉ coi Chúa như một ông Vua trên hết các vua, và quyền hành cao cả không ai bằng, và vì thế, thân mật với Chúa là một việc họ cho là không được.
Nhưng con, con cảm thấy một khi con đã biết gieo mình vào lòng Đức Mẹ thì mỗi khi con được Đức Mẹ ẵm con đến gần Chúa hơn, con nhận thấy Chúa đối với con gần gũi như một bông hoa, trên bãi cỏ, như tiếng gió rì rào trên ngọn thông, như trăm vẻ hùng vĩ của một bình minh, như tiếng chim reo rắc khắp mọi vùng. Không, đối với con, Chúa không là một cái gì cao xa quá bao giờ. Con không thấy Người tỏ hiện cùng con; nhưng tất cả mọi vật đều là như tiếng nói, là biểu tượng làm cho con quyến luyến và lụy phục Người. Cánh đồng vì thế, đối với con ngày một thêm đẹp và đưa con đi sâu vào lòng Chúa!"