Ngày hôm sau, Văn được rước lễ với điều kiện phải nhịn ăn cả ngày. Tối đến, cậu bé đuối sức, nằm bất động trên giường! Thầy giáo Vinh rất lo ngại và thuận cho em một tô cháo. Sáng hôm sau, cậu bé vẫn đi dự lễ, nhưng khi chịu Mình Thánh xong, Văn bồi hồi, xao xuyến và buồn phiền quá đỗi. Những câu hỏi của
các thầy giảng dằn vặt cậu bé: Chúa Giêsu có thật sự muốn ngự vào lòng cậu không? Cậu có xứng đáng rước Chúa hằng ngày không? Các thánh nhân đã dọn mình trong nhiều ngày trước khi rước Chúa...
Một cách thản nhiên, gần như vô ý thức, Văn rơi vào quan điểm của Jansénius, không tin tưởng vào lòng Nhân từ vô biên của Chúa. Cái nhìn của Văn đã thay đổi! Diện mạo của Chúa bị che mờ. Văn sợ hãi và trở nên cứng lòng:
“Hôm ấy, chịu lễ xong, con cảm thấy lòng con khô héo hơn thường và buồn bực
không thể tả. Con bối rối hết sức về những câu đon đả, bị hạch hỏi, mà phần thì mệt, phần thì quá lắt léo, con đã phải trả lời rằng con không biết. Trong các câu hỏi, các thầy nhấn mạnh về những điều này:
1. Mày có biết chắc Đức Chúa Giêsu ngự thật trong hình bánh mà bằng lòng ngự vào lòng mày không?
2. Mày có dám cả quyết rằng mày đã dọn mình cho thật xứng đáng không?
Rồi không muốn cho con trả lời đúng họ đem cuộc đời các thánh ngày xưa mà sánh ví với đời con. Họ nói: Các thánh ngày xưa chịu lễ một ngày, cám ơn một năm, dọn mình hằng tháng, thế mà đến khi lên rước lễ còn đấm ngực thình thình than rằng:
Chưa dám! Thế mà mày đây, thắt quần chưa chặt, miệng còn hôi sữa... mà dám tự cho mình là xứng đáng thì thật táo bạo, liều lĩnh. Rồi các thầy ấy đem chuyện các thánh đọc cho con nghe. Con thấy quả thật rằng, ngày xưa, các thánh thường chịu lễ rất ít, và thường hay dọn mình cách nhặt nhiệm; chẳng hạn ăn chay hoặc làm những việc đền tội khấc khổ. So sánh với con thật chẳng khác một trời một vực. Con đâm ra lo lắng và chắc rằng mình đã liều lĩnh thật.
Nhưng con lại nghĩ: không nhẽ mẹ đã dạy con Sai. Bởi vì theo lời mẹ, khi biết mình không mắc tội trọng và khi linh hồn có ơn nghĩa Chúa, có lòng ước ao rước Chúa thật thì vẫn được tự do bước lên bàn thánh mà rước Chúa. Mẹ nói quả thật không sai một tí nào. Nhưng lời mẹ bây giờ không còn đủ hiệu lực để làm con an dạ nữa. Con bối rối và đau khổ quá sức, vì nghi ngờ mình đã không xứng đáng như các thánh mà còn cả gan dám rước Chúa hàng ngày. Búi tơ càng gỡ càng rối, vết thương sầu mỗi ngày một thêm sâu, con không biết đến cùng ai để tỏ bày tâm sự. Bao nhiêu lẽ giả dối đã làm cho con suy nghĩ liên miên, cho đến lúc thôi không còn dám rước lễ hàng ngày nữa. Nguồn an ủi đứt đoạn từ đây. Lòng con âu sầu không thể nói...
Bối rối, chán nản, Văn dự định trốn đi... Nhưng đến khi có dịp, Văn lại cảm thấy mình bé nhỏ quá, yếu đuối quá, làm sao đám mạo hiểm băng rừng băng suối ? Thôi thì đành nhắm mắt đưa chân, buông xuôi theo Chúa và thầm lặng chịu đựng đau khổ. Nhưng quả thật là chua cay, nặng nề! Tại sao mình đã bỏ tất cả để theo Giêsu, bây giờ lại lủi thủi một mình, ngăn cách với Người... Không còn một ai để hàn huyên tâm sự... Tại sao? Tại sao thế?... Và một nỗi luyến tiếc mênh mông... não nùng... khuấy động tâm can Văn:
"Từ ngày con thôi không dám rước lễ hàng ngày nữa, lòng con cảm ngay thấy một nỗi buồn không thể tả. Suốt ngày con ngao ngán, như mong mỏi một sự gì xa xăm... và do sự buồn phiền khó nói ấy đã đưa con đến một cơn sốt rất kinh khủng. Luôn luôn con nói sảng và đòi về với mẹ. Cơn sốt mặc dầu mau qua nhưng không bao giờ làm cho con hết mối ưu phiền. Và sau cơn sốt ấy đã làm cho thân xác con cũng như tâm hồn con tiêu hao một cách mau lẹ, con biếng ăn, ít ngủ và thường hay cảm xúc; gương mặt con trở nên hốc hác, xanh bủng. Cha xứ cũng không biết việc con tại sao mà ra ốm yếu bệnh tật như thế, chỉ hay rằng: con không còn năng rước lễ nữa. Và từ đó cái tên yêu quí “con út" cũng không còn được người nhắc đến nữa.
“Nguồn sầu hoan lạc" đã khô cạn. Độc nhất chỉ còn việc lần chuỗi có thể cho Văn nếm được mùi vị hoan hỉ trong Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria. Nhưng đến cả việc lần chuỗi, Văn cũng phải phấn đấu cam go mới giữ được lòng trung thành với Mẹ.