Ngày thư ba, Văn làm mướn cho một bà bán phở dạo. Sau vài lời trao đổi về công việc, cả hai đều nhận thấy cùng là người có đạo với nhau. Hai người hiểu nhau và cảm thông nhau rất nhanh. Bà bán phở đề nghị giúp đỡ Văn. Tối đến, Văn theo bà về nhà: một ngôi nhà ở ngoại ô, dột nát, xiêu vẹo, nặc mùi tanh hôi. Bà ta sống trong ngôi nhà này với bốn đứa con. Trong cảnh đói rách, cơ cực này, Văn đã gặp lại cái tình người nồng ấm, thiết tha! Đặc biệt Văn kết thân rất nhanh với Định, người còn trai cả của bà, 14 tuổi đời. Định thích gọi Văn là "em nhỏ"...
Một buổi tối nọ, Định kể cho Văn nghe chuyện gia đình... vì sao ra nông nỗi này! Cũng vì lẽ cha Định là một người yêu nước! Trước kia ông làm thầy giáo ở Bắc giang và gia đình rất khá giả. Nhưng từ ngày ông gia nhập vào Đảng Cách mạng, chính quyền Pháp thải hồi ông. Sau khi quân đội Pháp tiêu diệt đạo quân giải phóng, cha Định lẩn trốn và mò về gia đình. Chẳng may, một hôm, bị trúng kế gián điệp của bọn tay sai Pháp, ông ta bị bắt đi mất tích, có thể đã bị thủ tiêu... Văn chăm chú nghe những lời của Định, ví như người đang khát nước... Văn khám phá được nhiều điều rất hay và ca ngợi lòng yêu nước của các nhà cách mạng:
"Mà vì thế con mới có một quan niệm hay về người cách mạng, chứ trước đây con cũng như số đông quần chúng, con cho những nhà cách mạng là tay sai của quỷ vương. Nhưng thật thì không phải thế. Họ là những người yêu dân tộc, quí giống nòi mà khi họ thấy dân tộc và nòi giống của họ bị nhục nhã, khinh miệt, thì họ lấy làm đau đớn, căm hờn và chỉ lo trăm nghìn cách giải phóng cho dân tộc họmđược tự do. Để chiếm lại tự do cho dân tộc, họ đành phải hy sinh tự do cá nhân của họ. họ phải lén lút trước con mắt kẻ xâm lăng và nhiều khi phải hy sinh cả chính bản thân họ để bảo vệ lý tưởng... Bỗng nhiên con cảm thấy lòng cảm mến các nhà cách mạng, con khóc thương những người đã chết, cho dù họ đeo đuổi vì một mục đích phá tôn giáo như nhà cách mạng khả ái Trần Trung Lập. Con nghe kể lại, khi đưa ông đi hành quyết, có một linh mục đến muốn phục vụ phần hồn cho ông; ông Lập đã mắng:
Nhưng Định cắt ngang và nói:
- Thôi! Văn ạ, thương họ thì em chịu khó cầu nguyện cho họ; vì như cậu tôi nói: Có nhiều nhà cách mạng chỉ biết cách mạng cho một nhóm người vừa ý họ, còn thì ngoài ra họ cho là kẻ thù, phản cách mạng cả.”
Đột nhiên, mẹ Định bắt gặp hai cậu bé trò chuyện dông dài, bà cắt đứt và bảo mọi người phải ngủ đi, vì sáng mai còn phải lao động... Hai cậu bé không bàn tán gì về Cách mạng nữa... Nhưng Văn không sao nhắm mắt được. Từ ý nghĩ này qua ý niệm khác, tất cả quay cuồng trong đầu óc Văn, Cậu bé trù định thế này, sửa đổi thế kia... Cậu bé thật tình ao ước một cái gì đổi mới: cậu mơ tưởng và hoài bão một cuộc cách mạng trong Giáo hội!
“Thế rồi con ước ao làm cách mạng. Con muốn tranh đấu để gây dựng một
tương lai đẹp đẽ cho Giáo hội Việt nam; con muốn cải cách các xứ đạo, con muốn ở đó các chú bé phải được tự do trong khuôn khổ thánh đức... được nâng đỡ trong tinh thần bác ái... Nhưng nghĩ lại, tình cảnh những chú bé cách mạng như con, có bao giờ được người ta chú ý tới? Đến đây con cảm thấy bất lực... Con lại trào nước mắt ra..: Con cảm thấy đau đớn, uất ức vì đời tu chú bé của những đứa trẻ ngay lành không được một ai nâng đỡ, hoặc hiểu cho... "
Đừng sợ Văn ạ, vì "Có những đóa hoa chỉ mọc và nẩy nở trong lũng khóc lóc"? Những gì em đã gieo trong cô đơn tuyệt vọng, em sẽ gặt hái trong vui sướng hoan hỉ! Mùa đông băng giá của đời em báo hiệu một mùa xuân ấm áp của Giáo hội.