4.1.1. Khái niệm sản phẩm
a. Sản phẩm theo quan điểm truyền thống
Sản phẩm là tổng hợp các đặc tính vật lý học, hoá học, sinh học... có thể quan sát được, dùng thoả mãn những nhu cầu cụ thể của sản xuất hoặc đời sống.
Ví dụ: Viên phấn, bảng, viết, quần áo, ….
b. Sản phẩm theo quan điểm Marketing
Sản phẩm theo quan điểm Marketing gắn liền với sự thoả mãn nhu cầu và ước muốn của khách hàng.
Ví dụ: Bóng điện, bảng, phấn viết, dịch vụ điện thoại 108, hay vé xem phim… tất cả đều là sản phẩm.
Sản phẩm là tất cả những gì có thể đưa vào thị trường để tạo sự chú ý, mua sắm, sử dụng hay tiêu thụ nhằm thoả mãn nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Sản phẩm có thể tồn tại dưới dạng vật chất hay phi vật chất bao gồm hàng hóa, dịch vụ, nơi chốn, hoạt động…
Mỗi sản phẩm được mô tả theo những đặc tính khác nhau:
- Đặc tính kỹ thuật, lý, hóa: gồm công thức, thành phần vật liệu, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, kích cỡ…
- Đặc tính sử dụng: thời gian sử dụng, độ bền, an toàn, hiệu năng… - Đặc tính tâm lý: đẹp, trẻ trung, thoải mái, vững chắc
- Đặc tính kết hợp: giá cả, nhãn hiệu, đóng gói, tên gọi, dịch vụ…
c. Phân loại sản phẩm
- Theo mục đích sử dụng của người mua hàng có thể chia sản phẩm thành các loại:
+ Hàng tiêu dùng: là những mặt hàng thỏa mãn nhu cầu cá nhân hay gia đình. Bao gồm hàng mua thường ngày, hàng mua có đắn đo, hàng đặc hiệu, hàng không thiết yếu.
+ Hàng tư liệu sản xuất: là những mặt hàng phục vụ cho sản xuất và chế biến của các doanh nghiệp, bao gồm nguyên vật liệu, trang thiết bị cơ bản, các vật tư cung ứng, dịch vụ bảo trì, sửa chữa, tư vấn phục vụ kinh doanh.
Ví dụ: Sắt, thép, vật dụng văn phòng phẩm, …
- Theo thời gian sử dụng có thể chia sản phẩm thành các loại:
+ Hàng bền: là những hàng hóa thường được sử dụng rất nhiều lần và trong thời gian tương đối dài. Hàng bền thường đòi hỏi về dịch vụ và kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp phục vụ khách hàng.
Ví dụ: Xe môtô, ôtô, tivi,….
+ Hàng không bền: là những hàng hóa cụ thể thường chỉ qua được một hay vài lần sử dụng.
Ví dụ: Bia, xà phòng, muối,….
- Theo đặc điểm cấu tạo có thể chia sản phẩm thành các loại:
+ Sản phẩm hữu hình: là sản phẩm mà người ta có thể thấy, nếm, sờ, nghe hoặc ngửi được trước khi mua.
Ví dụ: Điện thoại, sữa, bánh, xe máy,…
+ Sản phẩm vô hình (dịch vụ): là những hoạt động, lợi ích hay những cách thỏa mãn nhu cầu khác được đưa ra và chào bán. Các dịch vụ không cụ thể, không đồng nhất, không tách bạch ra giữa sản xuất và tiêu dùng, không thể dự trữ được.
Ví dụ: Tour du lịch, hớt tóc, phòng nghỉ khách sạn,…
- Theo tính chất phức tạp của các loại sản phẩm có thể chia sản phẩm thành các loại: + Hàng đơn giản: là những hàng hóa không đa dạng như một số mặt hàng nông sản phẩm.
Ví dụ: Gạo, bắp…
+ Hàng phức tạp: là những hàng hóa có nhiều chủng loại, kiểu, cỡ, màu sắc khác nhau. Ví dụ: Xe môtô, Tivi, tủ lạnh, máy vi tính…
4.1.2.Cấu tạo sản phẩm
Một sản phẩm được cấu tạo từ 4 yếu tố: yếu tố cốt lõi, yếu tố cụ thể, yếu tố gia tăng, yếu tố tiềm năng.
- Yếu tố cốt lõi: là phần thể hiện lợi ích hoặc dịch vụ cụ thể của sản phẩm đó.
- Yếu tố cụ thể: là dạng cơ bản của sản phẩm đó, bao gồm: đặc điểm, nhãn hiệu, bao bì, chất lượng, kiểu dáng của sản phẩm.
- Yếu tố gia tăng: bao gồm dịch vụ và lợi ích phụ thêm để phân biệt với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, đó là các vật trang trí thêm, dịch vụ sau bán, bảo hành, giao hàng và cho hưởng tín dụng.
- Yếu tố tiềm năng: là những sáng tạo vượt ra khỏi khả năng thông thường, vạch ra tương lai mới cho sự phát triển của sản phẩm.
Ví dụ: Tại sao phụ nữ mua son? Không đơn giản là họ đã chỉ mua 1 cây son. Thực ra họ muốn làm đẹp, muốn biểu lộ cá tính, và sự khác biệt, … Họ sẽ đi tìm và lựa chọn màu son môi mà họ cho là nó thoả mãn mong muốn của họ.
Do vậy các nhà nghiên cứu Markerting phải khám phá ra nhu cầu ẩn giấu sau mỗi sản phẩm và đem bán những lợi ích chứ không phải những đặc điểm.
Ví dụ: Sản phẩm cốt lõi đối với sản phẩm xe máy Dylan là: Thoả mãn nhu cầu đi lại của người tiêu dùng. Ngoài ra họ còn có nhu cầu phô trương sự giàu có, mua sự sang trọng và lịch sự, sự sành điệu..
Levitt cho rằng: sự cạnh tranh ngày nay không còn giữa các sản phẩm do các công ty sản xuất trong nhà máy nữa mà là giữa những gì họ thêm vào cho sản phẩm cụ thể xuất xưởng dưới dạng bao bì, các dịch vụ, quảng cáo, tư vấn cho khách hàng, việc giao hàng và những điều khác mà khách hàng coi trọng.
Và hiện thực trên thị trường ngày nay, người ta coi sản phẩm bao gồm có 2 yếu tố là “lực” và “thế” của sản phẩm đó. “Lực” của sản phẩm là những gì mà chúng ta có thể nhìn thấy, có thể định lượng được như: chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng, giá thành. “Thế” của sản phẩm là những gì mà chúng ta không nhìn thấy, không thể định lượng được, đó chính là các dịch vụ kèm theo sản phẩm, các hoạt động bảo vệ thương hiệu sản phẩm, các hoạt động hỗ trợ khách hàng, … Đó là các yếu tố không nhìn thấy nhưng rất quan trọng.
Như vậy công ty cần khai thác tối đa những dịch vụ mà mình có để làm hài lòng khách hàng. Chính sự hài lòng đó là phương tiện quảng bá sản phẩm và doanh nghiệp 1 cách hiệu quả nhất.