5.2. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ TRONG MARKETING
5.2.4. Định giá theo giá trị cảm nhận của khách hàng
Ngày càng nhiều doanh nghiệp định giá dựa trên giá trị được cảm nhận của sản phẩm. Khách hàng là nhân vật có ảnh hưởng quyết định tới việc xác định giá bán sản phẩm của nhà kinh doanh. Thông thường người mua thiếu kiến thức để hiểu biết giá trị đích thực của sản phẩm. Trong trường hợp này họ thường mua và chấp nhận giá bán theo sự cảm nhận của riêng mình. Các doanh nghiệp khi định giá theo phương pháp này không dựa vào chi phí sản xuất sản phẩm mà dựa vào sự phân tích và đánh giá tâm lý và sự cảm nhận từ phía khách hàng.
Để xác định giá theo phương pháp này, các doanh nghiệp cần phải chú ý tới những vấn đề sau đây:
- Đánh giá được uy tín và chất lượng của sản phẩm, hình ảnh của doanh nghiệp, giá trị của thương hiệu trong suy nghĩ và tình cảm của người tiêu dùng.
- Xác định được mặt bằng giá cả của sản phẩm trên thị trường.
- Phân tích được tâm lý tiêu dùng cũng như thu nhập và khả năng thanh toán của thị trường và khách hàng mục tiêu của sản phẩm.
- Xác định được chi phí sản xuất kinh doanh khối lượng hàng hoá bán ra dự kiến và mức lợi nhuận mục tiêu cần đạt được.
- Đánh giá được sự phản ứng của đối thủ cạnh tranh trước quyết định giá bán sản phẩm của doanh nghiệp.
Ví dụ:
Người tiêu dùng chỉ trả 5.000 đồng khi uống tách café ở lề đường, 15.000 đồng trong một nhà hàng sang trọng. Vì khách hàng nhận thức được những giá trị không khí, khung cảnh khác nhau.
Điều quan trọng mà các doanh nghiệp cần phải lưu ý trong phương pháp định giá này là phải thiết lập được giá trị nơi ý nghĩ của khách hàng trong sự tương quan với những cống hiến cạnh tranh khác, đánh giá cho được phản ứng tâm lý từ phía người tiêu dùng về mức giá của sản phẩm. Mức độ chấp nhận của người tiêu dùng là thước đo tiêu chuẩn quyết định của việc định giá, khách hàng sẵn sàng trả thêm bao nhiêu tiền để đạt được lợi ích (thỏa mãn) cao hơn.