0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (105 trang)

Khái niệm thuế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA TUÂN THỦ PHÁP LUẬT THUẾ TẠI CHI CỤC THUẾ QUẬN BÌNH THẠNH​ (Trang 26 -28 )

Thuế là số tiền thu của các công dân, hoạt động và đồ vật (như giao dịch, tài sản) nhằm huy động tài chính cho chính quyền, nhằm tái phân phối thu nhập, hay nhằm điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, 2015).

Cho đến nay trong các sách báo kinh tế trên thế giới vẫn chưa có thống nhất tuyệt đối về khái niệm thuế. Đứng trên các góc độ khác nhau theo các quan điểm của các nhà kinh tế khác nhau thì có các định nghĩa về thuế khác nhau:

Trên thế giới:

Theo nhà kinh tế học Gaston Jeze trong cuốn “Tài chính công” đưa ra một định nghĩa tương đối cổ điển về thuế: “Thuế là một khoản trích nộp bằng tiền, có tính chất xác định, không hoàn trả trực tiếp do các công dân đóng góp cho nhà nước thông qua con đường quyền lực nhằm bù đắp những chi tiêu của nhà nước”.

Trong cuốn từ điển kinh tế của hai tác giả người anh Chrisopher Pass và Bryan Lowes, đứng trên giác độ đối tượng chịu thuế cho rằng: “Thuế là một biện pháp của Chính Phủ đánh trên thu nhập của cái và vốn nhận được của các cá nhân hay doanh nghiệp (Thuế trực thu), trên việc chi tiêu về hàng hóa và dịch vụ ( Thuế gián thu) và tài sản”.

Một khái niệm khác nêu trong cuốn sách “ Economics” của hai nhà kinh tế Mỹ dựa trên cơ sở đối giá như sau: “ Thuế là một khoản chuyển giao bắt buộc bằng tiền hoặc hàng hóa dịch vụ của các công ty và các hộ gia đình cho Chính phủ, mà trong sự trao đổi đó họ không nhận được trực tiếp hàng hóa, dịch vụ nào cả, khoản nộp đó không phải là tiền phạt mà tòa án tuyên phạt hành vi vi phạm pháp luật”.

Dù trải qua nhiều giai đoạn và nhận định trên nhiều giác độ khác nhau nhưng một định nghĩa về thuế theo xu hướng cổ điển vẫn còn đang được áp dụng phổ biến đặc biệt trong cơ chế thị trường đó là khái niệm của Gaston Jeze trong giáo trình tài chính công: “Thuế là một khoản nộp bằng tiền mà các thể nhân và pháp nhân có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện theo luật đối với nhà nước, không mang tính chất

đối khoản, không hoàn trả trực tiếp cho người nộp thuế và dùng để trang trải cho các nhu cầu chi tiêu công cộng”.

Tại Việt Nam:

“Thuế là khoản tiền hay hiện vật mà người dân hay các tổ chức kinh doanh, tuỳ theo tài sản, thu nhập, nghề nghiệp… buộc phải nộp cho nhà nước theo quy định” (Từ điển tiếng việt, 2004).

Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc cho nhà nước do luật pháp qui định đối với các pháp nhân và thể nhân thuộc đối tượng chịu thuế nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước. Thuế là hình thức phân phối lại bộ phận nguồn tài chính của xã hội, không mang tính hoàn trả trực tiếp cho người nộp. Do đó, tại thời điểm nộp thuế, người nộp thuế không được hưởng bất kỳ một lợi ích nào mà xem như đó là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà nước . Như vậy , thuế mang tính cưỡng chế và được thiết lập theo nguyên tắc luật định. Bằng quyền lực chính trị của mình, nhà nước đã ban hành các loại thuế để tạo lập nguồn thu cho Ngân sách nhà nước, các khoản thu này được bố trí sử dụng theo dự toán ngân sách nhà nước đã được phê duyệt cho tiêu dùng công cộng và đầu tư phát triển nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Như vậy, thuế phản ảnh các quá trình phân phối lại thu nhập trong xã hội, thể hiện các mối quan hệ tài chính giữa nhà nước và các chủ thể khác trong xã hội (Phan Tùng Lâm, 2015).

Thuế ra đời là mang tính tất yếu gắn liền với sự tồn tại của nhà nước. Như chúng ta đã biết, mỗi nhà nước muốn tồn tại thì phải có một nguồn vật chất nhất định để duy trì sự tồn tại và thực hiện chức năng của nhà nước. Nguồn vật chất đó hình thành từ nhiều hoạt động khác nhau nhưng hoạt động chủ yếu vẫn là hoạt động thu thuế. Việc thu thuế tạo ra một nguồn thu tài chính lớn cho nhà nước, qua đó nhà nước có thể tồn tại và thực hiện chức năng của mình. Do vậy thuế là một hiện tượng tất yếu, xuât hiện và tồn tại cùng các hiện tượng kinh tế xã hội khác, nó có thể khái quát qua định nghĩa như sau:”Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định”. Như vậy có thể thấy thuế là một khoản giá trị mà người có nghĩa vụ thực hiện phải nộp cho nhà nước theo quy định pháp luật thuế.Thuế là nghĩa vụ của người nộp thuế.Trong

lịch sử, khoản giá trị đó có thể tồn tại dưới dạng vật có giá trị nhưng hiện tại thì thuế tồn tại dưới dạng tiền tệ (Luật Dương Gia, 2015).

Như vậy, lịch sử phát triển cả xã hội loài người đã chứng minh thuế ra đời là cần thiết khách quan gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có quan điểm thống nhất về khái niệm thuế. Mặc dù còn nhiều khái niệm khác nhau nhưng các nhà kinh tế đều nhất trí cho rằng, để làm rõ được bản chất của thuế thì khái niệm về thuế phải nêu bật được các khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, nội dung kinh tế của thuế được đặc trưng bởi các quan hệ tiền tệ giữa Nhà nước với các pháp nhân và các thể nhân, không mang tính hoàn trả trực tiếp;

Thứ hai, những mối quan hệ dưới dạng tiền tệ này được nảy sinh một cách khách quan và có ý nghĩa xã hội đặc biệt - việc chuyển giao thu nhập có tính chất bắt buộc theo mệnh lệnh của Nhà nước;

Thứ ba, các pháp nhân và thể nhân chỉ phải nộp cho Nhà nước các khoản đã được pháp luật quy định.

Từ những nội dung trên, có thể đưa ra một khái niệm tổng quát về thuế phù hợp với giai đoạn hiện nay như sau:

Thuế là một khoản nộp bằng tiền mà các thể nhân và pháp nhân có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện theo luật đối với nhà nước; không mang tính chất đối khoản, không hoàn trả trực tiếp cho người nộp thuế và dùng để trang trải cho các nhu cầu chi tiêu công cộng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA TUÂN THỦ PHÁP LUẬT THUẾ TẠI CHI CỤC THUẾ QUẬN BÌNH THẠNH​ (Trang 26 -28 )

×