Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí
của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình. Pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống. Theo đó, pháp luật về TGXH cho NCT được hiểu là hệ thống quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực TGXH cho NCT, bảo đảm NCT thực hiện các quyền được hưởng những chế độ bảo vệ nhất định nhằm đáp ứng những nhu cầu sống thiết yếu do tuổi già mà họ không thể tự lo liệu được cuộc sống của bản thân, qua đó giúp NCT duy trì được đời sống hằng ngày, vượt qua khó khăn của tuổi già, nghèo đói, bệnh tật để hòa nhập cộng đồng.
Pháp luật TGXH đối với NCT là một công cụ quan trọng góp phần tạo nên sự ổn định và hài hoà trong quan hệ xã hội, đảm bảo sự công bằng và quyền sống của NCT; là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm đời sống, chăm sóc sức khoẻ của con người khi về già, không còn làm ra thu nhập. Pháp luật TGXH đối với NCT là cơ sở pháp lý để NCT thực hiện quyền được bảo đảm đời sống, chăm sóc sức khoẻ, tránh được đói nghèo và tử vong do bệnh tật, chứ không phải sự “ban ơn” hay thể hiện sự thương cảm của Nhà nước đối với NCT trong xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo các quyền lợi về các chế độ ưu tiên, ưu đãi, trợ cấp, lương hưu, BHYT, BTXH, các chế độ khác... đối với NCT theo đúng quy định khi họ đủ điều kiện thụ hưởng.