Nguyên tắc pháp luật trợ giúp xã hội đối với người cao tuổ

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh lai châu (Trang 28 - 32)

1.2.2.1. Nguyên tắc công bằng, công khai, kịp thời

Do những thay đổi về tâm lý, sinh lý so với các người trẻ tuổi khác, NCT có những hạn chế nhất định trong quá trình lao động hoặc tham gia các hoạt động xã hội khác như giao thông, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí... Bởi vậy, họ cần được tạo điều kiện hưởng ưu đãi, trợ giúp khi tham gia các

hoạt động xã hội. Theo đó, khi NCT tham gia các hoạt động như vui chơi, du lịch, giải trí... thì được giảm hoặc miễn giá vé, được ưu tiên khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, đối với NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không thể tự lo đời sống cho bản thân thì được Nhà nước bảo trợ thông qua các chế độ trợ cấp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần.

Nguyên tắc công bằng xuất phát từ nhu cầu đảm bảo sự công bằng giữa các thành viên trong xã hội. Sự công bằng được hiểu là sự phù hợp với đặc điểm riêng của NCT và phù hợp với thực tế cuộc sống của NCT. Vì thế, không ít NCT không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ đóng góp nào vẫn được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Bên cạnh đó, nguyên tắc công bằng về TGXH đối với NCT chính là cụ thể hóa mục đích của chính sách TGXH, nhằm chia sẻ những khó khăn về kinh tế khi NCT không có bất kỳ khoản thu nhập nào để bảo đảm đời sống hằng ngày. Đó là sự chia sẻ của xã hội khi họ thường xuyên phải đối mặt với ốm đau, bệnh tật, không còn khả năng vận động, giao tiếp, tham gia các hoạt động xã hội.

Nguyên tắc công khai xuất phát từ việc đảm bảo minh bạch các khoản thu, chi trong quá trình thực hiện chính sách TGXH đối với NCT. Trong hoạt động TGXH, công khai nghĩa là mọi hoạt động TGXH, các chính sách trợ giúp đều phải được công bố, hoặc phổ biến, truyền tải trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng, mọi người dân đều có thể tiếp cận. Các chính sách TGXH đối với NCT được xây dựng trên nền tảng nhu cầu của chính NCT, hiệu quả của chính sách này xét dưới góc độ cung cấp dịch vụ được đánh giá bằng mức độ hài lòng của NCT và chất lượng cung cấp dịch vụ. Nói cách khác, khi chất lượng và hiệu quả của TGXH đối với NCT được nâng cao thì mức độ hài lòng của NCT nói riêng và người dân nói chung cũng tăng lên, điều đó phụ thuộc vào mức độ công khai, minh bạch trong hoạt động TGXH đối với NCT.

Nguyên tắc kịp thời xuất phát từ việc giải quyết đúng việc, đúng người, đúng thời điểm. Chẳng hạn như khi NCT suy giảm sức khỏe thì điều họ cần là được trợ giúp giải quyết các thủ tục về BHYT để kịp thời khám, chữa bệnh. Điều này đòi hỏi hoạt động phối hợp thống nhất, hệ thống, đồng bộ, xuyên suốt và hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan trong việc thực thi chính sách TGXH đối với NCT.

1.2.2.2. Nguyên tắc mọi người cao tuổi đều có quyền hưởng trợ giúp xã hội

Là thành phần trong nhóm đối tượng cần sự chăm sóc của xã hội nên mọi NCT, không phân biệt bất kỳ ai, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, vùng, miền đều có quyền được hưởng TGXH. Khi NCT có đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì được hưởng các chế độ, quyền lợi về TGXH. Mức trợ cấp TGXH đối với NCT không phụ thuộc vào sự đóng góp, thu nhập hoặc mức sống của họ. Trường hợp vì lý do nào đó mà NCT không được bảo đảm quyền lợi thì họ có quyền khiếu nại hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đây là nguyên tắc quan trọng của chính sách pháp luật TGXH đối với NCT. Bởi ngay cả khi không còn khả năng làm việc để mang lại thu nhập thì NCT vẫn phải chi tiêu cho các nhu cầu cơ bản là ăn, mặc, ở, đi lại và sinh hoạt hằng ngày; chưa kể khi ốm đau, bệnh tật, họ còn phải mua thuốc men, khám chữa bệnh. Nếu không có nguồn tài chính tích lũy từ trước thì họ sẽ gặp vô vàn khó khăn. Vì vậy, nhu cầu được đảm bảo đời sống và được chăm sóc sức khỏe của NCT để họ có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, tiếp tục sống và cống hiến cho xã hội rất quan trọng.

1.2.2.3. Nguyên tắc đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi

Bảo đảm nguyên tắc đa dạng hóa các hoạt động TGXH đối với NCT nghĩa là Nhà nước quy định nhiều chế độ, nhiều loại hình TGXH khác nhau

tương ứng với các nhu cầu cần trợ giúp khác nhau của NCT để họ có thể được thụ hưởng. Cùng với trách nhiệm chính của Nhà nước trong thực hiện TGXH đối với NCT thì cộng đồng xã hội, bao gồm các tổ chức, cá nhân cùng tham gia. Bởi Nhà nước tuy có nguồn lực dồi dào từ ngân sách song cũng không thể đáp ứng được mọi chi phí theo nhu cầu của NCT. Hơn nữa, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác TGXH đối với NCT ở một phương diện nào đó cũng chính là thực hiện trách nhiệm đối với bản thân mình và đối với môi trường sống chung của xã hội. Vì vậy, Nhà nước quy định trách nhiệm của con cháu, gia đình có NCT phải quan tâm phụng dưỡng, chăm sóc NCT; khuyến khích cá nhân, hộ gia đình nhận nuôi dưỡng NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các điều kiện vật chất cho các cơ sở chăm sóc NCT; nghiên cứu khoa học, đầu tư cơ sở vật chất để thành lập các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng NCT...

1.2.2.4. Nguyên tắc trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi được thực hiện trên cơ sở cân đối giữa nhu cầu thực tế của người cao tuổi với khả năng đáp ứng về điều kiện KT-XH của đất nước

Thực tế cho thấy nhu cầu TGXH của NCT là rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước là có hạn, kể cả các quốc gia phát triển. Vì vậy, đây là bài toán mà hầu hết các quốc gia phải tìm cách để có lời giải phù hợp với điều kiện KT-XH của mình, xây dựng các chính sách TGXH đối với NCT, đảm bảo các chính sách này phát triển ổn định và lâu dài.

Nội dung của nguyên tắc thể hiện ở 2 khía cạnh: Đó là NCT phải có trách nhiệm với chính mình từ khi còn trẻ. Khi còn trong độ tuổi lao động phải tham gia đóng BHXH hoặc tích lũy của cải, tiền bạc, để khi hết khả năng lao động, không thể đi làm được nữa vẫn có lương hưu hoặc khoản tích lũy đảm bảo đời sống, không tạo gánh nặng cho con cái và xã hội. Ngoài ra, Nhà nước và đơn vị sử dụng lao động, tùy vào điều kiện cụ thể, hỗ trợ phí đóng

BHXH, hỗ trợ hoặc đài thọ phí BHYT hoặc trợ cấp cho NCT trong trường hợp họ không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội nào khác. Mức hưởng trợ cấp xã hội hiện nay dù chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT nhưng đã phần nào giúp họ duy trì được đời sống hằng ngày. Mỗi khi kinh tế xã hội phát triển, Nhà nước thực hiện việc điều chỉnh mức lương hưu hằng tháng, đồng thời điều chỉnh tăng các mức chuẩn trợ cấp xã hội nhằm ngày càng đáp ứng nhu cầu của NCT.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh lai châu (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w