Con người sinh ra, lớn lên và già đi là quy luật tự nhiên của đất trời. Khi bước vào giai đoạn tuổi già, sức khoẻ thể chất và tinh thần của con người có sự thay đổi rất lớn. NCT có đặc điểm riêng biệt về tâm lý, sinh lý so với các lứa tuổi khác như: Các cơ quan, các bộ phận cơ thể hoạt động kém đi, khả năng thích nghi môi trường cũng dần kém đi; cơ thể bắt đầu mắc nhiều loại bệnh; càng cao tuổi càng cảm thấy cô đơn, bất lực trong cuộc sống, thậm chí trầm cảm, tự ti. Sự thay đổi này làm suy giảm khả năng lao động, khiến không ít NCT nếu không có tích lũy về tài chính, tài sản từ trước sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, khó có thể đảm bảo được cuộc sống của mình. NCT, nhất là người trên 80 tuổi rất cần có người nương tựa, chăm sóc, phụng dưỡng, giúp đỡ. Chính vì vậy, TGXH đã và đang là một trong những giải pháp thiết thực giúp cải thiện, khắc phục tình trạng này. TGXH là sự trợ giúp, tương trợ, bảo đảm (bằng tiền, vật chất hoặc những điều kiện sống thích hợp) của nhà nước, của cộng đồng, của xã hội theo quy định của pháp luật để NCT có thể vượt qua được khó khăn, hạn chế rủi ro, tái hòa nhập cộng đồng và tự lo liệu, duy trì cuộc sống, phát huy thế mạnh của bản thân và có thể đóng góp có ích cho xã hội.
Với mục đích bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của NCT, công tác TGXH đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của NCT, được Nhà nước ta quan tâm và chú trọng, nhất là trong xây dựng hành lang pháp lý (từ đối tượng hưởng, điều kiện hưởng đến quyền lợi được hưởng trong từng chế độ TGXH dành cho NCT). Trong những năm qua, nhà nước đã xây dựng hệ thống pháp luật TGXH đối với NCT.
Pháp luật TGXH đối với NCT là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực TGXH cho NCT, bảo đảm thực hiện các quyền của NCT được hưởng những
chế độ bảo vệ nhằm đáp ứng nhu cầu sống thiết yếu, giúp NCT vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống. Pháp luật TGXH quy định quyền, nghĩa vụ của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ, giúp đỡ cho NCT thông qua các nội dung chủ yếu sau: Quy định về đối tượng, các chế độ, nguồn tài chính, thủ tục, quản lý nhà nước, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong vấn đề TGXH đối với NCT. Pháp luật về TGXH không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của NCT mà còn có ý nghĩa đối với việc đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia. Không đơn thuần mang ý nghĩa về kinh tế như một sự phân phối lại thu nhập xã hội một cách công bằng mà TGXH đối với NCT còn có ý nghĩa về mặt xã hội, chính trị và pháp luật của một quốc gia.
CHƯƠNG 2