Nội dung pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổ

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh lai châu (Trang 32 - 37)

1.2.3.1. Quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi

Các cơ quan Nhà nước thống nhất quản lý TGXH đối với NCT. Cơ quan trung ương cấp bộ, ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về NCT nói chung và TGXH đối với NCT nói riêng. Ở Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH thống nhất quản lý nhà nước về NCT trong phạm vi cả nước; ở Nhật Bản, Bộ Y tế - Lao động và ASXH thống nhất quản lý các vấn đề về NCT trong phạm vi cả nước...

Bên cạnh đó, các cơ quan trung ương cấp bộ, ngành liên quan phối hợp với cơ quan quản lý về NCT cấp trung ương thực hiện quản lý nhà nước về TGXH đối với NCT. Ví dụ như việc phối hợp thực hiện của Bộ Tài chính trong việc dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho vấn đề thực hiện TGXH đối với NCT. Ngoài ra, chính quyền địa phương các cấp thành lập các phòng, ban chuyên trách quản lý về vấn đề NCT nói chung và TGXH đối với NCT nói riêng. Ví dụ: ở Trung Quốc, tổ chức tự trị quần chúng ở địa phương và tổ chức NCT được thành lập theo quy định pháp luật có trách nhiệm phản ánh yêu cầu của NCT, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NCT.

1.2.3.2. Đối tượng người cao tuổi được trợ giúp xã hội

Đối tượng xác định được hưởng TGXH phải thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Theo đó, đối tượng NCT thuộc nhóm yếu thế, được TGXH

thì phải đảm bảo về độ tuổi, điều kiện theo quy định của pháp luật về NCT và pháp luật về TGXH đối với NCT. Độ tuổi được pháp luật công nhận là NCT ở mỗi quốc gia trên thế giới có khác nhau tùy vào điều kiện phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, tình trạng dân số, chủng tộc và tuổi thọ trung bình của từng quốc gia. Tuy nhiên, cũng như đối với đối tượng BTXH nói chung, không phải mọi NCT đều được TGXH, mà họ phải thuộc đối tượng và có đủ các điều kiện nhất định theo quy định pháp luật.

Dưới góc độ kinh tế, đối tượng NCT được TGXH là những NCT có mức sống thấp hơn mức sống tối thiểu của xã hội hoặc gặp khó khăn, rủi ro cần có sự trợ giúp về mặt vật chất.

Dưới góc độ xã hội, NCT thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội vì tuổi cao sức giảm, sức yếu, không còn sức lao động, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không có đủ khả năng tự lo liệu, đảm bảo cho cuộc sống của bản thân.

Dưới góc độ pháp lý, xuất phát từ khái niệm pháp luật về TGXH đối với NCT, có thể hiểu đối tượng NCT được TGXH là những NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gặp rủi ro, biến cố, bất hạnh, trong cuộc sống vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến không đủ khả năng tự lo liệu được cuộc sống tối thiểu của bản thân. Theo đó, trên thế giới, một số quốc gia xác định đối tượng NCT được TGXH dựa vào độ tuổi của họ, một số quốc gia lại dựa vào trình trạng sức khỏe, đời sống và thu nhập của NCT...Việc đưa ra quy định đối tượng NCT được TGXH trong pháp luật có vai trò quan trọng trong việc xác định đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh cần trợ giúp, giúp NCT vượt qua khó khăn để hòa nhập cộng đồng.

1.2.3.3. Các chế độ trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi

Khác với chế độ hưu trí hằng tháng hay BHYT, khi hưởng các chế độ TGXH, NCT không phải đóng góp bất kỳ khoản tiền nào để đảm bảo điều kiện thụ hưởng. Khi nào NCT có đủ điều kiện về tuổi, hoàn cảnh do pháp luật

quy định thì được hưởng một số hoặc nhiều chế độ TGXH khác nhau như: (1) chế độ TGXH thường xuyên tại cộng đồng, (2) chế độ TGXH đột xuất, (3) chế độ hỗ trợ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng NCT tại cộng đồng và (4) chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH/cơ sở TGXH.

Về chế độ TGXH thường xuyên tại cộng đồng là chế độ trợ cấp hằng tháng bằng tiền của nhà nước để nuôi dưỡng NCT. Mức trợ cấp hằng tháng dựa vào mức chuẩn được Nhà nước xây dựng, tùy vào điều kiện kinh tế của đất nước và mức sống tối thiểu của xã hội theo từng thời kỳ. Ví dụ như Trung Quốc quy định mức trợ cấp xã hội phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng tỉnh, thành phố qua từng thời kỳ, Chính phủ Trung Quốc không quy định về mức trợ cấp tối thiểu vùng.

Bên cạnh chế độ TGXH thường xuyên tại cộng đồng, chế độ TGXH đột xuất là chế độ TGXH đối với NCT được thực hiện một lần khi NCT sống tại cộng đồng cùng gia đình hoặc được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng NCT gặp phải những khó khăn, rủi ro bất ngờ như thiên tai, bệnh tật...

NCT không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không đủ điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện được tiếp nhận vào cơ sở chăm sóc NCT nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng thì sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng NCT tại cộng đồng. Nội dung này bao gồm cả quy định về chế độ đối với NCT được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; chế độ và điều kiện, trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng NCT.

Về chăm sóc, nuôi dưỡng NCT tại cơ sở chăm sóc NCT, có 02 đối tượng trong chế độ này: (1) NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở chăm sóc NCT (cơ sở BTXH) theo quy định của pháp luật về NCT; (2) NCT tự nguyện sống tại cơ sở chăm sóc NCT

theo hợp đồng uỷ nhiệm chăm sóc giữa NCT hoặc người giám hộ của NCT với cơ sở chăm sóc NCT. Theo đó, có thể hiểu, đối với đối tượng thứ hai, NCT hoặc người giám hộ của NCT bỏ ra một khoản phí nhất định để được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng NCT tại cơ sở chăm sóc NCT. Cơ sở chăm sóc NCT hiện nay ở một số nơi khá phát triển, giúp người dân có thể tự chọn, tự chủ trong việc chọn cơ sở chăm sóc khi về già.

1.2.3.4. Nguồn tài chính thực hiện trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi

Nguồn tài chính thực hiện TGXH đối với NCT cơ bản do Nhà nước chi trả. Tuy vậy, do khả năng ngân sách có hạn, Nhà nước cũng có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động TGXH đối với NCT. Đối với chế độ TGXH thường xuyên tại cộng đồng và chế độ TGXH đột xuất, chế độ hỗ trợ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng NCT tại cộng đồng, ngân sách Nhà nước là nguồn tài chính thực hiện chính. Tùy thuộc vào tình hình chính trị, KT-XH, mức sống của từng vùng miền, mỗi quốc gia có quy định về mức trợ cấp khác nhau nên nguồn tài chính thực hiện có thể là tài chính trung ương kết hợp với tài chính địa phương theo tỷ lệ nhất định.

Đối với cơ sở chăm sóc NCT công lập, nguồn tài chính thực hiện bao gồm: (1) ngân sách Nhà nước cấp; (2) nguồn thu từ phí dịch vụ của các đối tượng tự nguyện; (3) nguồn thu từ hoạt động lao động sản xuất, dịch vụ của cơ sở; (4) nguồn trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; (5) nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Đối với cơ sở chăm sóc NCT ngoài công lập, nguồn tài chính thực hiện bao gồm: (1) ngân sách Nhà nước hỗ trợ; (2) nguồn tự có của chủ cơ sở; (3) nguồn trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; (4) nguồn thu từ phí dịch vụ của đối tượng tự nguyện; (5) nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Hầu hết các quốc gia hiện nay đều cho phép tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc NCT, một số quốc gia còn có chính sách ưu đãi riêng về kinh phí xây dựng, thuế, trợ cấp... cho các tổ chức, cá nhân này.

1.2.3.5. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi

Quyền lợi hưởng TGXH của NCT không có sự phân biệt và luôn bảo đảm công bằng giữa những NCT. Trường hợp vì lý do nào đó mà NCT không được bảo đảm các quyền lợi thì họ có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Khiếu nại là việc NCT, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục quy định của pháp luật, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật TGXH đối với NCT, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tố cáo là việc NCT, theo thủ tục quy định của pháp luật, báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật TGXH đối với NCT của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm pháp luật TGXH đối với NCT một số quốc gia trên thế giới quy định tại luật chuyên ngành chung về NCT như Trung Quốc, Nhật Bản; một số quốc gia khác lại quy định tại bộ luật, luật xử lý vi phạm, tố tụng riêng như Việt Nam... Nhìn chung, đối với các hành vi vi phạm pháp luật TGXH đối với NCT có những hình thức xử phạt hành chính, phạt tiền, phạt cảnh cáo, và nếu cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh lai châu (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w