7. Kết cấu của luận văn
1.4. Nội dung BHXH tự nguyện
1.4.1. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
Ở Việt Nam, theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13, Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm [10]:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;
- Người lao động giúp việc gia đình;
- Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
- Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
- Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Người tham gia khác.
1.4.2. Mức đóng, phương thức đóng BHXH tự nguyện
1.4.2.1. Mức đóng
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bao gồm nhiều loại hình lao động có các hình thức thu nhập khác nhau. Vì vậy, việc xác định mức đóng BHXH tự nguyện dựa vào khả năng đóng góp của người lao động, đồng thời đảm bảo cân đối thu chi quỹ BHXH và thu hút được người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Tại Việt Nam, mức đóng BHXH tự nguyện theo Khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP được quy định như sau: Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng [12]. Cụ thể:
Mức đóng hằng tháng từ tháng 1/2014 trở đi bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn và được tính theo công thức:
Mdt = 22% x Mtnt Trong đó:
- Mdt: Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng.
- Mtnt: Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
Mtnt = CN + m x 50.000 (đồng/tháng) trong đó: CN: mức chuẩn hộ
nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng (đồng/tháng); m là tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n.
Mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng thấp nhất bằng 22% mức thu nhập chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn quy định tại từng thời kỳ (hiện nay là 700.000 đồng), tương ứng bằng 154.000 đồng/tháng, mức đóng hàng tháng cao nhất bằng 22% của 20 lần tháng lương cơ sở (hiện nay là 29.800.000 đồng), tương ứng là 6.556.000 đồng/tháng.
Người đang tham gia BHXH tự nguyện có thể thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã lựa chọn trước đó.
1.4.2.2. Phương thức đóng
Phương thức đóng BHXH tự nguyện theo Khoản 2 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và theo phương thức đóng tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP được quy định như sau:
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
a) Đóng hằng tháng; b) Đóng 03 tháng một lần; c) Đóng 06 tháng một lần; d) Đóng 12 tháng một lần;
đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. [12]
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức nêu trên cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định.
Thời điểm phải đóng BHXH tự nguyện được quy định tại Điều 12, Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:
- Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng;
- Trong 03 tháng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần; - Trong 04 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần; - Trong 07 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần;
- Thời điểm đóng BHXH đối với trường hợp đóng 1 lần cho nhiều năm về sau hoặc 1 lần cho những năm còn thiếu được thực hiện tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và thu nhập tháng làm căn cứ đóng. [12]
1.4.3. Chế độ BHXH tự nguyện
Ở Việt Nam, BHXH tự nguyện thực hiện hai chế độ, đó là: chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Đồng thời, thực hiện liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH thời gian đóng BHXH bắt buộc được cộng với thời gian đóng BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Trong đó:
Mức lương hưu hằng tháng theo Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội và Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP được quy định như sau: Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng lương hưu được xác định như sau:
Người nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Từ 01/01/2018, cách tính lương hưu có sự thay đổi. Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%; Đối với lao động nam, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 16 năm đóng bảo hiểm xã hội nếu nghỉ hưu vào năm 2018 (năm 2019 là 17 năm, năm 2020
là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm), sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Mức lương hưu được điều chỉnh như người hưởng lương hưu thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo
quy định tại Điều 57 Luật BHXH 2014, trong đó quy định: “Chính phủ quy định
việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.”
Điều kiện hưởng lương hưu được quy định tại và Điều 5 Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau: Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí từ đủ 20 năm trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
- Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 và Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội;
-Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được hưởng lương hưu khi có yêu cầu.
Trong thời gian được hưởng lương hưu hàng tháng, người hưởng lương hưu cũng được hưởng BHYT do quỹ BHXH tự nguyện chi trả.
Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng thì được nhận trợ cấp 1 lần. Mức hưởng trợ cấp 1 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: (a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; (b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho
những năm đóng từ năm 2014 trở đi; (c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 01 năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. [12]
Người lao động vừa có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, vừa có thời gian tham gia BHXH tự nguyện được cộng dồn để hưởng chế độ. Chính quy định này đã giúp cho người lao động yên tâm hơn, có thể tự do di chuyển, lựa chọn nơi làm việc theo nguyện vọng. Đó là một trong những điều kiện quan trọng để thúc đẩy thị trường lao động, phát huy năng lực của người lao động, tạo ra nhiều của cải cho xã hội.
Như vậy, về mặt lý luận cho thấy: BHXH tự nguyện góp phần ổn định đời sống của người tham gia BHXH. Ngoài ra, BHXH tự nguyện với vị trí của mình góp phần đảm bảo an toàn, ổn định cho toàn bộ nền kinh tế xã hội. Khi người tham gia BHXH tự nguyện phát sinh các điều kiện bảo hiểm thì họ sẽ được quỹ BHXH kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện để họ nhanh ổn định cuộc sống. Đồng thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước.
1.4.4. Quỹ BHXH tự nguyện
Quỹ BHXH tự nguyện là quỹ thành phần của quỹ BHXH, được hình thành từ sự đóng góp của người lao động tham gia BHXH tự nguyện, sự hỗ trợ của nhà nước và các nguồn khác để chi trả cho người lao động khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện phát sinh các điều kiện được hưởng theo quy định của pháp luật.
Quỹ BHXH tự nguyện hình thành và hoạt động tạo ra khả năng giải quyết những sự kiện, rủi ro của tất cả những người tham gia với tổng dự trữ ít nhất, giúp cho việc dàn trải rủi ro được thực hiện theo cả hai chiều không gian và thời gian, đồng thời giúp tiết kiệm chi cho cả ngân sách nhà nước và ngân sách gia đình.
Quỹ BHXH tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc tồn tích tập trung, cân bằng thu chi. Do đó, phải tạo được sự ràng buộc mối quan hệ lâu dài vững chắc giữa đóng và hưởng BHXH tự nguyện.
Quỹ BHXH tự nguyện là một quỹ dự phòng và là cơ sở vật chất quan trọng nhất đảm bảo cho toàn bộ hệ thống BHXH tự nguyện tồn tại và phát triển.
- Người lao động đóng góp: đây là nguồn chính của BHXH tự nguyện - Thu từ tiền sinh lời hoạt động đầu tư từ quỹ.
- Hỗ trợ của nhà nước.
- Các nguồn hợp pháp khác như: nguồn tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Quỹ BHXH tự nguyện được sử dụng để:
- Chi trả các chế độ BHXH tự nguyện cho người lao động theo quy định. - Đóng bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
- Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Hoạt động đầu tư của quỹ BHXH tự nguyện cũng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, hiệu quả và thu hồi được khi cần thiết; tiền sinh lời từ các hoạt động đầu tư quỹ BHXH tự nguyện không phải đóng thuế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH tự nguyện từ tiền tạm thời nhàn rỗi. Các hoạt động đầu tư quỹ BHXH tự nguyện: mua trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu, công trái của Nhà nước và các ngân hàng thương mại Nhà nước, cho quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển, các ngân hàng thương mại Nhà nước vay. Đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia; các hình thức đầu tư khác do Chính phủ quy định.
Quỹ được hình thành từ sự đóng góp chủ yếu của người lao động. Tuy nhiên do đặc điểm của đối tượng tham gia BHXH tự nguyện có thu nhập thấp, số người tham gia còn chưa ổn định nên rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ mức đóng của Nhà nước để đảm bảo chi phí hoạt động cũng như khi quỹ gặp khó khăn không có khả năng chi trả cho đối tượng.
Ở nước ta, quỹ BHXH được quản lý thống nhất tập trung từ trung ương đến địa phương. Cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam các cấp là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, theo quy định của Luật BHXH.
1.5. Phát triển và phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện
1.5.1. Khái niệm về phát triển và phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện
* Phát triển:
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam thì “Phát triển là phạm trù triết học chỉ ra tính chất của những biến đổi đang diễn ra trong thế giới. Phát triển là một thuộc tính của vật chất. Mọi sự vật và hiện tượng của hiện thực không tồn tại trong trạng thái khác nhau từ khi xuất hiện đến lúc tiêu vong,… nguồn gốc của phát triển là sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập”.
Như vậy, có thể hiểu phát triển là sự tăng trưởng gắn liền với sự hoàn thiện về cơ cấu và nâng cao về chất lượng. Phát triển là sự tăng lên về quy mô, khối lượng của sự vật, hiện tượng, nhưng đồng thời làm thay đổi về cấu trúc (thay đổi về chất) của sự vật, hiện tượng đó. Phát triển là quá trình biến đổi của sự vật, hiện tượng. Nói cách khác, phát triển là tất cả các hoạt động tìm kiếm nhằm tạo ra cái mới, có thể làm tăng về số lượng, làm cho tốt hơn về chất lượng hoặc cả hai.
* Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện thể hiện quá trình thay đổi (tăng lên) về số lượng tham gia, chất lượng bảo hiểm ở giai đoạn này so với giai đoạn trước đó, sự thay đổi về cơ cấu đối tượng tham gia... Qua đó, có thể hiểu rằng, sự phát triển BHXH tự nguyện trước hết là sự gia tăng về số lượng người tham gia bảo hiểm, cơ cấu đối tượng được mở rộng, đối tượng tham gia bảo hiểm ở nhiều tầng lớp lao động, ngành nghề khác nhau. Đồng thời là sự gia tăng chất lượng dịch vụ BHXH tự nguyện và cải thiện các chính sách BHXH tự nguyện thống nhất trên phạm vi từng địa bàn, từng khu vực cho đến phạm vi toàn quốc.
Với khái niệm phát triển nêu trên, có thể hiểu phát triển BHXH tự nguyện