Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng rủi ro tài chính của công ty chứng

Một phần của tài liệu RỦI RO TÀI CHÍNH TẠI CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN THÀNH VIÊNCỦA SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN HÀ NỘITHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 28 - 34)

5. Kết cấu luận văn

1.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng rủi ro tài chính của công ty chứng

chứng khoán

1.2.3.1. Yếu tố khách quan

- Quy định pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán:

Khuôn khổ pháp lý đối với thị trường chứng khoán điều chỉnh hoạt động thị trường theo yêu cầu quản lý và định hướng phát triển của Nhà nước tạo ra môi trường pháp lý chung cho hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường. Do vai trò quan trọng trên thị trường chứng khoán cũng như mức độ rủi ro trong hoạt động kinh doanh nên công ty chứng khoán thuộc đối tượng chịu sự giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước.

Các quy định pháp lý đối với công ty chứng khoán bao gồm quy định về thành lập và tổ chức của công ty chứng khoán, quản trị điều hành, giao dịch chứng khoán, quản lý tài chính, đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính, quản trị rủi ro... Quy định về cung ứng các sản phẩm dịch vụ chứng khoán cho phép công ty được phép thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh gì và điều kiện để được thực hiện nghiệp vụ đó. Quản lý theo hướng ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ hơn sẽ tạo ra môi trường pháp lý an toàn cho hoạt động của công ty chứng khoán tránh cho công ty những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động.

- Mức độ phát triển của thị trường chứng khoán:

Môi trường hoạt động của công ty chứng khoán sẽ có tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán. Do là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán nên môi trường hoạt động của các công ty là thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán là thị trường nhạy cảm bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, quân sự,. từ đó ảnh hưởng đến giá các chứng khoán giao dịch trên thị trường, từ đó tác động đến danh mục tài sản cũng như khả năng huy động vốn của công ty chứng khoán.

Môi trường kinh doanh luôn thay đổi, toàn cầu hóa và biến đổi của thị trường là những thách thức lớn cho các công ty chứng khoán, tạo ra nhiều rủi ro hơn cho hoạt động của các công ty chứng khoán.

- Quá trình cạnh tranh trên thị trường:

Trên thị trường chứng khoán có sự tham gia của nhiều tổ chức kinh doanh bao gồm công ty chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty quản lý tài sản. Sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực chứng khoán được thể hiện ở số lượng tổ chức kinh doanh chứng khoán hoạt động trên thị trường, khả năng thu hút và mở rộng mạng lưới khách hàng, khả năng chiếm lĩnh thị phần của công ty chứng khoán so với các tổ chức kinh doanh chứng khoán khác hoặc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán.

Quá trình cạnh tranh yêu cầu các công ty chứng khoán phải nâng cao chất lượng dịch vụ chứng khoán để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức. Nhưng có thể các công ty lại cạnh tranh theo hướng tiêu cực nhằm tranh giành khách hàng sẽ dẫn đến rủi ro trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng.

1.2.3.2. Yếu tố chủ quan

- Mô hình hoạt động của công ty chứng khoán:

Hình thức pháp lý của công ty chứng khoán có ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn và quyết định sử dụng nguồn lực tài chính của công ty. Tại Việt Nam, công ty chứng khoán được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Bên cạnh đó, mô hình công ty chứng khoán được tổ chức chuyên doanh hay đa năng cũng tác động đến hoạt động của công ty. Tại Việt Nam, mô hình tổ chức của công ty chứng khoán là theo mô hình chuyên doanh hoặc đa năng một phần.

Với mô hình công ty chuyên doanh chứng khoán: là mô hình mà chủ thể pháp nhân chỉ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, hoàn toàn độc lập với các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.

Với mô hình công ty đa năng kinh doanh tiền tệ và chứng khoán: công ty chứng khoán được tổ chức dưới hình thức một tổ hợp dịch vụ tài chính tổng hợp bao gồm kinh doanh chứng khoán, kinh doanh tiền tệ và các dịch vụ tài chính. Theo đó, các ngân hàng thương mại hoạt động với tư cách là chủ thể kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm và kinh doanh tiền tệ. Mô hình này được biểu hiện dưới hai hình thức sau:

Loại đa năng một phần: theo mô hình này các ngân hàng muốn kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm phải thành lập công ty con hạch toán độc lập và hoạt động tách rời với hoạt động kinh doanh tiền tệ.

Loại đa năng hoàn toàn: các ngân hàng được phép trực tiếp kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh tiền tệ cũng như các dịch vụ tài chính khác.

Do tồn tại nhiều mô hình pháp lý công ty khác nhau tại Việt Nam bao gồm có công ty TNHH trực thuộc các ngân hàng thương mại, tập đoàn, tổng công ty, mô hình công ty cổ phần riêng lẻ, mô hình công ty đại chúng niêm yết và chưa niêm yết nên vấn đề tổ chức quản lý, mức độ quản trị khác nhau và từ đó ảnh hưởng đến mức độ rủi ro tài chính của công ty.

- Các sản phẩm, dịch vụ của công ty chứng khoán:

Quy mô vốn sẽ quyết định đến mức độ thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh (đầy đủ hoặc chỉ thực hiện một số nghiệp vụ). Để thực hiện các nghiệp vụ: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán công ty cần phải đảm bảo lượng vốn điều lệ nhất định theo quy định của pháp luật do rủi ro của việc thực hiện nghiệp vụ đó mang lại cho công ty chứng khoán. Đây là các nghiệp vụ kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, với mỗi nghiệp vụ lại chứa đựng những rủi ro nhất định.

Công ty chứng khoán có xu hướng mở rộng sản phẩm, dịch vụ chứng khoán nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Việc mở rộng các hoạt động kinh doanh có thể đem lại cho công ty chứng khoán nhiều nguồn thu

nhập nhưng cũng gia tăng rủi ro khi thực hiện thêm các hoạt động kinh doanh mới. Quy mô thực hiện các nghiệp vụ càng lớn, càng phức tạp thì rủi ro mà công ty phải đối mặt càng cao.

Đối với sản phẩm nhằm hỗ trợ nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán như thực hiện các dịch vụ hỗ trợ tài chính: cho vay ký quỹ chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán, repo chứng khoán,... là hoạt động mang tính rủi ro cao. Việc mở rộng sang các hoạt động ngân hàng đầu tư bao gồm dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu/trái phiếu chuyển đổi, tư vấn phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành ra công chúng, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn niêm yết, tư vấn mua bán sáp nhập cũng sẽ ảnh hưởng đến rủi ro trong hoạt động của công ty chứng khoán.

- Mạng lưới hoạt động của công ty chứng khoán:

Bên cạnh trụ sở chính, công ty chứng khoán có xu hướng mở rộng chi nhánh kinh doanh nhằm thu hút thêm số lượng nhà đầu tư. Nhưng cùng với việc phạm vi hoạt động của công ty chứng khoán mở rộng và phân tán theo khu vực địa lý là việc khó kiểm soát được hoạt động của từng chi nhánh cũng như ảnh hưởng đến khả năng quản lý và kiểm soát rủi ro của toàn bộ công ty.

- Nguồn vốn hoạt động của công ty:

Để thành lập và hoạt động, công ty chứng khoán cần có vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Công ty chứng khoán phải đảm bảo một lượng vốn điều lệ nhất định được thực hiện bởi chủ sở hữu công ty. Rủi ro tài chính đến từ việc công ty không có một cơ cấu vốn hợp lý:

+ Mức độ rủi ro của công ty chứng khoán phụ thuộc vào việc công ty chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay nợ hay nguồn vốn chủ sở hữu để đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh của công ty. Mức độ đảm bảo vốn hoạt động của công ty chủ yếu được tạo nên từ nguồn vốn chủ sở hữu sẽ tạo nền tảng vững chắc hơn so với việc bị phụ thuộc vào các nguồn vốn vay nợ.

+ Nguồn tài trợ vốn của công ty được đa dạng hóa hay tập trung vào một số ít nhà cung cấp vốn có ảnh hưởng.

- Quyết định về cơ cấu danh mục tài sản:

Danh mục tài sản của công ty chứng khoán bao gồm các khoản mục chủ yếu: tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn, khoản phải thu ngắn hạn, tài sản cố định, các khoản phải thu dài hạn, đầu tư tài chính dài hạn. Căn cứ vào thời hạn, tài sản của công ty chứng khoán có thể chia thành hai dạng: tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Căn cứ vào mức độ rủi ro, công ty nắm giữ tài sản có rủi ro thấp giúp công ty chứng khoán có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính phát sinh và tài sản có rủi ro cao, kỳ vọng sinh lời cao nhưng khả năng thanh khoản thấp. Đặc biệt khi mà công ty chứng khoán nắm giữ một danh mục đầu tư bao gồm các chứng khoán có rủi ro cao như chứng khoán chưa được niêm yết, của các tổ chức phát hành có năng lực tài chính kém.

Chất lượng tài sản phản ánh hoạt động sử dụng vốn của công ty, trong đó mục tiêu công ty là đảm bảo khả năng dự trữ thanh khoản, các khoản sinh lời (hoạt động đầu tư tài chính, hoạt động tín dụng của công ty) và đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật.

Vì vậy các quyết định về đầu tư của mỗi công ty ảnh hưởng đến mức độ rủi ro của tài sản mà công ty nắm giữ.

- Bất cân xứng về kỳ hạn giữa tài sản và nợ:

Liên quan đến cơ cấu tài trợ của công ty được thể hiện ở việc công ty sử dụng chủ yếu nguồn vốn dài hạn hay ngắn hạn tài trợ cho hoạt động kinh doanh sẽ gây ra rủi ro trong cơ cấu tài trợ của công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán có thể rơi vào trạng thái thanh khoản thiếu hụt nếu công ty duy trì sự bất cân xứng lớn về kỳ hạn giữa tài sản và nợ phải trả, thời hạn của tài sản dài hơn so với các khoản nợ.

Khả năng thanh toán của công ty được xem xét dựa trên khả năng công ty dùng các tài sản ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, lượng tiền và tương đương tiền của công ty chứng khoán đáp ứng được việc thanh toán các khoản nợ đến hạn.

- Năng lực quản trị điều hành của Ban lãnh đạo:

Người điều hành là người định hướng hoạt động cho công ty, xác định chiến lược kinh doanh. Có thể khẳng định hướng đi của mỗi công ty chứng khoán phụ thuộc vào định hướng điều hành của ban lãnh đạo. Một công ty chứng khoán được đặt dưới sự điều hành của ban lãnh đạo có trình độ, năng lực quản trị điều hành cũng như có phẩm chất đạo đức sẽ tạo nên một doanh nghiệp hoạt động lành mạnh. Nhưng sự mạo hiểm, thiếu hiểu biết về lĩnh vực chứng khoán sẽ tạo nên các hoạt động đầu cơ ảnh hưởng xấu đến tình hình hoạt động kinh doanh, gây mất an toàn tài chính.

- Trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên:

Một vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh đó là năng lực và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên trong công ty. Nhân viên đóng vai trò là người thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trong công ty chứng khoán. Năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp của nhân viên có ảnh hưởng đến khả năng công ty hoàn thành mục tiêu kinh doanh hay phát sinh các rủi ro trong quá trình tác nghiệp. Công ty cần có những đánh giá về trình độ chuyên môn đáp ứng theo yêu cầu, đạo đức nghề nghiệp có ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của công ty, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của công ty.

- Yếu tố công nghệ:

Năng lực công nghệ của công ty chứng khoán được đánh giá thông qua mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản trị và kinh doanh của công ty nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cung cấp cũng như chất lượng các sản phẩm, dịch vụ chứng khoán và từ đó gia tăng lợi nhuận cho công ty. Nhưng việc công ty không đảm bảo duy trì được hạ tầng công nghệ đáp ứng được yêu cầu thì lại tạo ra rủi ro cho hoạt động của công ty chứng khoán.

- Hệ thống quản trị rủi ro:

Kinh doanh chứng khoán là lĩnh vực hoạt động rất nhạy cảm với sự biến động của thị trường chứng khoán và chứa đựng nhiều loại rủi ro. Rủi ro trong

hoạt động kinh doanh chứng khoán có thể dẫn đến những ảnh hưởng về mặt tài chính, danh tiếng (ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu thể hiện ở việc làm suy giảm lòng tin của khách hàng, sự tin cậy của các bên liên quan) đối với công ty.

Quản trị rủi ro trong lĩnh vực chứng khoán có vai trò quan trọng để bảo đảm cho các công ty chứng khoán hoạt động hiệu quả, hạn chế rủi ro tiềm tàng trước những thay đổi của môi trường kinh doanh. Công ty phải xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro phù hợp để kiểm soát rủi ro tài chính có thể xảy ra. Bản chất của hoạt động quản trị rủi ro tài chính là giúp công ty xác định và cảnh báo sớm các loại rủi ro có thể xảy ra đối với thu nhập/vốn của công ty từ đó đưa ra các biện pháp phòng hộ và xử lý kịp thời nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn tài chính của công ty.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu bắt buộc các công ty chứng khoán phải thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của công ty đảm bảo rủi ro phải được quản lý. Công ty chứng khoán cần thiết lập quy trình quản trị rủi ro ít nhất xử lý năm loại rủi ro trọng yếu có ảnh hưởng lớn đến an toàn tài chính: rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và rủi ro pháp lý.

Một phần của tài liệu RỦI RO TÀI CHÍNH TẠI CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN THÀNH VIÊNCỦA SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN HÀ NỘITHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 28 - 34)

w