Kết quả đạt được

Một phần của tài liệu RỦI RO TÀI CHÍNH TẠI CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN THÀNH VIÊNCỦA SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN HÀ NỘITHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 83 - 86)

5. Kết cấu luận văn

2.4.1. Kết quả đạt được

- Dựa theo các chỉ tiêu của quy chế CAMEL thì các CTCK thành viên có sự phân loại khá rõ ràng, phản ánh được tương đối chính xác thực trạng về năng lực tài chính cũng như năng lực quản trị điều hành của các CTCK. Các công ty chứng khoán thành viên phân hóa thành ba nhóm chính, bao gồm nhóm các công ty có rủi ro thấp, hoạt động lành mạnh và hiệu quả; nhóm các công ty có rủi ro trung bình, hoạt động tương đối lành mạnh; và nhóm các công ty có rủi ro cao,

hoạt động yếu kém.

- Các CTCK thành viên ngày càng ý thức và tuân thủ chặt chẽ hơn tỷ lệ an toàn vốn khả dụng nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 226/2010/TT-BTC về an toàn tài chính và cũng là an toàn cho chính công ty và hệ thống tài chính.

Công ty chứng khoán sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ vốn khả dụng để xác định rủi ro trong hoạt động của công ty. Công ty xác định được giá trị rủi ro thị trường, giá trị rủi ro thanh toán và giá trị rủi ro hoạt động mà công ty đang phải đối mặt từ đó công ty tìm các biện pháp để thay đổi trạng thái rủi ro của mình.

- Tình hình tài chính chung của các CTCK thành viên tiếp tục được cải thiện với cơ cấu tài sản an toàn, công ty có sự cân nhắc trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính, tỷ lệ vốn khả dụng tăng, đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và đạt được mức sinh lời mong muốn. Vì vậy có thể khẳng định mức độ rủi ro tài chính giảm thấp hơn so với giai đoạn trước.

Công ty chứng khoán dựa trên việc đánh giá các chỉ tiêu tài chính, từ đó nhận biết các dấu hiệu rủi ro tài chính, đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao an toàn tài chính như cơ cấu lại danh mục đầu tư, thu hồi các khoản nợ, hạn chế vay nợ, hạn chế các hoạt động đầu tư và dịch vụ chứng khoán tiềm ẩn rủi ro cao, hạn chế các hoạt động góp vốn, mua cổ phần.

- Cơ cấu doanh thu của các công ty chứng khoán thành viên thay đổi trong những năm gần đây với tỷ trọng của dịch vụ môi giới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng doanh thu. Doanh thu từ hoạt động tự doanh vẫn đóng góp tỷ lệ cao vào cơ cấu doanh thu các công ty, với tỷ lệ trung bình đạt 30%.

- Các công ty chứng khoán thành viên đã từng bước xây dựng tổ chức bộ máy quản trị rủi ro, ban hành chính sách rủi ro và quy trình quản trị rủi ro theo yêu cầu của Quyết định số 105/QĐ-UBCK để đảm bảo các rủi ro đều được quản lý. Các công ty xác định được những rủi ro mà công ty đang phải đối mặt và luôn cố gắng tìm các biện pháp quản lý thích hợp cho những rủi ro đó. Trong những năm qua, các công ty chứng khoán đã tập trung vào việc quản trị rủi ro thị

trường, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý, đây là những rủi ro có ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính của công ty.

- Hạn mức rủi ro và phân bổ vốn là công cụ được công ty chứng khoán thành viên sử dụng để kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh. Tất cả các hoạt động kinh doanh đều được xác định hạn mức rủi ro, đảm bảo nguyên tắc “không có hoạt động kinh doanh nào được thực hiện khi hạn mức rủi ro chưa được xác định trước”.

Hệ thống các hạn mức là một công cụ hữu hiệu cho phép các công ty chứng khoán kiểm soát hiệu quả quy mô rủi ro. Các hạn mức hay giới hạn được phân bổ từ mức tổng thể đến từng giao dịch chi tiết, nhằm đảm bảo công ty kiểm soát được trạng thái rủi ro trong giới hạn có thể chấp nhận, phù hợp với khẩu vị rủi ro của công ty.

Những kết quả đạt được xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu sau:

- Về cơ bản, cơ quan quản lý đã ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách về tổ chức và hoạt động của các công ty chứng khoán. Quy định của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các công ty chứng khoán ngày càng hoàn thiện và được điều hành theo hướng chặt chẽ.

Bộ Tài chính đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành chứng khoán thông qua thực hiện một cơ chế giám sát và quy định chặt chẽ hơn với sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua 3 trụ cột:

+ Thông tư 226/2010/TT-BTC và thông tư 165/2012/TT-BTC được ban hành đã giúp cho các công ty chứng khoán đánh giá, xác định lại toàn bộ hoạt động tài chính của công ty cũng như những rủi ro mà công ty gặp phải, từ đó công ty chứng khoán từng bước tái cấu trúc tình hình tài chính một cách lành mạnh hơn. Bên cạnh đó, việc áp dụng thông tư đã giúp cho cơ quan quản lý có cơ sở để xem xét, phân loại hoạt động các công ty chứng khoán yếu kém để từ đó có biện pháp xử lý. Hai thông tư hiện đang là công cụ chủ yếu để UBCKNN cắt giảm số công ty chứng khoán hoạt động yếu kém với việc yêu cầu công ty

chứng khoán phải đảm bảo tỷ lệ vốn khả dụng (vốn khả dụng/tổng rủi ro) trên 180% hoặc ít nhất trên 150%, nếu không sẽ bị cho vào diện kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt.

+ Thêm vào đó, UBCKNN còn thúc đẩy việc cải thiện công tác quản trị rủi ro tại các công ty chứng khoán. Yêu cầu buộc tất cả các công ty chứng khoán phải xây dựng hệ thống quản trị rủi ro, trong đó ít nhất xử lý được năm loại rủi ro trọng yếu: rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và rủi ro pháp lý. Đây cũng là năm rủi ro theo đề tài có ảnh hưởng lớn đến thu nhập hoặc vốn của công ty chứng khoán.

+ Quy chế CAMEL là trụ cột thứ ba trong hoạt động của CTCK, giúp UBCKNN theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán, cảnh báo sớm và có biện pháp xử lý kịp thời đối với công ty hoạt động yếu kém, gặp nhiều rủi ro.

- Thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định tạo điều kiện cho công ty chứng khoán cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. TTCK Việt Nam phát triển ổn định, bền vững sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của dịch vụ chứng khoán nói chung, khối CTCK nói riêng.

- Bản thân các công ty chứng khoán thành viên chú trọng hơn đến việc đảm bảo an toàn tài chính sau một giai đoạn kinh doanh khó khăn. Đồng thời các công ty chứng khoán đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động quản trị rủi ro tài chính nhằm ngăn ngừa các tổn thất về vốn có thể xảy ra cho công ty.

Một phần của tài liệu RỦI RO TÀI CHÍNH TẠI CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN THÀNH VIÊNCỦA SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN HÀ NỘITHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 83 - 86)

w