Hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro

Một phần của tài liệu RỦI RO TÀI CHÍNH TẠI CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN THÀNH VIÊNCỦA SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN HÀ NỘITHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 99 - 104)

5. Kết cấu luận văn

3.2.3. Hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro

Công ty chứng khoán tiếp tục thực hiện hệ thống quản trị rủi ro hoàn chỉnh theo yêu cầu của Thông tư 210/2012/TT-BTC và Hướng dẫn về thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro theo Quyết định 105/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Như vậy, các công ty chứng khoán thành viên tối thiểu cần đạt

được các yêu cầu thiết lập hệ thống quản trị rủi ro theo quy định tại Quyết định số 105/QĐ-UBCK và khuyến khích các công ty hướng dần tới thông lệ quốc tế. Đối với mỗi công ty hệ thống quản trị rủi ro cần được thiết kế phù hợp với quy mô, cơ cấu và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán. Từng công ty chứng khoán thành viên cần xác định rõ các yếu tố cần phải hoàn thiện trong việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro trong đó cần tập trung vào các yếu tố là điểm yếu trong hệ thống quản trị rủi ro tại công ty.

Thứ nhất, công ty xây dựng cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro trong đó quy định vai trò, trách nhiệm và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các cấp tham gia vào hoạt động quản lý rủi ro phù hợp với yêu cầu của cơ quan quản lý và điều kiện của công ty.

Cơ cấu quản trị rủi ro được xác định, thấu hiểu rõ ràng ở cấp độ Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc. Hội đồng Quản trị chịu trách nhiệm cuối cùng và cao nhất đối với công tác quản trị rủi ro của công ty, thực hiện phê duyệt chiến lược, chính sách, quy trình quản trị rủi ro của công ty. Tiểu ban Quản trị rủi ro trực thuộc Hội đồng quản trị, tham mưu cho HĐQT trong việc xây dựng chiến lược, chính sách quản trị rủi ro, đồng thời giám sát việc thực thi các chính sách quản trị rủi ro trong toàn hệ thống để tư vấn cho HĐQT trong việc điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Tiểu ban Kiểm toán nội bộ chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát, đánh giá độc lập về tính thích hợp và hiệu quả của hoạt động quản trị rủi ro, kiểm tra việc triển khai các chính sách và quy trình quản lý rủi ro và đưa ra các kiến nghị thay đổi khi cần thiết.

Ban Giám đốc chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai các quy trình và phương pháp nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro phù hợp với khả năng chịu đựng rủi ro của công ty; đảm bảo các quy trình quản trị rủi ro và bộ phận quản trị rủi ro được thiết lập đầy đủ, rõ ràng.

Hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc phải chịu sự giám sát của Ban Kiểm soát. Ban Kiểm soát chịu trách nhiệm giám sát và đánh giá việc

thực hiện các chiến lược, chính sách, quy trình và hạn mức rủi ro, đảm bảo tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật và của công ty, đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển và mục tiêu hoạt động kinh doanh của công ty.

Quản trị rủi ro tại công ty phải được tổ chức đảm bảo độc lập các chức năng kinh doanh, chức năng quản trị rủi ro, chức năng đánh giá độc lập. Chức năng kinh doanh do bộ phận kinh doanh và bộ phận xử lý nội bộ thực hiện để quản trị rủi ro đối với từng sản phẩm, hoạt động và hệ thống được giao quản lý theo các chính sách, quy trình quản trị rủi ro của công ty chứng khoán. Chức năng quản trị rủi ro do bộ phận quản trị rủi ro thực hiện để thiết lập, duy trì và phát triển thường xuyên hệ thống quản trị rủi ro của công ty. Chức năng đánh giá độc lập do kiểm toán nội bộ thực hiện để đánh giá độc lập việc xây dựng, thực hiện và vận hành hệ thống quản trị rủi ro và đưa ra các yêu cầu đối với hệ thống quản trị rủi ro của công ty.

Thứ hai, ban hành chiến lược, chính sách, quy trình quản trị rủi ro đảm bảo nhận dạng, đo lường, theo dõi, báo cáo và kiểm soát được rủi ro tài chính.

Chiến lược, chính sách quản trị rủi ro phù hợp với mục tiêu chiến lược kinh doanh, mức độ chấp nhận rủi ro của công ty. Chiến lược, chính sách quản trị rủi ro phải được điều chỉnh kịp thời trước những thay đổi của môi trường kinh doanh, khuôn khổ pháp lý liên quan đến công ty. Công ty thường xuyên rà soát các chính sách quản trị rủi ro nhằm phản ánh các thay đổi về thị trường, sản phẩm và thông lệ thị trường tốt nhất.

Chiến lược quản trị rủi ro cần nằm trong chiến lược phát triển của công ty. Công ty sử dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro trong hoạch định kế hoạch kinh doanh. Rủi ro được đánh giá một cách hệ thống và sử dụng trong quá trình lập kế hoạch. Ban lãnh đạo chủ động tận dụng và khai thác những hiểu biết của mình về rủi ro để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho công ty.

- Chính sách quản trị rủi ro của công ty phải đưa ra tuyên bố rõ ràng từ HĐQT về khẩu vị rủi ro của công ty. Cơ chế quản trị rủi ro tốt phải đem lại kết

quả là rủi ro được quản lý trong phạm vi khẩu vị rủi ro mà công ty hiểu rõ và chấp nhận, đảm bảo không có những tổn thất bất ngờ ngoài dự kiến đối với hoạt động kinh doanh.

- Công ty cần xây dựng và chính thức hóa hồ sơ rủi ro. Hồ sơ rủi ro là báo cáo được sử dụng để đánh giá và minh họa các rủi ro, trong đó cụ thể hóa các rủi ro được nhận diện ở cấp công ty và cấp bộ phận kinh doanh kèm theo các phân tích nguyên nhân và hệ quả rủi ro. Công ty phải đảm bảo tính đầy đủ và cập nhật của hồ sơ rủi ro bằng việc được xem xét và cập nhật ít nhất là hàng năm, hoặc thường xuyên hơn khi xuất hiện các thay đổi chính trong đơn vị kinh doanh hoặc môi trường bên ngoài, hoặc khi các đánh giá kiểm soát hay sự cố chỉ ra một đánh giá được đảm bảo.

- Chính sách quản lý hạn mức rủi ro đảm bảo phân bổ một cách chi tiết hạn mức rủi ro cho toàn diện tất cả các hoạt động, cũng như xác định giới hạn và ngưỡng cảnh báo cụ thể cho các hạng mục rủi ro. Công ty phải hoàn thiện hệ thống hạn mức rủi ro để kiểm soát các rủi ro tài chính đảm bảo nằm trong các hạn mức rủi ro do các cấp có thẩm quyền quy định. Công ty thiết lập các hạn mức rủi ro cho các hoạt động kinh doanh, các bộ phận kinh doanh, cá nhân tham gia vào các giao dịch có rủi ro. Công ty chỉ tiến hành hoạt động kinh doanh sau khi đã xác định, thiết lập hạn mức rủi ro cho hoạt động kinh doanh đó. Các hạn mức rủi ro do công ty thiết lập phải phù hợp với mức vốn tự có, quy mô, cơ cấu và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh.

Chính sách, quy trình quản trị rủi ro phải phù hợp và đầy đủ để nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro tài chính trong tất cả các hoạt động kinh doanh. Quy trình quản trị rủi ro đảm bảo nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát được các rủi ro trọng yếu ảnh hưởng lớn đến thu nhập, vốn chủ sở hữu của công ty. Công ty phải nhận dạng và hiểu rõ nguyên nhân gây ra rủi ro tài chính phát sinh trong hoạt động kinh doanh hiện có và các hoạt động kinh doanh mới. Công ty phải đo lường rủi ro đối với các rủi ro đã được nhận dạng trên cơ sở xác

định tác động ngắn hạn và dài hạn của rủi ro đó đối với vốn và lợi nhuận của công ty. Công ty phải theo dõi mức độ rủi ro và đánh giá kịp thời các trạng thái rủi ro. Các báo cáo theo dõi rủi ro đảm bảo kịp thời, chính xác, đủ thông tin và được gửi đến các cá nhân, cấp có thẩm quyền theo quy định. Về cơ chế giám sát rủi ro, công ty không chỉ thực hiện giám sát theo quy trình (trước, trong và sau giao dịch, kiểm toán nội bộ, báo cáo rủi ro) mà cần tận dụng cơ chế giám sát bên ngoài (kiểm toán độc lập, cơ quan quản lý và sự giám sát của thị trường). Đưa ra biện pháp xử lý rủi ro thích hợp bao gồm chấp nhận rủi ro, né tránh rủi ro, chuyển giao rủi ro, giảm thiểu rủi ro.

Xây dựng quy trình trong hoạt động quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động nhằm định hướng hoạt động quản lý rủi ro, đây là những rủi ro có tác động trọng yếu đến tình trạng tài chính của công ty.

Thứ ba, công ty chú trọng xây dựng môi trường, văn hóa QTRR và đảm bảo nguyên tắc tuân thủ được thực hiện. Văn hóa rủi ro được phản ánh rõ nét trong hành động, thái độ, quyết sách và thông điệp của Ban Giám đốc và Hội đồng Quản trị. Quản trị rủi ro có sự tham gia của tất cả nhân viên công ty bao gồm việc phân tích rủi ro của từng đơn vị và đánh giá rủi ro tổng thể toàn bộ tổ chức. Mỗi nhân viên đều có ý thức về các rủi ro phổ biến trong lĩnh vực mình thực hiện và phụ trách. Họ có trách nhiệm xác định, phân tích và đánh giá các rủi ro liên quan trước khi tiến hành bất cứ giao dịch nào.

Cơ chế đảm bảo mọi cá nhân trong công ty nhận thức thống nhất, đầy đủ về rủi ro, quản lý rủi ro và xây dựng văn hóa rủi ro trên phạm vi toàn công ty. Tất cả các cá nhân liên quan đến rủi ro và quản lý rủi ro phải hiểu thống nhất, đầy đủ các rủi ro liên quan và trách nhiệm của mình trong hệ thống quản trị rủi ro.

Thứ tư, công ty phải có hệ thống thông tin quản lý để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và tình hình rủi ro cho HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban điều hành của công ty.

Hệ thống thông tin quản lý của công ty chứng khoán phải đảm bảo theo dõi liên tục và báo cáo đầy đủ, kịp thời các rủi ro trọng yếu trong tất cả hoạt động kinh doanh; có các giả định, nguồn cơ sở dữ liệu và các quy trình để đo lường và theo dõi rủi ro được quy định bằng văn bản và được kiểm tra độ tin cậy thường xuyên và liên tục; cung cấp các báo cáo, mẫu trao đổi thông tin để theo dõi các rủi ro và việc tuân thủ các hạn mức rủi ro, mức chấp nhận rủi ro, mục tiêu chiến lược quản lý rủi ro và so sánh tình hình thực tế với dự kiến đảm bảo phù hợp với các hoạt động của công ty; báo cáo chính xác, kịp thời và đầy đủ thông tin để xác định các xu hướng bất lợi và đánh giá về mức độ rủi ro cho Hội đồng quản trị, ban điều hành và các cá nhân cấp có thẩm quyền đưa ra các quyết định có rủi ro.

Thứ năm, kiểm toán nội bộ thực hiện chức năng đánh giá độc lập đối với hệ thống quản trị rủi ro. Kiểm toán nội bộ thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá độc lập và khách quan về việc chấp hành chiến lược, chính sách, quy trình quản lý rủi ro, các hạn mức rủi ro và kiến nghị các biện pháp hoàn thiện, biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót; Kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ về quản lý rủi ro và theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau kiểm toán nội bộ của các đơn vị, bộ phận.

Một phần của tài liệu RỦI RO TÀI CHÍNH TẠI CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN THÀNH VIÊNCỦA SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN HÀ NỘITHỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 99 - 104)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(129 trang)
w