1.3. NHỮNG VẤN ĐỀ THỰC TIẾN VỂ QUẢN TRỊ RỦIRO THANH
1.3.1. Trường hợp Ngân hàng Northern Rock
Northern Rock Building Society được thành lập vào ngày 08/07/1965, vốn là một tổ chức chuyên cấp tín dụng để xây nhà có trụ sở đặt tại Newcastle.Vào thời điểm năm 1965, Northern Rock đứng thứ 60 trong bảng xếp hạng các tổ chức cung cấp tín dụng xây dựng. Sau 40 năm hoạt động, nhờ vào việc tiếp nhận và mua lại các quỹ đầu tư cũng như đa dạng hóa hình thức kinh doanh và triển khai hoạt động cho vay, cho thuê nhà, Northern Rock trở thành một trong 10 Ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất nước Anh. Năm 2006 lợi nhuận của Ngân hàng này đạt 1,18 tỉ bảng Anh và là Ngân hàng cho vay tín chấp lớn thứ 5 tại Anh.
Mô hình kinh doanh của Northern Rock như mọi Ngân hàng khác là thu hút tiền gửi vào và dùng số tiền đó cho vay thế chấp. Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp thu hút tiền gửi tiết kiệm, lượng tiền gửi tại Northern Rock vẫn khá thấp trong khi nhu cầu vay tại Ngân hàng luôn lớn hơn nhiều lần so với các khoản tiền gửi. Điều này đã khiến Northern Rock bỏ lỡ nhiều cơ hội đẩy mạnh kinh doanh, vì theo các quy định của Ngân hàng Trung ương Anh, các Ngân hàng chỉ được cho vay số tiền mà họ thu được từ nguồn tiền gửi, vì vậy nếu một Ngân hàng không thể thu hút nhiều tiền gửi vào thì cũng không thể tăng số tiền cho vay ra. Trong khi những yêu cầu về nguồn vốn dự trữ cho mỗi Ngân hàng là khá chặt chẽ, thì lại không có một quy định nào về mức tiền gửi dự trữ trong Ngân hàng cần có để phục vụ hoạt động cho vay của Ngân
hàng đó. Vì thế các Ngân hàng đã được phép cho vay nhiều hơn rất nhiều số tiền gửi tiết kiệm mà nó thu hút được. Tính trung bình thì số tiền cho vay gấp khoảng 6 lần so với số tiền gửi mà một Ngân hàng đang nắm giữ. Nhưng tỷ lệ cho vay của Northern Rock còn cao hơn mức trung bình rất nhiều. Northern Rock cho rằng thị trường cho vay thế chấp là khá lành mạnh, vì thế Ngân hàng này đã gói một số các khoản vay thế chấp lại vào với nhau và bán những khoản thu nhập tương lai này cho các nhà đầu tư dài hạn. Việc trái phiếu hóa các khoản vay đã cho phép Northern Rock mở rộng việc cho vay. Theo định kỳ, Ngân hàng sẽ bán các khoản thế chấp bằng cách chứng khoán hóa và đổi lại có tiền để tiếp tục cho vay. Northern Rock thường bù đắp khoảng thời gian giữa những hợp đồng chứng khoán hóa bằng cách vay ngắn hạn từ các Ngân hàng khác, được gọi là thị trường tiền mặt bán buôn. Northern Rock đã làm như vậy trong nhiều năm và quy trình này tỏ ra rất hiệu quả. Khi một Ngân hàng vay tiền trên thị trường tiền tệ họ phải trả mức lãi suất liên Ngân hàng được gọi là LIBOR (London Inter-bank Offered Rate - tỉ lệ lãi suất cho vay liên Ngân hàng London) - thường cao hơn một chút so với lãi suất cơ bản của Ngân hàng TW Anh. Sự dao động giữa 2 tỉ lệ này tác động tới khả năng sinh lời của Northern Rock. Chiến lược huy động vốn của Ngân hàng là 25% lấy từ khoản tiền gửi tiết kiệm, 25% từ thị trường tiền tệ bán buôn và 50% từ việc chứng khoán hóa. Năm 2005 mô hình huy động vốn này đã vận hành rất trơn tru đã giúp cho Northern Rock đạt được mức tăng trưởng hàng năm là 20%.
Tuy nhiên, vào năm 2007, tỉ lệ lãi suất liên Ngân hàng tăng cao 3 lần liên tục quá mức chịu đựng của Northern Rock khiến Ngân hàng này gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn cho vay. Northern Rock buộc phải tìm kiếm đối tác để bán bớt những bộ phận kinh doanh nhỏ của mình để có thêm vốn duy trì hoạt động. Khi Ngân hàng ra tuyên bố điều chỉnh hạ thấp dự đoán lợi nhuận của năm 2007 từ 17% xuống còn 15% thì phản ứng tiêu cực của thị trường xảy ra. Tại thời điểm đó, thị trường tiền mặt bán buôn cũng đóng băng
khiến việc huy động vốn ngắn hạn của Northern Rock gặp khó khăn nghiêm trọng. Sau đó Northern Rock đã liên lạc với các cơ quan tài chính của chính phủ cũng như Ngân hàng Anh để được trợ giúp giải quyết các vấn đề đang gặp phải. Những thông tin bí mật về các cuộc trao đổi giữa Northern Rock và Ngân hàng TW Anh cũng như các tổ chức tài chính khác bị giới truyền thông biết được. Báo chí dồn dập đưa ra những dự đoán về nguy cơ vỡ nợ, cũng như nguy cơ với người gửi tiền khiến cố phiếu của Northern Rock giảm giá liên tục, các nhà đầu tư và người gửi tiền kéo đến các chi nhánh của Northern Rock rút tiền hàng loạt. Các Ngân hàng lớn tại Anh và châu Âu đều từ chối trợ giúp Northern Rock vượt qua khủng hoảng.Chính phủ Anh buộc phải tiến hành thương lượng đàm phán với các thể chế tài chính lớn trên thế giới về các phương án giải cứu Northern Rock. Tuy nhiên những nỗ lực đàm phán này đã thất bại. Tháng 2 năm 2008 Northern Rock chính thức bị quốc hữu hóa.
Nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng và sự sụp đổ của Northern Rock có thể chỉ ra là do mô hình kinh doanh, tốc độ phát triển quá nóng trong một thị trường đang thay đổi và đảo chiều, bộ máy làm việc không hiệu quả, phản ứng chậm chạp của các cơ quan chính phủ dẫn tới việc Northern Rock không nhận được sự trợ giúp kịp thời từ Ngân hàng TW Anh cũng như các thể chế tài chính lớn khi Ngân hàng này gặp khó khăn. Ngoài ra việc rò rỉ thông tin khiến giới truyền thông nhảy vào cuộc cũng là một tác động khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng và gây hậu quả nặng nề hơn. Một kế hoạch kiểm soát rủi ro tốt hơn và hoạt động quảng bá tốt hơn, tránh sự thổi phồng của báo chí có thể sẽ khiến Ngân hàng tránh được phá sản và bị quốc hữu hóa.