1.3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến quản lý Nhà nước về giảm nghèo bền
1.3.1. Yếu tố chủ quan
1.3.1.1. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững
Giảm nghèo là nhiệm vụ mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo từng điều kiện, mỗi quốc gia có một chiến lược giảm nghèo phù hợp với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia đó. Thực tế cho thấy, quốc gia nào có sự quan tâm đến người nghèo trong xã hội thì quốc gia đó có sự ổn định nhất định về chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội, ngược lại, những quốc gia có sự bất ổn về chính trị, văn hóa và xã hội thường có tỷ lệ người nghèo cao, sự chênh lệch giàu nghèo lớn, thực hiện các chương trình giảm nghèo không có sự chú trọng đầu tư hoặc không đạt kết quả như mong muốn. Tại Việt Nam, giảm nghèo, hạn chế phân hoá giàu nghèo là nội dung được đề cập nhiều trong các văn kiện của Đảng, được cụ thể hoá thành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công bằng, bình đẳng, tiến bộ xã hội. Đại hội lần thứ IX, Đảng ta đã chỉ rõ: “Khuyến khích làm giàu hợp pháp, đồng thời ra sức xoá đói giảm nghèo, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất để các vùng, các cộng đồng đều có thể tự phát triển, tiến tới thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội”[9]. Đại hội lần thứ X của Đảng tiếp tục chỉ rõ và đề ra mục tiêu cụ thể: “Khuyến khích mọi người làm giàu theo pháp luật, thực hiện có hiệu quả các chính sách xoá đói, giảm nghèo”, “Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển”[10]. Đặc biệt, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra định hướng cơ bản: “Nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội. Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hoá các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn. Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, tăng nhanh số hộ có thu nhập trung bình khá trở lên. Có chính sách và các giải pháp phù hợp
nhằm hạn chế phân hoá giàu nghèo, giảm chênh lệch về mức sống giữa nông thôn với đô thị”[11]. Chỉ tiêu phấn đấu cụ thể: “Tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm”; dựa trên cơ sở định hướng chiến lược “Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn. Có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực để phát triển; điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư”[11].
Như vậy, Đảng ta đã có cách nhìn ngày càng toàn diện và đưa ra những chủ trương, biện pháp thiết thực để xoá đói, giảm nghèo, hạn chế phân hoá giàu nghèo trên cơ sở tiến hành đồng bộ các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng gắn liền với phát triển văn hoá - xã hội; chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường trợ giúp với đối tượng yếu thế; tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Pháp luật về giảm nghèo bền vững có những ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả quản lý Nhà nước về giảm nghèo bền vững vì hệ thống pháp luật chính là khung pháp lý cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động giảm nghèo bền vững nói riêng. Hệ thống các chính sách về giảm nghèo bền vững cần được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện khả thi, nghiêm túc để mang mại hiệu quả tối ưu, tránh lãng phí các nguồn lực. Pháp luật, chính sách về giảm nghèo bền vững nếu được xây dựng khách quan, khoa học và khả thi thì sẽ thúc đẩy hoạt động giảm nghèo bền vững đạt được các thành công và ngược lại. Như vậy, pháp luật và chính sách có tác động toàn diện theo cả hai chiều tích cực và hạn chế đối với việc thực hiện giảm nghèo bền vững ở mọi khía cạnh.
Đây là nhân tố tác động không nhỏ đến mức độ nghèo, nhưng thường không được chú trọng hoặc bỏ qua trong quá trình quản lý, thực thi chính sách về giảm nghèo. Những tác động của nhân tố tổ chức, quản lý của các cấp đến vấn đề quản lý Nhà nước về giảm nghèo có mức độ khác nhau, ở những thời gian khác nhau, được thể hiện tập trung ở các phương diện sau:
Hệ thống bộ máy chuyên trách giảm nghèo từ trung ương đến địa phương có vai trò và tác động rất lớn đến công tác quản lý Nhà nước về giảm nghèo. Đây là cơ quan tham mưu chính trong việc ban hành các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo cho Nhà nước, sự thành bại của công cuộc giảm nghèo phụ thuộc vào hệ thống bộ máy này. Hiện nay, tại Việt Nam, bộ máy chuyên trách giảm nghèo chủ yếu hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, do đó, trách nhiệm của người đúng đầu trong thực thi các hoạt động giảm nghèo chưa cao, chất lượng và hiệu quả chưa đáp ứng được mục tiêu hướng đến.
Cơ cấu tổ chức bộ máy còn thể hiện trong công tác triển khai các chính sách tại cơ sở. Cơ quan làm công tác giảm nghèo các cấp có sự liên hệ chặt chẽ, nhuần nhuyễn trong thực thi nhiệm vụ thì giảm nghèo bền vững mới được thông suốt từ trung ương đến cơ sở. Nếu có sự trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, chức năng, trong công tác triển khai sẽ xuất hiện tình trạng ỷ lại, chính sách không được triển khai đúng, đủ và đến đối tượng được thụ hưởng.
Tổ chức bộ máy làm công tác giảm nghèo còn liên quan đến tình trạng “hành chính quan liêu” ở các cấp, tình trạng lãng phí trong đầu tư thực hiện dự án cũng như tình trạng tham nhũng trong thực thi chính sách. Cơ cấu tổ chức bộ máy không hợp lý, không đúng chức trách, nhiệm vụ được giao sẽ gây ra hiện tượng lệch lạc trong điều tra, rà soát hộ nghèo, chất lượng thực hiện dự án thấp, nghiêm trọng hơn là những vấn đề liên quan đến tham nhũng tại các dự án giảm nghèo liên quan đến đất đai, hỗ trợ phát triển cho người
nghèo, tạo ra những nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng cho quốc gia và địa phương thực hiện công tác này.
1.3.1.3. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo
Đội ngũ cán bộ, công chức là nhân tố chính yếu, mang ý nghĩa quyết định trong việc thành công hay thất bại của công tác giảm nghèo từ trung ương đến địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo chủ yếu là những người trong biên chế Nhà nước, công tác tại các cơ quan chủ trì về lĩnh vực giảm nghèo bền vững.
Cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo là người trực tiếp tuyên truyền, đưa chính sách, chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước vào thực hiện tại địa phương. Người làm công tác giảm nghèo có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức, năng động, sáng tạo thì việc quản lý, triển khai, thực hiện chính sách sẽ được thực hiện đúng quy định, phù hợp với điều kiện của địa phương và đạt hiệu quả nhất định trong thực thi chính sách cũng như thực hiện chế độ báo cáo, hoàn thiện các phương án giảm nghèo trong tương lai. Ngược lại, cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại trong thực hiện giảm nghèo tại địa phương, việc thực thi chính sách không được chú trọng, không có sự phù hợp với địa phương do hạn chế về năng lực, sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo.