3.2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý Nhà nước về giảm nghèo
3.2.7. Hợp tác, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quản lý Nhà
nước về giảm nghèo bền vững
Trong quá trình thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước về giảm nghèo bền vững, cần chú trọng sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong xây dựng, hoạch định và thực thi. Cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể, các doanh nghiệp trong thực thi các nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, từ đó, thống nhất quan điểm, mục tiêu và phương thức hoạt động trong triển khai thực hiện.
Việc hợp tác trong hoạt động quản lý Nhà nước về giảm nghèo bền vững còn được thực hiện thông qua sự liên kết bốn nhà: Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp tại địa phương. Với vai trò của mình, Nhà nước tạo hành lang pháp lý, chính sách, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững tại địa phương; nhà nông là chủ thể, đối tượng thực thi các dự án, các chính sách, trong đó bao gồm những người nghèo; Nhà khoa học có nhiệm vụ đưa những cải tiến kỹ thuật áp dụng trong sản xuất, kinh doanh thuộc dự án, sau đó, thực hiện phân phối hàng hóa, sản phẩm thông qua Nhà doanh nghiệp. Sự hợp tác theo chuỗi sản xuất này đang trở thành một xu hướng hữu dụng và cần phát triển trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn.
Tăng cường sự hợp tác, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể trong triển khai các chính sách giảm nghèo bền vững. Thông qua các hội viên, các tổ chức hội, đoàn thể phát huy vai trò nòng cốt trong việc vận động sự tham gia của xã hội và cộng đồng trong công tác giảm nghèo; đồng thời, có sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp với chính quyền cơ sở giúp đỡ theo từng địa chỉ cụ thể, xây dựng kế hoạch thoát nghèo bền vững đối với các hội viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Triển khai tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác quản lý Nhà nước về giảm nghèo bền vững là hoạt động quan trọng để nhìn nhận lại những thành tựu, hạn chế, lợi thế và khó khăn, phân tích những nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai các chương trình, dự án tại cơ sở, xác định những phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện với hiệu quả cao nhất trong giai đoạn tiếp theo hoặc những chương trình mục tiêu quốc gia tiếp theo.
Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác quản lý Nhà nước về giảm nghèo bền vững cần được thực hiện theo từng năm, giữa giai đoạn, tổng kết giai đoạn hoặc theo từng chương trình, dự án cụ thể. Tổng kết, đánh giá cần sát với thực tiễn tại địa phương, đồng thời, phải đặt trong bối cảnh chung của cả nước, chỉ ra những mặt yếu, kém, những bất hợp lý trong thực thi của từng dự án cụ thể, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trình tự thực hiện, cần có sự phân tích sâu, rộng, có chất lượng để làm căn cứ, cơ sở đúc kết những kinh nghiệm từ thực tế triển khai, kết hợp với những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có những định hướng phát triển lâu dài, đặt quyết tâm cao thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục vươn lên, hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát trong các giai đoạn rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm nhằm phát hiện kịp thời các sai phạm trong việc xác định hộ nghèo, cận nghèo theo bảng điều tra xã hội học, đảm bảo sự chính xác, công bằng trong việc thực thi các chính sách cho người nghèo trong năm tiếp theo. Giám sát hiệu quả, chặt chẽ trong việc sử dụng các nguồn tài chính trong thực thi các chính sách giảm nghèo, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, sử dụng nguồn vốn không hiệu quả; giám sát nguồn tài chính này bao gồm việc giám sát về sử dụng vốn của người nghèo, đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục đích; giúp đỡ người nghèo trong việc hoạch định
nguồn sinh kế, thường xuyên cập nhật tình hình, giúp đỡ kịp thời khi có khó khăn, vướng mắc.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo. Gắn việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò phản biện của xã hội, sự giám sát của cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, để người nghèo, xã nghèo trực tiếp tham gia vào xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án giảm nghèo, phản ánh được nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của người dân, đảm bảo công bằng đối với người nghèo.
Tập trung ưu tiên thanh tra, kiểm tra, giám sát các xã vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao vì đây là những vùng có khó khăn trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án cũng như áp dụng chuẩn nghèo đến từng hộ gia đình. Đặc biệt coi trọng công tác báo cáo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, báo cáo năm về hoạt động giảm nghèo của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, xử lý kỷ luật khi phát hiện những
hành vi trái pháp luật trong triển khai thực hiện tại cơ sở.