Đảng ta khẳng định: “Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với giảm nghèo bền vững”, tập trung triển khai các chương trình giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đa dạng hóa nguồn lực và phương thức xóa đói, giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện và khuyến khích người đã thoát nghèo vươn lên làm giàu và giúp đỡ người khác thoát nghèo. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 tiếp tục kiên trì quan điểm xuyên suốt và có tính định hướng chiến lược là: “Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội,bảo đảm an sinh
xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển”.[35]
Theo định hướng đó, cần xây dựng một chương trình giảm nghèo chung, bền vững và toàn diện, bao gồm hệ thống các chính sách giảm nghèo; lồng ghép và chỉ đạo thực hiện tập trung, thống nhất các chương trình, dự án có liên quan đến mục tiêu giảm nghèo nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội có hiệu quả nhất. Đặc biệt ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn nhất, đối tượng khó khăn nhất, vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.
Để thực hiện giảm nghèo bền vững có hiệu quả, phương hướng giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước bao gồm một số định hướng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế: nhu cầu cấp bách về kinh tế và chính trị là chuyển sang mô hình phát triển bền vững, như các Đại hội của Đảng đã nêu: "Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường". Như vậy, vấn đề chính sách giảm nghèo phải đặt trong tiến trình chuyển sang mô hình phát triển bền vững. Vấn đề nghèo được giải quyết từ ba hướng gắn bó với nhau: tăng trưởng kinh tế bền vững, tiến bộ xã hội (thể hiện ở trình độ giáo dục, dân trí) và bảo vệ môi trường.
Thứ hai, xây dựng các hình thức liên kết các ngành khoa học và công nghệ với sản xuất và xây dựng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy lan tỏa hình thức liên kết "bốn nhà" (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước) trong các dự án nông, lâm, thủy sản và dịch vụ. Phát triển các hình thức giáo dục miễn phí phổ cập về nghề nghiệp cho những người trong diện nghèo. Cần có quy định về tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các dự án sản xuất, xây dựng các dự án giảm nghèo trước khi thực hiện, nhằm thể hiện được định hướng phát triển bền vững.
Thứ ba, đổi mới tổ chức và thể chế quản lý của Nhà nước theo yêu cầu đổi mới mô hình kinh tế: phát triển bền vững gắn với mô hình tổ chức, thể chế quản lý là Nhà nước pháp quyền của dân.
Thứ tư, đổi mới tư duy và phương pháp hoạch định và thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, bao gồm:
Đổi mới tư duy về chính sách giảm nghèo. Tư duy mới về chính sách giảm nghèo, trước hết là tư duy hệ thống, tức là đặt vấn đề đói nghèo trong chiến lược chuyển sang mô hình phát triển bền vững, trong đó giải quyết vấn đề "giặc đói" và "giặc dốt" phải đồng thời, tạo điều kiện cho nhau, làm cho chính sách giảm nghèo bền vững mang ý nghĩa là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các đoàn thể, tổ chức xã hội. Sự tổng kết của các thế hệ trước về sức mạnh của nhân dân theo phương châm: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân
liệu cũng xong", xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2020 cũng căn cứ vào nội dung này, dựa trên sức mạnh của nhân dân, phát huy vai trò tự lực tự cường của người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Kế thừa các định hướng quản lý Nhà nước về giảm nghèo bền vững của Đảng, Nhà nước và tỉnh Bắc Kạn, huyện Na Rì có những phương hướng quản lý Nhà nước về giảm nghèo bền vững tại địa phương như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, phát huy vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn/bản trong công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương; Nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ và người dân về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; Sắp xếp, bố trí và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp nhất là ở cơ sở; Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo; Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin; Huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai các hoạt động liên quan đến giảm nghèo bền vững tại địa phương.