1.2. Quản lý Nhà nước về giảm nghèo bền vững
1.2.1. Khái niệm quản lý Nhà nước về giảm nghèo bền vững
Theo giáo trình quản lý học đại cương – Học viện hành chính quốc gia: Quản lý là sự tác động có tổ chức, có định hướng của chủ thể lên khách thể nhằm đạt mục tiêu định trước.[13]
Theo giáo trình Hành chính công – Học viện Hành chính quốc gia: Quản lý Nhà nước là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực pháp luật Nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi của con người do cơ quan thuộc bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở tiến hành nhằm duy trì và phát triển các mối quan hệ và trật tự pháp luật, thỏa mãn các nhu cầu hợp pháp của con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đạt được mục tiêu quốc gia một cách hiệu quả nhất trong từng giai đoạn phát triển.[14]
Giảm nghèo xét một cách chung nhất là việc nâng cao mức sống của người nghèo, vận dụng các điều kiện để từng bước đưa người nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo đói theo chuẩn nghèo được áp dụng trong từng thời kỳ cụ thể. Giảm nghèo bền vững nghĩa là tăng chất lượng cuộc sống cho người nghèo, số lượng người nghèo giảm xuống một cách bền vững, giảm tỷ lệ hộ tái nghèo đi cùng với ngăn chặn đến mức tối đa các rủi ro mang lại.
Như vậy, theo tác giả, quản lý Nhà nước về giảm nghèo bền vững là sự tác động bằng quyền lực Nhà nước thông qua cơ chế, chính sách và bộ máy hành chính nhà nước vào việc tổ chức, thực hiện các hoạt động giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, chủ động ngăn ngừa rủi ro và nguy cơ tái nghèo, ổn định và phát triển đất nước.