3.2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý Nhà nước về giảm nghèo
3.2.2. Thực hiện các nhóm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc
việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo và nhóm chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
3.2.2.1. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo
a. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất
Để chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo được phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương. Ngoài tập trung phát triển đàn gia
súc, gia cầm, cần có phương án cụ thể phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp đặc thù như nghề trồng nấm hương tại xã Cường Lợi, xã Kim Lư, tạo thương hiệu, phát triển ngành nghề tại địa phương cho người dân.
Thứ hai, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã tại các vùng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Huyện Na Rì đang có một số nhóm hộ gia đình có nghề gia truyền như: nghề làm men lá tại xã Lương Thành, xã Lam Sơn; nghề làm miến tráng tay tại xã Côn Minh, xã Hảo Nghĩa, xã Tân An; nghề làm bánh truyền thống (bánh ngô, bánh khảo, bánh su héc…) tại thị trấn Yến Lạc….cụ thể như sau:
Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã theo từng vùng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương. Có thể liên kết các xã, các thôn, bản với nhau để tạo nên các tổ hợp tác có quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu về số lượng và chất lượng sản phẩm.
Chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, dây chuyền, thiết bị quy mô nhỏ vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, cải thiện mẫu mã, chất lượng các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Thực hiện tốt công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, đào tạo nghề và các chính sách khác nhằm thúc đẩy nghề thủ công phát triển sâu rộng và bền vững.
Thứ ba, phát triển vùng trồng cây dược liệu theo đặc trưng của địa phương. Tập trung nguồn lực hỗ trợ trồng cây dược liệu như cây làm men lá, cây Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi tím, dong riềng đỏ…. Với lợi thế về đất đai, tán rừng rộng, khí hậu ôn hòa, nguồn nhân lực sẵn có, giá trị kinh tế cao, trồng cây dược liệu tại các xã vùng cao như Kim Hỷ, Đổng Xá, Lương Thành, Văn Minh…là giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo là người dao, mông, người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác tìm kiếm thị trường, giới thiệu và quảng bá sản phẩm của địa phương. Các cơ quan hữu quan cần tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các xã tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các hợp tác xã, các làng nghề thủ công… thông qua việc tham gia các Hội chợ, các chương trình quảng bá như chương trình OCOP, liên kết với các siêu thị trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ, thu hút đầu tư nước ngoài vào tiêu thụ sản phẩm…đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về đăng ký và bảo vệ thương hiệu, có đăng ký chất lượng sản phẩm theo quy định.
Thứ năm, Tăng mức đầu tư, phân bổ kinh phí cho từng dự án phát triển sản xuất, thực hiện hỗ trợ kinh phí theo từng chu kỳ phát triển của cây trồng, vật nuôi mà dự án đã đầu tư phát triển, tránh trường hợp bỏ giữa chu kỳ, đảm bảo sự liên tục trong đầu tư, thông suốt và hiệu quả theo mục tiêu mà từng dự án hướng đến.
Thứ sáu, kết hợp giữa cấp kinh phí, vay tín dụng thực hiện dự án với các chương trình hướng dẫn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về khoa học – kỹ thuật để chăm sóc cây trồng, vật nuôi một cách khoa học, hiệu quả. Tổ chức các buổi tuyên truyền, các lớp hướng dẫn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về phương pháp chăn nuôi, trồng trọt có áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để phát triển kinh tế hộ gia đình.
b. Chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Huyện Na Rì thực hiện các dự án hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo thông qua các lớp dạy nghề theo nhu cầu của từng cộng đồng dân cư trên địa bàn. Để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ hiệu quả công cuộc giảm nghèo tại địa phương, cần chú trọng các vấn đề sau:
Gắn các lớp đào tạo nghề với tình hình thực tiễn tại địa phương. Chú trọng đào tạo các lớp dạy nghề phát triển đặc sản của địa phương, đặc trưng
vùng để tăng sự cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước. Lựa chọn đối tượng đào tạo nghề phù hợp, ưu tiên các thanh niên, người có trình độ, người có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh trong cộng đồng nghèo để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao.
Nhà nước thực hiện vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp, các thị trường với các lớp đào tạo nghề tại địa phương. Học viên tham gia các lớp đào tạo nghề được đảm bảo đầu ra, sản phẩm tạo ra có thị trường tiêu thụ ổn định với giá thành và chất lượng đạt các tiêu chuẩn quy định.
Huy động các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đưa các kiến thức đào tạo từ các lớp dạy nghề vào thực tiễn phát triển kinh tế của hộ gia đình hoặc vùng sản xuất. Liên kết phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập hộ gia đình theo đặc trưng của địa phương, chú trọng phát triển các lớp dạy nghề tại vùng cao, vùng đồng bào dân tộc mông, dao sinh sống để hỗ trợ, phát triển kinh tế cho cộng đồng này theo hướng tự lực, phát triển bền vững tại quê hương.
3.2.2.2. Nhóm chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản
Chính sách hỗ trợ tín dụng
Hiện nay, ngân hàng chính sách xã hội đang là chủ thể cho vay vốn trong công tác hỗ trợ tín dụng tại huyện Na Rì. Để chính sách tín dụng phát huy hiệu quản, cần chú trọng thưc hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ cập thông tin cần thiết về chính sách tín dụng ưu đãi của chính phủ cho hộ nghèo, đặc biệt đối với hộ nghèo tại các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số để người nghèo nắm rõ về chính sách, vay vốn kịp thời, thường xuyên và hiệu quả.
Thứ hai, trong quá trình vay vốn, cần thực hiện việc hướng dẫn các hộ được vay sử dụng vốn vay một cách hiệu quả. Trên địa bàn huyện hiện nay, vẫn còn tình trạng hộ nghèo được vay nhưng không biết sử dụng nguồn vốn
vay hợp lý, cần có sự kết hợp chặt chẽ của ngân hàng chính sách xã hội, phòng Nông nghiệp, lâm nghiệp của huyện trong việc triển khai cho vay phát triển các dự án hỗ trợ sản xuất, có kiểm tra, đánh giá theo từng giai đoạn cụ thể để hướng dẫn, thực hiện hiệu quả nguồn vốn đã được vay.
Thứ ba, vẫn còn thiếu cán bộ tín dụng, đặc biệt tại những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng nhiều đối tượng, các cán bộ tín dụng vẫn phải luân phiên hoặc một cán bộ phụ trách nhiều địa bàn, do đó, cần tăng cường cán bộ tín dụng tại huyện, đặc biệt là các vùng cao như xã Vũ Loan, xã Kim Hỷ, để công tác hỗ trợ tín dụng được thực hiện chặt chẽ, sâu rộng đến từng hộ nghèo trên địa bàn.
Thứ tư, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ tổ chức Hội, đoàn thể tại cấp xã, nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng tại địa phương.
Chính sách hỗ trợ về y tế
Để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, trong thời gian tới, huyện Na Rì cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sỹ tại huyện, đặc biệt là tuyến xã. Có chính sách thu hút người tài, các y, bác sỹ giỏi tăng cường về địa phương, đồng thời thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này để nâng cao trình độ, tay nghề, tăng chất lượng khám chữa bệnh tại huyện. Tập trung mua sắm các trang, thiết bị y tế hiện đại, phù hợp với yêu cầu khám chữa bệnh của người dân và nhu cầu chữa trị của các y, bác sỹ, đảm bảo sự chính xác và đầy đủ, có chất lượng.
Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình, đặc biệt là đối với đối tượng người nghèo tại cộng đồng.
Chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo
Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến trường, đặc biệt là các em thuộc đồng bào dân tộc mông, dao tại huyện. Huy động sự vào cuộc
của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể để tạo điều kiện tốt nhất để các em học tập, phát triển, nâng cao trình độ dân trí tại địa phương.
Nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, giáo viên tại các trường trong huyện thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, các kỳ thi sát hạch thường niên. Đổi mới phương pháp dạy và học, chú trọng các yếu tố thuộc về đặc trưng của địa phương (như tiếng nói, phong tục tập quán) để học sinh có hứng thú trong việc học tập, nghiên cứu.
Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ dạy và học tại cơ sở. Cung cấp đủ trang thiết bị như máy vi tính, bàn ghế, đồ chơi, mô hình…để học sinh tiếp cận thông tin, học tập được chủ động và hiệu quả.
Chính sách hỗ trợ nhà ở
Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo tại huyện Na Rì được thực hiện theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quỹ huy động tại địa phương. Để chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo được hiệu quả, cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
Huy động nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo trên địa bàn. Tận dụng nguồn vay tín dụng ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để vay vốn làm nhà ở cho hộ gia đình có nhu cầu. Ngoài ra, thu hút sự tham gia của các tổ chức kinh tế - xã hội, các hội, đoàn thể các cấp trong việc hỗ trợ hoặc xây mới nhà ở cho các hộ nghèo có khả năng thoát nghèo hoặc các hộ là người già neo đơn, hộ nghèo có người khuyết tật, hộ bị thiên tai…
Tăng mức vay ưu đãi cho người nghèo để thực hiện xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đáp ứng nhu cầu của người nghèo và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chính sách trợ giúp pháp lý; công tác thông tin, truyền thông về chính sách giảm nghèo bền vững
Huyện Na Rì cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau để cải thiện và đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý, công tác thông tin, truyền thông về giảm nghèo bền vững:
Nâng cao năng lực của cán bộ tư pháp, hộ tịch, công chức văn hóa – xã hội (phụ trách văn hóa – thông tin) tại cơ sở, đặc biệt là các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Thực hiện đa dạng các chương trình tư vấn, giải đáp thắc mắc về chính sách giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức như: lồng ghép vào các cuộc họp thôn, hội nghị tại cơ sở, phát tờ rơi, cung cấp sách báo… đặc biệt chú trọng đến việc đưa thông tin lên loa, đài phát thanh của xã thường xuyên, phong phú về nội dung thực hiện, cập nhật những văn bản mới, những thay đổi về chính sách, pháp luật để kịp thời thông tin đến người dân, nhất là người nghèo, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo tại địa phương.