3.2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý Nhà nước về giảm nghèo
3.2.4. Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững
Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững là giải pháp hàng đầu trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Kinh tế - xã hội của địa phương phát triển đồng nghĩa với đời sống của nhân dân đi lên, số người nghèo giảm đi, đem lại sự bền vững trong tương lai.
Giữ vững môi trường vĩ mô, ổn định chính trị, xã hội là nhân tố quyết định trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần có những định hướng, giải pháp giữ vững sự ổn định về an ninh, chính trị tại địa phương, tạo tiền để để các hoạt động kinh tế - văn hóa – xã hội được thực thi một cách an toàn, tuân theo quy luật và định hướng của Nhà nước.
Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án đã được Nhà nước, tỉnh phê duyệt đối với địa phương, trọng tâm là Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể để động viên, khuyến khích người dân phát huy nội lực, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Trong đó, quan tâm đến việc đề ra các biện pháp thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách đối với các vùng khó khăn tại huyện.
Huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã nghèo, cần được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước sinh hoạt.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông – lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Xây dựng các vùng chuyên canh trên địa bàn huyện như vùng trồng nấm hương, vùng trồng cây hồng không hạt … phù hợp với đặc trưng vùng.
Phát triển mạnh kinh tế trạng trại, hình thành các trang trại có giá trị ở các xã miền núi như: chăn nuôi bán tự nhiên gia súc, gia cầm, trang trại trồng rừng, trồng cây ăn quả ở các xã có diện tích đồi núi lớn.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tạo giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Có chính sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho các hộ nghèo, người nghèo trên địa bàn huyện bằng nhóm giải pháp đặc thù như sau:
Thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đền đầu tư tại địa phương. Chú trọng thu hút các dự án phát triển nông nghiệp, lâm
nghiệp phù hợp với đặc trưng của vùng, tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc phát triển kinh tế trong tương lai.
Với đặc trưng là một huyện có quỹ đất lâm nghiệp lớn, diện tích hầu hết là đồi núi với địa hình, thổ nhưỡng phù hợp với các cây trồng lâu năm, cây trồng đặc sản, Nhà nước cần huy động, thu hút các dự án đầu tư theo hướng huy động quỹ đất rộng lớn, triển khai thực hiện trồng các cây lâu năm, đặc trưng vùng như: cây trám, cây hồng không hạt, cây quế, cây hồi, cây dổi...nhằm tạo ra một vùng sản xuất lâm nghiệp có quy mô lớn, có thương hiệu và có giá trị kinh tế cao. Việc triển khai các vùng trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao có thể được thực hiện theo cách thức thuê lại đất của người dân theo vùng triển khai dự án, đồng thời, thuê lại chính những chủ đất để làm nhân công thưc hiện quá trình sản xuất của dự án; Mô hình này khi được triển khai có thể giải quyết được vấn đề đất bị bỏ hoang đang diễn ra tại một số địa phương hiện nay, đất đai được sử dụng hiệu quả, người cho thuê đất có nguồn thu nhập ổn định trong việc cho thuê đất canh tác cho dự án. Vùng trồng cây lâm nghiệp cần chú trọng triển khai tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, giao thông đi lại thuận lợi như xã Lương Thành, Lam Sơn, Liêm Thủy... để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhóm người nghèo tại địa phương. Mô hình trồng cây đặc sản, đặc trưng vùng còn giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động từ chính chủ của những mảnh đất được dự án thuê bằng những chính sách khuyến khích việc làm phù hợp từ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo được làm việc, có thu nhập ổn định từ việc làm ngay trên mảnh đất quê hương mình, nguồn thu nhập từ mô hình, từ việc cho thuê đất sẽ là nền tảng tốt và bền vững cho mục tiêu thoát nghèo của từng hộ gia đình cũng như của địa phương.
Ngoài ra, có thể phát triển mô hình hợp tác xã trồng cây dược liệu tại địa phương với mô hình: nhân dân góp đất sản xuất, doanh nghiệp hoặc Nhà nước đầu tư vốn, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ. huyện Na Rì
có hệ thống rừng phong phú, mật độ che phủ lớn, đất đai chủ yếu là đồi núi, có tán rộng, tiêu biểu như khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, các cánh rừng rộng lớn thuộc xã Liêm Thủy, Xuân Dương...., điều kiện này rất thích hợp để phát triển các cây dược liệu quý hiếm như: cây ba kích, sa nhân tím, xạ đen, hà thủ ô đỏ..., những cây chỉ phát triển được dưới tán rừng và có giá trị kinh tế cao.
Phát triển vùng nguyên liệu dược liệu tập trung, với hình thức liên kết đất rừng của các hộ dân, trong đó có các hộ gia đình nghèo, cận nghèo là giải pháp phát triển kinh tế, sản xuất bền vững và lâu dài. Người dân trong vùng dự án vừa làm chủ đất cho thuê, đồng thời, cũng là nguồn lao động tại chỗ để duy trì và phát triển dự án, chịu trách nhiệm chính trong việc trồng, chăm sóc và đảm bảo chất lượng của cây dược liệu. Việc hình thành các vùng sản xuất nông - lâm kết hợp này sẽ từng bước từng bước tạo tư duy sản xuất mới cho người dân theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, góp phần tăng thu nhập cho người dân, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn và nhân giống một số loài dược liệu quý hiếm và bảo vệ tài nguyên rừng bền vững.
Để dự án hình thành vùng trồng cây dược liệu được thành công, chính quyền địa phương cần ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu và một số quy định về cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn; cùng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu, sử dụng hiệu quả cây dược liệu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Tập trung bảo tồn chủ động để bảo vệ nguồn gien, sản xuất cây giống và phát triển các loại cây: cây ba kích, sa nhân tím, xạ đen, hà thủ ô đỏ... đồng thời khuyến khích đầu tư và hỗ trợ phát triển một số loài dược liệu khác có giá trị cao, xây dựng các cơ sở sản xuất giống dược liệu chất lượng tốt, phục vụ sản xuất. Tạo việc làm cho người dân thông qua
việc nhận khoán phát triển, quản lý và bảo vệ rừng; góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo trong vùng dự án. Ngoài ra, cần khuyến khích người dân trồng dược liệu dưới tán rừng và trên đất trống, nương rẫy, Nhà nước và các doanh nghiệp cần hỗ trợ mua giống cây dược liệu, được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển và được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng… theo quy định hiện hành của Nhà nước. Đây là cơ sở vững chắc để người dân phát triển bền vững mô hình hợp tác kinh tế trong tương lai.