3.2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý Nhà nước về giảm nghèo
3.2.5. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý
lý Nhà nước về giảm nghèo bền vững.
Để đảm bảo hiệu quả trong quản lý Nhà nước về giảm nghèo bền vững, cần thường xuyên củng cố, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên và trách nhiệm trong thực thi các chương trình, chính sách. Đồng thời, chú trọng củng cố, kiện toàn cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp theo hướng có bộ máy, nhân sự chuyên trách về giảm nghèo bền vững ở các cấp nhưng không tăng biên chế được giao:
Cấp tỉnh: thành lập văn phòng giảm nghèo đặt tại Sở Lao động – Thương Binh và xã hội, giúp việc cho Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh, không lồng ghép vào Văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh như đang thực hiện tại Bắc Kạn hiện nay để chuyên trách thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững.
Cấp huyện: bố trí ít nhất 01 công chức làm công tác giảm nghèo bền vững tại huyện, thuộc biên chế của Phòng Lao động – Thương binh và xã hội, chuyên tham mưu về các hoạt động thuộc lĩnh vực giảm nghèo bền vững cho Ban Chỉ đạo cùng cấp.
Cấp xã: Có 01 công chức văn hóa – xã hội (phụ trách lao động – Thương binh và xã hội) đảm nhiệm các nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững tại địa phương, đề nghị bố trí thêm 01 cộng tác viên công tác xã hội đủ trình độ, năng lực để theo dõi, đánh giá và phối hợp thực hiện công tác này sâu rộng đến từng thôn, bản trên địa bàn.
Tập trung các đầu việc thuộc giảm nghèo bền vững vào một cơ quan, đơn vị nhằm giữ vai trò đầu mối, chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động giảm nghèo tại địa phương. Cơ quan được giao nhiệm vụ này phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo được tính hệ thống, tránh tình trạng chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi nhiệm vụ như hiện nay.
Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng và tổ chức kế hoạch giảm nghèo bền vững hàng năm đến cơ sở và chi tiết trong từng đối tượng thụ hưởng. Các chương trình giảm nghèo tại địa phương cần được mở rộng và tạo điều kiện để người dân tham gia đóng góp ý kiến trong triển khai thực hiện, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, sắp xếp thứ tự ưu tiên, triển khai thực hiện ở cấp xã, quản lý nguồn lực và giám sát, đánh giá.
Tại huyện Na Rì, đội ngũ cán bộ chủ chốt của hầu hết các xã trên địa bàn chủ yếu xuất phát từ những người có uy tín, có thành tích trong sản xuất, kinh doanh tại địa phương, do đó, những cán bộ này không có hoặc hạn chế về năng lực, chủ yếu tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng tại chức, hệ vừa học vừa làm, được bổ túc bằng các chương trình đào tạo chính trị, chương trình quản lý Nhà nước; Ngoài ra, còn có đội ngũ cán bộ chủ chốt trẻ, tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp chính quy, nhưng trình độ chuyên môn thực tiễn còn hạn chế, kinh nghiệm quản lý, điều hành còn yếu, bản lĩnh chính trị chưa vững vàng, với thực trạng như trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ chủ chốt làm công tác giảm nghèo tại địa
phương là cần thiết, là điều kiện cần có để công tác giảm nghèo bền vững tại huyện được thực thi có hiệu quả.
Nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo phải chú trọng đến năng lực chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ chủ chốt, đề cao tâm huyết, trăn trở, trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Người cán bộ phải lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông với người nghèo, động viên, chia sẻ khó khăn trong cộng đồng nghèo, từ đó, nâng cao trách nhiệm với công tác giảm nghèo tại cơ sở, là tiền để để thực hiện hiệu quả các chính sách mà Đảng và Nhà nước giao phó. Ngoài ra, cần có các quy định, nội quy ràng buộc trách nhiệm công việc với từng cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo, đây là chế tài để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, là căn cứ để khen thưởng khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, xử phạt khi có vi phạm xảy ra.
Đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cộng tác viên tại thôn, bản, cụ thể là các Trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng. Đây là đội ngũ gần dân nhất, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân, là người trung gian thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách đến từng hộ gia đình trên địa bàn, có thể nói, sự thành bại của chính sách phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cộng tác viên này. Để nâng cao chất lượng đội ngũ này, cần quan tâm, tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng thường niên về nghiệp vụ thuộc chương trình giảm nghèo bền vững, công tác bồi dưỡng, đào tạo này cần đi sâu vào thực tế tại địa bàn, triển khai đầy đủ các thông tin cần thiết của chính sách, tránh tình trạng đào tạo hình thức, bồi dưỡng cho có hiện nay; Tăng cường công tác đối thoại, tham quan thực tế cho các cộng tác viên và cán bộ, công chức cấp xã để nâng cao kiến thức thực tế và giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, cần có các chính sách hỗ trợ về kinh phí, chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho
cán bộ, công chức cấp xã, cộng tác viên làm công tác giảm nghèo tại cơ sở, thu hút, khuyến khích tinh thần, trách nhiệm và tâm huyết đối với công tác giảm nghèo, tạo động lực cống hiến và hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Thực hiện chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ biệt phái, thanh niên tình nguyện về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại cơ sở, tổ chức thu hút thanh niên tình nguyện về các xã nghèo, xã vùng cao, vùng nghèo giúp dân giảm nghèo tại địa phương, chú trọng thu hút các đội tình nguyện cung cấp các dịch vụ xã hội như khám chữa bệnh miễn phí, giáo viên tình nguyện, kỹ sư nông nghiệp tình nguyện...