Đặc điểm và nguyên nhân nghèo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững tại huyện na rì, tỉnh bắc kạn (Trang 25 - 29)

1.1. Khái niệm, đặc điểm, nguyên tắc về giảm nghèo bền vững

1.1.2. Đặc điểm và nguyên nhân nghèo

1.1.2.1. Đặc điểm nghèo ở Việt Nam

Ở Việt Nam, tình trạng nghèo khá phổ biến ở cả thành thị, nông thôn, đồng bằng và miền núi. Đặc điểm nghèo được thể hiện ở các phần cơ bản sau:

Thứ nhất, nghèo phổ biến trong những hộ có thu nhập thấp và bấp bênh

Tại Việt Nam, phần lớn thu nhập của người nghèo là từ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ với điều kiện nguồn lực hạn chế, thu nhập của người nghèo rất bấp bênh và dễ bị tổn thương trước những rủi ro tiềm tàng trong cuộc sống hàng ngày.

Mức độ cải thiện thu nhập của người nghèo chậm hơn nhiều so với mức sống chung và đặc biệt so với nhóm có mức sống cao. Sự gia tăng chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất và 20% nghèo nhất đã tăng nhanh chóng từ 6,2 lần năm 1993 lên 10 lần năm 2018 [32] cho thấy sự tụt hậu của người nghèo, khoảng cách thu nhập của người nghèo trong tương quan so sánh với người giàu khá lớn và đang diễn ra khá phổ biến.

Thứ hai, nghèo tập trung ở các vùng có điều kiện sống khó khăn

Đa số người nghèo sống ở vùng có điều kiện sống không an toàn, hay bị thiên tai, bão lũ, hoặc sống ở nơi có điều kiện tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn

như vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bằng sông cửu long, miền trung…,người dân ở đây chịu sự chi phối của thiên nhiên trong sinh hoạt hàng ngày. Đối với các vùng khó khăn, hạ tầng cơ sở hầu như kém phát triển, điều này tạo ra sự tách biệt của vùng so với vùng khác, thông tin, giao lưu bị hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, đặc biệt, tình trạng tái nghèo còn phổ biến, khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên.

Thứ ba, nghèo tập trung ở cả nông thôn và thành thị

Nghèo là hiện tượng phổ biến ở nông thôn với hơn 90% người nghèo sinh sống ở nông thôn. Trên 80% số người nghèo là nông dân, trình độ tay nghề thấp, ít khả năng tiếp cận vốn, kỹ thuật, công nghệ… thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn, chất lượng sản phẩm kém và không phong phú, đa dạng. Trong khu vực thành thị, tỷ lệ nghèo thấp hơn và mức sống trung bình cao hơn so với mức chung của cả nước, nhưng mức độ cải thiện điều kiện sống không đồng đều. Đa số người nghèo đô thị làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, công việc không ổn định, thu nhập thấp và bấp bênh.

Thứ tư, tỷ lệ hộ nghèo đặc biệt cao trong nhóm các dân tộc ít người

Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo cả nước, đặc biệt, có những nhóm dân tộc thiểu số hiện tỷ lệ hộ nghèo còn trên 40%[36]. Đa số người dân tộc ít người sinh sống trong các vùng sâu, vùng xa bị cô lập về mặt địa lý, văn hóa, thiếu điều kiện phát triển về hạ tầng cơ sở và các dịch vụ xã hội cơ bản.

1.1.2.2. Nguyên nhân nghèo

a. Nhóm nguyên nhân điều kiện tự nhiên

Khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, bão lụt, hạn hán có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người, đặc biệt đối với một nước nông nghiệp như Việt Nam. Các thiên tai đến từ thiên nhiên như bão lũ, hạn hán phá hủy các kết quả

sản xuất, các tài sản tích lũy của con người, đem lại nhiều rủi ro trong tương lai, việc mất đi các điều kiện đảm bảo cho cuộc sống có thể biến một người từ không nghèo trở thành nghèo, trở thành bộ phận yếu thế trong xã hội.

Đất đai cằn cỗi, sâu bệnh: với một nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp, việc đảm bảo cuộc sống dựa vào các kết quả từ trồng trọt, chăn nuôi thì các yếu tố bất lợi đến quá trình sản xuất như đất đai cằn cỗi, sâu bệnh hại có ảnh hưởng không nhỏ đến con người. Đất đai cằn cỗi hoặc sâu bệnh gây ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, nguyên nhân dẫn đến mất mùa, dịch bệnh kéo dài, thành quả lao động bị phá hủy hoặc không thể phát triển, cuộc sống không được duy trì khiến họ dần trở nên nghèo và dễ bị tổn thương trong xã hội.

Địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn: thực tế cho thấy, địa hình phức tạp là một phần nguyên nhân dẫn đến sản xuất không đạt kết quả cao, cơ cấu cây trồng, vật nuôi khó chuyển đổi do địa hình không đáp ứng được mặt bằng, nguồn dinh dưỡng hoặc các yếu tố cần thiết khác. Giao thông đi lại khó khăn là trở ngại chính trong việc tiếp cận thị trường, kiến thức khoa học, kỹ thuật của người dân, các kết quả sản xuất do họ làm ra sẽ bị hạn chế trong chất lượng cũng như tiêu thụ tại thị trường, hoặc bị ép giá thành cũng như hạn chế về địa bàn tiêu thụ.

b. Nhóm nguyên nhân chủ quan của người nghèo

Trình độ học vấn hạn chế gây ra trở ngại lớn đến khả năng tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế của người nghèo. Tình trạng này phổ biến với đối tượng người nghèo tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, mặc dù họ có ý chí, có quỹ đất, có nguồn vốn nhưng do hạn chế về kiến thức làm ăn, trình độ học vấn, dẫn đến sản xuất kém hiệu quả hoặc không tiêu thụ được sản phẩm ra thị trường.

Thiếu vốn: thiếu vốn tức là kìm hãm sự phát triển, người nghèo không thể thực hiện các hoạt động tiếp theo trong chương trình giảm nghèo bền

vững của mình. Bên cạnh đó, còn có tình trạng người nghèo sử dụng nguồn vốn không hợp lý, sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, nợ nần, người nghèo lại càng nghèo thêm cũng là một vấn đề cần được chú trọng trong công tác hoạch định chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững.

Không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không tạo ra thu nhập là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nghèo bền vững. Khi không có việc làm, con người không có thu nhập để đảm bảo được cuộc sống do không tạo ra sản phẩm để phục vụ bản thân và xã hội, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người nghèo mắc các tệ nạn xã hội, lười lao động, từ đối tượng yếu thế trong xã hội trở thành đối tượng đe dọa xã hội, mất trật tự, an ninh trong cộng đồng.

Ốm đau, rủi ro: Ốm đau kéo dài hoặc các rủi ro khác liên quan đến sức khỏe, thể lực, trí tuệ… làm cho con người không có khả năng lao động, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của cá nhân và xã hội. Ngoài ra, ốm đau kéo dài có thể kéo gia đình từ không nghèo trở thành nghèo do các chi phí lớn cho việc chữa bệnh và chăm sóc người bệnh.

c. Các nguyên nhân khác

Vấn đề về cơ chế chính sách đối với người nghèo cũng tạo ra rào cản khá lớn trong việc quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững. Các chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nghèo chưa phù hợp, chưa có tính đồng bộ sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư chưa đầy đủ, thỏa đáng đối với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng.

Nền kinh tế của một quốc gia là điều kiện cần thiết để giảm nghèo. Nếu kinh tế có sự tăng trưởng, nhất là tăng trưởng kinh tế cao, ổn định và dài hạn thì Nhà nước mới có sức mạnh vật chất để thực hiện các chương trình giảm nghèo. Thực tế ở nhiều nước cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã tác động tích cực đến tỷ lệ nghèo, ngược lại, nếu không có tăng trưởng kinh tế, hoặc tăng trưởng kinh tế chậm, nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo sẽ giảm hoặc không đáp ứng được nhu cầu giảm nghèo.

Các vấn đề về xã hội như: sự gia tăng dân số, quy mô hộ gia đình, trình độ học vấn, y tế... đề có liên quan mật thiết về đói nghèo. Hầu hết hộ nghèo đều có các vấn đề về đông con, tỷ lệ người ăn theo cao hay trình độ học vấn thấp, nói một cách khác, các vấn đề về xã hội vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững tại huyện na rì, tỉnh bắc kạn (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)