1.4. Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã
1.4.2. Đánh giá, phân loại công chức
Đánh giá là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý công chức. Đánh giá công chức để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Căn cứ vào kết quả đánh giá, công chức được xếp loại theo các mức độ. Kết quả đánh giá công chức là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức cũng như giúp công chức phát huy ưu điểm, hạn chế nhược điểm. Do đó, đánh giá công chức là yếu tố có tác động lớn đến chất lượng công chức. Nếu đánh giá đúng đắn sẽ tạo điều kiện cho công chức nhìn nhận đúng bản thân, những mặt nào cần phát huy, những mặt nào cần hạn chế, qua đó động viên họ phát huy năng lực, sở trường của mình hoàn thành nhiệm vụ được giao, công chức yên tâm, nhiệt tình công tác; đồng thời có tác dụng kích thích, động viên họ phấn đấu nâng cao phẩm chất cũng nhưng trình độ năng lực mọi mặt của mình. Ngược lại, đánh giá công chức không đúng thì không những bố trí, sử dụng không đúng mà còn làm mai một dần động lực phát triển của công chức.
Đánh giá công chức phải đảm bảo đúng đối tượng tham gia đánh giá và dựa trên tiêu chuẩn đánh giá cụ thể, rõ ràng. Tiêu chuẩn đánh giá được hiểu là một cơ sở, một điều kiện được quy định là mẫu mực để đánh giá hiệu quả công tác của mỗi cá nhân, đồng thời cũng là cái đích để cán bộ, công chức phấn đấu. Ngoài các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, về năng lực như phần trên đã trình bày, khi đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan sử dụng công chức phải căn cứ vào nhiệm vụ được phân công, kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc, sự hài lòng của người dân và hướng phát triển của cán
bộ, công chức. Thực hiện tốt công tác đánh giá sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công chức.