Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨC cấp xã, THỊ xã HƯƠNG TRÀ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (Trang 40)

1.3.1. Yêu cầu của việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức

1.3.1.1. Xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là tiến trình phát triển tất yếu của mỗi quốc gia. Trong điều kiện ở nước ta, tiến trình này diễn ra với những điều kiện thuận lợi do sự nghiệp đổi mới tạo ra trên cơ sở kế thừa có chọn lọc tri thức của văn minh nhân loại về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra mục tiêu tổng quát của nước ta trong giai đoạn 2016-2020 là “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” [18, tr78].

Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa vai trò của cán bộ, công chức là hết sức quan trọng. Họ phải là người đề ra kế hoạch để thực hiện từng mục tiêu, đồng thời lại là người tổ chức, quản lý quá trình thực hiện và gương mẫu thực hiện những mục tiêu. Do vậy, việc nâng cao năng lực cán bộ, công chức nói chung và cán bộ công chức cấp xã nói riêng càng quan trọng và cấp thiết.

1.3.1.2. Xuất phát từ yêu cầu của cải cách hành chính

Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 (khóa VII) đã chỉ ra đối tượng cải cách hành chính gồm 04 yếu tố đó là: Cải cách thể chế; cải cách bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính và cải cách tài chính công.

Việc cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ trong đó xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá và trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Có thể xây dựng thể chế tốt, nhưng nếu không có đội ngũ cán bộ, công chức thành thạo chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy với công việc, trách nhiệm với dân thì cải cách không thể trở thành hiện thực.

Vì vậy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức cấp xã nói riêng là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước.

1.3.1.3. Xuất phát từ vị trí, vai trò của chính quyền cấp cơ sở

Cấp xã là cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính nhà nước, tất cả mọi đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đều được triển khai thực hiện ở cấp cuối cùng là cấp xã để đến với Nhân dân. Để giải quyết tốt những nhiệm vụ này bên cạnh việc xây dựng một bộ máy tinh giản, gọn nhẹ hợp lý, cần phải có một đội ngũ cán bộ am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững pháp luật của Nhà nước, có kỹ năng công vụ và tinh thần, thái độ, hành vi đạo đức tốt để thực hiện tốt chức năng của mình.

Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã quyết định đến hiệu quả, hiệu lực của chính quyền. Nếu đội ngũ cán bộ công chức xã có trình độ, với tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc chắc chắn hoạt động của chính quyền đó sẽ đảm bảo hiệu quả quản lý trên các lĩnh vực. Ngược lại, nếu họ thiếu kiến thức, không có trình độ chuyên môn thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều hành quản lý của chính quyền tại địa phương.

1.3.2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức xã nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức xã

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác cán bộ. Bác cho rằng công tác cán bộ là một trong những nhân tố quan trọng có tính quyết định đến sự thành công hay thất bại của Đảng, của cách mạng. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” [22, tr.296] và “Muôn việc thành

công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” [22, tr.240]. Bác chỉ ra vai trò, vị trí và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như việc lựa chọn, sử dụng và đánh giá một cách khách quan, Người nói: “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể, có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì, nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc tức là lỗ vốn” [23, tr.46]

Trong tác phẩm “Tư cách người cách mệnh”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa tư tưởng khoa học có tính phương pháp luận về cấu trúc nhân cách của người cán bộ. Theo Người thì hai cấu trúc nhân cách đó gồm hai mặt “đức và tài”. Người nhắc nhở cán bộ phải học tập, tu dưỡng theo các phẩm chất “nhân, trí, dũng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Những phẩm chất này, Người gọi là đạo đức cách mạng. Di chúc của Người có đoạn viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác cán bộ là một trong những khâu then chốt quan trọng, có tầm chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay. Về mặt quan điểm, công chức cấp xã là một bộ phận hữu cơ của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở nói chung và công chức cấp xã nói riêng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) khẳng định, trong công cuộc đổi mới đất nước thì: “Cán bộ hoặc thúc đẩy, hoặc kìm hãm tiến trình đổi mới. Cán bộ nói chung có vai trò rất quan trọng, cán bộ cơ sở nói riêng có vị trí nền tảng cơ sở. Cấp cơ sở là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng và pháp

luật của Nhà nước. Chất lượng và hiệu quả thực thi pháp luật một phần được quyết định bởi sự triển khai ở cơ sở. Cấp cơ sở là cấp trực tiếp gắn với quần chúng; tạo dựng phong trào cách mạng quần chúng. Cơ sở xã, phường, thị trấn mạnh hay yếu một phần quan trọng phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn”.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn cũng đã nêu rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tuỵ với nhân dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân; trẻ hoá đội ngũ, chăm lo cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở” . 1.4. Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã

1.4.1. Xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiêu chí đánh giá

Xây dựng tiêu chuẩn chức danh là xác định tiêu chuẩn cho từng chức danh công chức bao gồm các tiêu chuẩn chung và các tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh. Tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ, công chức cấp xã là căn cứ để các địa phương thực hiện các quy hoạch, kế hoạch bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng xếp lương, nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác. Hoạt động xây dựng tiêu chí đánh giá công chức cũng là hoạt động quan trọng, được sự quan tâm thực hiện và thể chế hóa trong nhiều Nghị định của Chính phủ và các hoạt động hướng dẫn của ngành nội vụ các cấp.

Như vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiêu chí đánh giá công chức cấp xã có thể coi là hoạt động mang tính chất nền tảng trong các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chất cấp xã. Đây là những hoạt động mang tính định hướng cho một chuỗi các hoạt động khác. Do đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã, cần xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hợp lý, đảm bảo năng lực để hoàn thành nhiệm

vụ của mỗi chức danh theo quy định; đồng thời, cần có một tiêu chí cụ thể, sát đúng để đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức; qua đó, làm cơ sở cho việc bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật công chức.

1.4.2. Đánh giá, phân loại công chức

Đánh giá là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý công chức. Đánh giá công chức để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Căn cứ vào kết quả đánh giá, công chức được xếp loại theo các mức độ. Kết quả đánh giá công chức là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức cũng như giúp công chức phát huy ưu điểm, hạn chế nhược điểm. Do đó, đánh giá công chức là yếu tố có tác động lớn đến chất lượng công chức. Nếu đánh giá đúng đắn sẽ tạo điều kiện cho công chức nhìn nhận đúng bản thân, những mặt nào cần phát huy, những mặt nào cần hạn chế, qua đó động viên họ phát huy năng lực, sở trường của mình hoàn thành nhiệm vụ được giao, công chức yên tâm, nhiệt tình công tác; đồng thời có tác dụng kích thích, động viên họ phấn đấu nâng cao phẩm chất cũng nhưng trình độ năng lực mọi mặt của mình. Ngược lại, đánh giá công chức không đúng thì không những bố trí, sử dụng không đúng mà còn làm mai một dần động lực phát triển của công chức.

Đánh giá công chức phải đảm bảo đúng đối tượng tham gia đánh giá và dựa trên tiêu chuẩn đánh giá cụ thể, rõ ràng. Tiêu chuẩn đánh giá được hiểu là một cơ sở, một điều kiện được quy định là mẫu mực để đánh giá hiệu quả công tác của mỗi cá nhân, đồng thời cũng là cái đích để cán bộ, công chức phấn đấu. Ngoài các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, về năng lực như phần trên đã trình bày, khi đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan sử dụng công chức phải căn cứ vào nhiệm vụ được phân công, kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc, sự hài lòng của người dân và hướng phát triển của cán

bộ, công chức. Thực hiện tốt công tác đánh giá sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công chức.

1.4.3. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức

Đào tạo và bồi dưỡng công chức cấp xã là một khâu quan trọng trong công tác quản lý nhân sự nhằm trực tiếp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã. Hay nói cách khác, chất lượng công chức cấp xã hiện nay được hình thành và chịu ảnh hưởng chủ yếu là thông qua đào tạo, bồi dưỡng. Kiến thức của công chức chính là yếu tố cần thiết để chính công chức hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là công việc “gốc” của Đảng. Thông qua đào tạo mà mỗi người tiếp thu được tri thức, kinh nghiệm, các quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy để vận động thực tiễn. Công chức được đào tạo bài bản, thường xuyên sẽ có kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng giải quyết công việc thành thạo. Chính vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đội ngũ công chức thời kỳ mới.

Đội ngũ công chức cấp xã hiện nay không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn và cả kiến thức lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, am hiểu ngoại ngữ, tin học… để phục vụ tốt hoạt động công vụ. Nếu làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ hình thành nên một đội ngũ công chức cấp xã thích ứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới. Ngược lại nếu hoạt động này không được quan tâm đầu tư thì trình độ, năng lực của công chức cấp xã bị tụt hậu, đồng nghĩa với không đạt hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước.

Trong thực tế, việc đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều mặt hạn chế như việc xác định đối tượng đào tạo vẫn còn cảm tính theo công văn gửi từ cấp trên về mà chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của đơn vị, của mỗi công chức dẫn đến tình trạng người cần đào tạo, bồi dưỡng thì không đi hoặc không được cử đi, trong khi người không cần lại được cử đi, buộc phải đi gây ra sự lãng phí không nhỏ. Ngoài lãng phí tiền của, cái lãng phí lớn nhất là mất thời

gian đào tạo mà không làm tăng được số công chức có trình độ đáp ứng nhu cầu xã hội đang đặt ra. Việc quản lý đào tạo cũng chưa được chặt chẽ. Đôi khi việc đào tạo không phải vì nâng cao trình độ mà là để tìm cách nhận bằng, giấy chứng nhận hợp thức hóa tiêu chuẩn công chức hay là giải ngân kinh phí hàng năm. Trong khi đó, nội dung chương trình nhìn chung vẫn nặng về lý luận, nhiều khi còn trùng lặp, chưa đi sâu vào khoa học hành chính, kỹ năng nghiệp vụ quản lý nhà nước, xử lý tình huống thực tế. Phương pháp đánh giá kết quả đào tạo còn thiếu và chưa được coi trọng.

Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ giúp công chức trau dồi nghiệp vụ và cập nhật tri thức mới thường xuyên và kịp thời. Đào tạo, bồi dưỡng đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng giúp phát huy hiệu quả của việc nâng cao chất lượng công chức.

1.4.4. Tuyển dụng, quản lý công chức

Tuyển dụng công chức cấp xã là khâu đầu tiên của quá trình quản lý nhân sự trong bộ máy chính quyền cấp xã, có tính chất quyết định đến chất lượng đội ngũ công chức cấp xã. Việc tuyển dụng công chức cấp xã thông qua bằng hình thức thi tuyển và xét tuyển. Qua đó để lựa chọn và bố trí đội ngũ công chức sao cho đúng người, đúng việc nhằm phát huy năng lực và sở trường của họ để đạt hiệu quả trong công việc.

Các yêu cầu trong tuyển dụng đòi hỏi người dự tuyển phải đáp ứng được những điều kiện bắt buộc về trình độ, sức khỏe, độ tuổi… và những điều kiện riêng mang tính linh hoạt do từng cơ quan quyết định như năng lực, kinh nghiệm. Những yếu kém, bất cập trong công tác tuyển dụng sẽ là nguyên nhân gây tác động tiêu cực đến chất lượng công chức, khiến cho những người có năng lực thực sự khó có cơ hội bước vào cơ quan nhà nước, tạo cơ hội cho vấn đề “chạy chức”, “chạy quyền” phát triển.

Thực hiện tốt công tác tuyển dụng sẽ lựa chọn được những cá nhân phù hợp có phẩm chất, đạo đức tốt, có trình độ, năng lực và xếp họ vào đúng

vị trí, đúng công việc. Việc sắp xếp đúng chỗ, đúng việc sẽ tạo điều kiện phát huy tinh thần hăng say làm việc, khuyến khích tinh thần học tập và rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn. Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII nhấn mạnh:

“Việc bố trí và sử dụng cán bộ phải đúng tiêu chuẩn, phù hợp với sở trường. Đề bạt cán bộ phải là đúng lúc, đúng người, đúng việc” {1, trang.93}.Tuyển dụng đúng đối tượng, đảm bảo tiêu chuẩn đối với mỗi chức danh chuyên môn có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công chức.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨC cấp xã, THỊ xã HƯƠNG TRÀ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)