- Chi nhánh Chương Dương
2.3. Đánh giá về hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công thương
2.3.1. Kết quả đạt được
❖ Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý RRTD hợp lý
Với phương châm hoạt động “An toàn hiệu quả - hội nhập quốc tế - phát triển bền vững” [16] nhằm thực hiện mục tiêu dần tự chủ về tài chính, công khai minh bạch, nâng cao độ tín nhiệm trên thị trường, mô hình tổ chức và hoạt động của VietinBank - Chi nhánh Chương Dương đã có những thay đổi cơ bản theo hướng phù hợp với thị trường. Việc thành lập và hoàn thiện các bộ phận như Phòng Khách hàng theo phân khúc, Phòng Hỗ trợ tín dụng và Phòng Tổng hợp tại Trụ sở Chi nhánh đã bước đầu tách bạch và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận trong hoạt động tín dụng nhằm giúp Chi nhánh nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hạn chế bớt RRTD.
❖ Chất lượng nợ chuyển biến theo chiều hướng tích cực
Diễn biến nợ quá hạn, nợ xấu trong giai đoạn 2017 - 2019 chuyển biến tích cực, theo chiều hướng tốt, giảm thấp cả về số lượng và tỷ trọng. Điều này cho thấy các biện pháp hạn chế rủi ro tín dụng của Ngân hàng đã có kết quả tích cực so với giai đoạn trước đây.
❖ Chính sách, quy định tín dụng dần được hoàn thiện: VietinBank - Chi nhánh Chương Dương đã bước đầu xây dựng chính sách tín dụng với định hướng tín dụng cho một số ngành, vùng kinh tế, quy định về phân cấp thẩm định đã phần nào đưa hoạt động tín dụng của Chi nhánh phát triển theo đúng định hướng, đảm bảo mục tiêu an toàn, hiệu quả, hạn chế bớt rủi ro. Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng
nhanh chóng thực hiện theo đúng quy định của Trụ sở chính từng thời kỳ. Sự phối hợp giữa các phòng ban tại Chi nhánh cũng dần được cải thiện, đảm bảo mục tiêu chung là phát triển và hạn chế tối đa RRTD.
❖Phân loại nợ và trích lập DPRR: mặc dù việc phân loại nợ của VietinBank - Chi nhánh Chương Dương chưa thực hiện theo các quy định của NHNN, tuy nhiên với cách phân loại nợ theo chất lượng tín dụng và phân loại nợ theo nguyên nhân phát sinh rủi ro ở trên một mặt đã cung câp thông tin cho Chi nhánh trong việc đánh giá khả năng trả nợ và xác định nguồn trả nợ của dự án; mặt khác là cơ sở quan trọng để xem xét áp dụng biện pháp xử lý thích hợp với từng khoản nợ quá hạn tuỳ theo nguyên nhân phát sinh. Hơn nữa, việc phân loại nợ còn cung cấp thông tin để Chi nhánh phòng ngừa rủi ro qua việc hạn chế cho vay đối với các chủ đầu tư đang có dự án phát sinh nợ quá hạn, lãi treo.
Việc trích lập quỹ DPRR của Chi nhánh được thực hiện đúng theo các quy định của Chính phủ, Bộ tài chính và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam trong từng giai đoạn, tuy chưa căn cứ trên chất lượng tín dụng nhưng đã bước đầu tạo ra quỹ DPRR để bù đắp thiệt hại do nguyên nhân khách quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đối với việc xử lý rủi ro, VietinBank - Chi nhánh Chương Dương đã thành lập Tổ xử lý nợ với các thành viên gồm Ban Giám đốc, Phòng khách hàng, Phòng tổng hợp để cùng phối hợp thực hiện. Kết quả đạt được, tỷ lệ nợ quá hạn của Chi nhánh trong năm 2019 giảm xuống còn 1,08% so với 1,75% của năm 2018, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,19% trong năm 2018 xuống còn 0,65% trong năm 2019. Đây là một bước cố gắng rất lớn của Chi nhánh trong việc thực hiện cơ cấu lại dư nợ, xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính.