Nâng cao năng lực phục vụ của cán bộ

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dân giao dịch tại bộ phận một cửa thành phố biên hòa luận văn thạc sĩ (Trang 80 - 81)

Giải pháp này được thực hiện thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ; cụ thể như sau:

(1) Tiếp tục kiện toàn và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ thông qua việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ; xây dựng kế hoạch đào tạo ngắn hạn và dài hạn; tổ chức đào tạo thường xuyên và định kỳ. Việc bồi dưỡng có thể thực hiện ngay tại đơn vị để cập nhật kịp thời những văn bản pháp luật mới, trang bị tại chỗ những kiến thức, nghiệp vụ còn thiếu hoặc yếu. Việc bồi dưỡng cũng có thể thực hiện theo hình thức “cầm tay chỉ việc” là hình thức giúp người được bồi dưỡng có ngay kỹ năng cần thiết để giải quyết công việc, đồng thời tổ chức học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương có mô hình cải tiến hay.

(2) Hàng năm đưa ra quy chế cụ thể để phân loại, đánh giá số lượng, chất lượng hoạt động công vụ của mỗi cán bộ phụ trách, là cơ sở cho việc xem xét đánh giá thi đua, khen thưởng hay kỷ luật và phục vụ cho cơ chế sát hạch cán bộ.

(3) Nâng cao năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ. Ðây là nội dung rất cơ bản và quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hiện nay. Phẩm chất trí tuệ của đội ngũ cán bộ được thể hiện ở sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc của họ về công việc họ đang thực hiện. Phẩm chất trí tuệ của người cán bộ hiện nay được thể hiện chủ yếu ở trình độ học vấn, trình độ làm chủ khoa học, kỹ thuật, ở năng lực hoạt động thực tiễn, ở trình độ và khả năng ứng xử, giao tiếp đúng đắn của người cán bộ đối với người dân. Thiếu trí tuệ, hoặc không thường xuyên nâng cao năng lực trí tuệ thì người cán bộ không thể hoàn

thành được nhiệm vụ của mình. Hiện nay, nâng cao năng lực trí tuệ cho đội ngũ cán bộ là phải nâng cao toàn diện, đồng bộ, căn bản tất cả các yếu tố tạo nên phẩm chất trí tuệ nói trên, nhưng trước hết cần tập trung bồi dưỡng, nâng cao cho họ các nội dung cốt lõi của năng lực trí tuệ ở người cán bộ, đó là: Tính nhạy bén nắm chắc tình hình; khả năng tư duy nhanh và khoa học; phân tích đúng và kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; nhanh chóng đề ra các giải pháp tối ưu, giải quyết có chất lượng và hiệu quả mọi vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. Thước đo cơ bản và chủ yếu về nâng cao chất lượng trí tuệ của đội ngũ cán bộ là phải căn cứ vào chất lượng và hiệu quả hoàn thành công việc của người cán bộ được giao. Do vậy hiện nay, cần chú trọng nâng cao hơn nữa cho đội ngũ cán bộ về kiến thức kinh tế thị trường, kiến thức về quản lý kinh tế và tổ chức sản xuất kinh doanh.

(4) Ðồng thời cùng với việc nâng cao năng lực trí tuệ, cần nâng cao năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ. Bởi vì chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn một cách tích cực, sáng tạo mới có cơ sở, điều kiện để hình thành, phát triển phẩm chất nhân cách, đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và năng lực trí tuệ của người cán bộ.

(5) Do đó về ngắn hạn cần huấn luyện cho cán bộ các lớp về kỹ năng nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp, bên cạnh đó cần tuyển chọn cán bộ có năng lực và tâm huyết đưa đi đào tạo dài hạn.

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dân giao dịch tại bộ phận một cửa thành phố biên hòa luận văn thạc sĩ (Trang 80 - 81)