Đối với người lao động, thời gian làm việc luôn là yếu tố cản trở họ trong quá trình làm việc, yếu tố này càng chi phối lớn hơn tới những lao động trong ngành y tế. Đặc thù công việc chăm sóc người bệnh, môi trường công tác, nguy cơ bị lây nhiễm… tạo áp lực lớn cho ĐD. Thống kê của chúng tôi chỉ ra rằng, có 96,7% đối tượng cho rằng khối lượng công việc hợp lý là rất quan trọng và quan trọng. Khi hỏi về thực tế đa số họ đều đánh giá khối lượng công việc của mình ở mức độ trung bình (48,3%; Bảng 3.11). Những khó khăn về chuyên môn liên quan đến trình độ, sự thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng của đối tượng, tuy nhiên cũng có yếu tố khách quan mang lại như tình trạng thiếu trang thiết bị cơ sở vật chất, người bệnh
khám vượt tuyến nhiều … cũng phần nào cản trở sự phát triển nghề nghiệp của điều dưỡng. Nghiên cứu của Lê Hoàng Yến tại Bệnh viện mắt Trung ương cũng cho thấy thời gian cho công việc nhiều cũng có thể hạn chế việc học tập nâng cao trình độ của điều dưỡng và cũng do quá tải công việc nên tỷ lệ điều dưỡng hài lòng với công việc không cao [25]. Khi được hỏi thời gian làm việc linh hoạt thì đa số điều dưỡng đều cho rằng quan trọng (59,1%; Bảng 3.11) và thực tế thì họ đều đánh giá thời gian làm việc của mình ở mức trung bình (73,5%; Bảng 3.12). Với điều dưỡng ngoài thời gian làm việc 8h/ngày họ còn phải trực đêm và ngày nghỉ cuối tuần, kể cả những ngày lễ, tết. Đặc biệt với ĐD là nữ, bên cạnh thời gian làm việc tại bệnh viện chiếm phần lớn trong quỹ thời gian họ còn phải dành thời gian cho chăm sóc gia đình. Các đối tượng trong nghiên cứu của chúng tôi phần lớn là nữ giới (83,6%; Bảng 3.1) điều này lý giải vì sao các đối tượng nghiên cứu cho rằng thời gian làm việc linh hoạt rất quan trọng và ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của điều dưỡng.