Có nhiều yếu tố bên trong doanh nghiệp tác động tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang sử dụng các chỉ tiêu thuộc 5 nhóm yếu tố bên trong doanh nghiệp trong việc xác định năng lực cạnh tranh gồm: năng lực quản lý (triết lý kinh doanh, sự tin tưởng vào quản lý nghiệp vụ, sự hiện diện chuỗi giá trị), chất lượng nhân lực (mở rộng đào tạo nhân viên), năng lực marketing (định hướng khách hàng, đổi mới mẫu mã, tăng cường tiếp thị, mở rộng thị trường quốc tế, kiểm soát hoạt động phân phối ở nước ngoài, mở rộng mạng lưới bán lẻ), khả năng đổi mới, năng lực nghiên cứu và phát triển (chỉ tiêu cho nghiên cứu và phát triển).
Theo cách tiếp cận truyền thống, các yếu tố bên trong của doanh nghiệp ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh gồm: năng lực tổ chức quản lý của doanh nghiệp, trình độ công nghệ, năng lực tài chính, trình độ tay nghề của người lao động… Có thể phân bổ thành 4 nhóm yếu tố bên trong tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp như sau:
- Trình độ, năng lực và phương thức quản lý - Năng lực marketing
- Khả năng nghiên cứu phát triển - Năng lực sản xuất
Dưới đây là một số yếu tố chủ yếu tác động tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp:
a. Trình độ và năng lực tổ chức, quản lý doanh nghiệp
Năng lực tổ chức, quản lý doanh nghiệp được coi là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nói chung cũng như năng lực cạnh tranh doanh nghiệp nói riêng. Trình độ tổ chức, quản lý doanh nghiệp được thể hiện ở các mặt sau:
- Trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý: Trình độ của đội ngũ này không chỉ đơn thuần là trình độ học vấn mà còn thể hiện những kiến thức rộng lớn và phức tạp
thuộc rất nhiều lĩnh vực liên quan tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ pháp luật trong nước và quốc tế, thị trường, ngành hàng, … đến kiến thức về xã hội, nhân văn.
- Trình độ tổ chức, quản lý doanh nghiệp: thể hiện ở việc sắp xếp, bố trí cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận. Việc hình thành tổ chức bộ máy quản lý doanh nghiệp theo hướng tinh, gọn, nhẹ và hiệu quả cao có ý nghĩa quan trọng không chỉ bảo đảm hiệu quả quản lý cao, ra quyết định nhanh chóng, chính xác, mà còn làm giảm tương đối chi phí quản lý của doanh nghiệp. Nhờ đó mà nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Trình độ, năng lực quản lý của doanh nghiệp còn thể hiện trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh, lập kế hoạch, điều hành tác nghiệp… Điều này có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn và do đó có tác động mạnh tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
b. Trình độ thiết bị, công nghệ
Thiết bị, công nghệ sản xuất là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Công nghệ phù hợp cho phép rút ngắn thời gian sản xuất, giảm mức tiêu hao năng lượng, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra lợi thế cạnh tranh đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Công nghệ còn tác động đến tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, nâng cao trình độ cơ khí hóa, tự động hóa của doanh nghiệp.
c. Trình độ lao động trong doanh nghiệp
Trong doanh nghiệp, lao động vừa là yếu tố đầu vào vừa là lực lượng trực tiếp sử dụng phương tiện, thiết bị để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Lao động còn là lực lượng tham gia tích cực vào quá trình cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quá trình sản xuất và thậm chí góp sức vào những phát kiến và sáng chế… Do vậy, trình độ của lực lượng lao động tác động rất lớn đến chất lượng và độ tinh xảo của sản phẩm, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chi phí của doanh nghiệp. Đây là một yếu tố tác động trực tiếp tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để nâng cao sức cạnh tranh, doanh nghiệp cần chú trọng bảo đảm cả chất lượng và số lượng lao động, nâng cao
tay nghề của người lao động dưới nhiều hình thức, đầu tư kinh phí thỏa đáng, khuyến khích người lao động tham gia vào quá trình quản lý, sáng chế, cải tiến…
d. Năng lực tài chính của doanh nghiệp
Năng lực tài chính của doanh nghiệp được thể hiện ở quy mô vốn, khả năng huy động và sử dụng vốn có hiệu quả, năng lực quản lý tài chính… trong doanh nghiệp. Trước hết, năng lực tài chính gắn với vốn – là một yếu tố sản xuất cơ bản và là một đầu vào của doanh nghiệp. Do đó, sử dụng vốn có hiệu quả, quay vòng vốn nhanh… có ý nghĩa rất lớn trong việc làm giảm chi phí vốn, giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, vốn còn là tiền đề đối với các yếu tố sản xuất khác.
Việc huy động vốn kịp thời nhằm đáp ứng vật tư, nguyên liệu, thuê nhân công, mua sắm thiết bị, công nghệ, tổ chức hệ thống bán lẻ… Như vậy, năng lực tài chính phản ánh sức mạnh kinh tế của doanh nghiệp, là yêu cầu đầu tiên, bắt buộc phải có nếu muốn doanh nghiệp thành công trong kinh doanh và nâng cao năng lục cạnh tranh.
Để nâng cao năng lực tài chính, doanh nghiệp phải củng cố và phát triển nguồn vốn, tăng vốn tự có, mở rộng vốn vay dưới nhiều hình thức. Đồng thời, điều quan trọng là doanh nghiệp phải sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, hoạt động kinh doanh có hiệu quả để tạo uy tín đối với khách hàng, với ngân hàng và những người cho vay vốn.
e. Năng lực marketing của doanh nghiệp và khả năng xác định lượng cầu
Năng lực marketing của doanh nghiệp là khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường, khả năng thực hiện chiến lược 4P (Product, Place, Price, Promotion) trong hoạt động marketing. Khả năng marketing tác động trực tiếp tới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần làm tăng doanh thu, tăng thị phần tiêu thụ sản phẩm, nâng cao vị thế của doanh nghiệp. Đây là nhóm nhân tố rất quan trọng tác động tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Vì vậy, điều tra cầu thị trường và dựa trên khả năng sẵn có của doanh nghiệp để lựa chọn lĩnh vực kinh doanh phù hợp, tạo ra sản phẩm có thương hiệu được người sử dụng chấp nhận.
Trong điều kiện kinh tế hàng hóa phát triển, văn minh tiêu dùng ngày càng cao, thì người tiêu dùng càng hướng tới tiêu dùng những hàng hóa có thương hiệu uy tín. Vì vậy, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một tất yếu đối với những doanh nghiệp muốn tồn tại trên thị trường.
Mặt khác, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều khâu như tiêu thụ, khuyến mãi, nghiên cứu thị trường… do đó dịch vụ bán hàng và sau bán hàng đóng vai trò quan trọng đến doanh số tiêu thụ - vấn đề sống còn của mỗi doanh nghiệp.
f. Năng lực nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp
Năng lực nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp là yếu tố tổng hợp gồm nhiều yếu tố cấu thành như nhân lực nghiên cứu, thiết bị, tài chính cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), khả năng đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp. Năng lực nghiên cứu và phát triển có vai trò quan trọng trong cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, nâng cao năng suất, hợp lý hóa sản xuất.
g. Yếu tố liên quan đến mức độ cạnh tranh lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, vị thế của doanhnghiệp so với các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh
Vị thế của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp cùng loại khẳng định mức độ cạnh tranh của nó trên thị trường. Doanh nghiệp nào lựa chọn lĩnh vực có mức độ cạnh tranh càng thấp thì càng thuận lợi, vì vậy, hiểu biết thị trường để quyết định kinh doanh ở lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp là yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công và mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ có tác dụng thúc đẩy doanh nghiệp nhiều hơn là môi trường độc quyền.
Vị thế của doanh nghiệp được thể hiện qua thị phần sản phẩm so với sản phẩm cùng loại, uy tín thương hiệu sản phẩm đối với người tiêu dùng, sự hoàn hảo của các dịch vụ và được đo bằng thị phần của các sản phẩm dịch vụ đó trên thị trường.
Ngoài ra, một số yếu tố khác nhau như lợi thế về vị trí địa lý, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp… có ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.