B. PHẦN NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.2.1. Hoạt động sản xuất nông nghiệp
Tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương nằm trong các vấn đề chung nền nông nghiệp nông thôn Việt Nam hiện nay là về cơ bản vẫn mang nặng đặc tính của một nền sản xuất nhỏ, lạc hậu: Năng suất bình quân thấp; không gian nuôi trồng tính theo đầu người thấp; tỷ trọng lao động nông nghiệp quá cao; nông sản chưa thoả mãn nhu cầu của thị trường về cả chủng loại và chất lượng.
1) Xu thế phát triển sản xuất nông nghiệp:
Ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam phải phát triển phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp trên thế giới, được nêu tại hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thuỵ sĩ ngày 31/01/2011 với chương trình hành động có tên “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp”:
- Nông sản trở thành ngành kinh doanh có lời, thu hút ngày càng nhiều nguồn lực đầu tư lớn.
- Người nông dân phải được hưởng lợi nhiều nhất từ nông nghiệp
- Nền nông nghiệp với tầm nhìn của toàn thế giới trong mỗi thập kỷ tới đây tăng sản xuất lên 20% trong khi giảm mức thải carbon bớt 20%, giảm tỷ lệ người nghèo sống ở nông thôn 20%. Trong 10 năm tới, giá lương thực toàn cầu rất có thể
tăng tiếp. 40-50 năm nữa loài người cần gấp đôi sản lượng lương thực hiện nay, trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến ngày càng phức tạp.
- Sản xuất nông nghiệp nằm trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh và ra thị trường. Muốn phát triển nông nghiệp phải phát triển đồng bộ từ chính sách đúng, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, kết cấu thị trường hợp lý, trên cơ sở đó các giải pháp kỹ thuật và quản lý phù hợp.
Xu thế phát triển này cũng là cơ hội và thách thức cho nông nghiệp Việt Nam:
- Do nông nghiệp đã trở thành lĩnh vực đầu tư có hiệu quả, nên Việt Nam có cơ hội thu hút một nguồn vốn lớn từ các tập đoàn đa quốc gia vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đem lại cơ hội to lớn cho nông dân Việt Nam tiếp thu khoa học công nghệ và kỹ năng quản lý mới.
- Thách thức là nông nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị tốt về nội lực để tận dụng cơ hội trên, chủ động tham gia vào liên kết kinh tế toàn cầu, số đông các bộ phận nông dân sản xuất nhỏ phải được tổ chức lại trong các hợp tác xã, các doanh nghiệp, nhanh chóng thay đổi về công nghệ, quản lý và tổ chức lại thành các hiệp hội đủ mạnh, làm tốt công tác quy hoạch, cung cấp dịch vụ công và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
2) Mục tiêu, giải pháp:
Mục tiêu chiến lược của nước ta hiện nay là xoá bỏ nền sản xuất tiểu nông, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, liên kết toàn cầu. Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tại khu vực nông thôn phải giải quyết đồng thời nhiều vấn đề đan xen lẫn nhau, vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của nhau.
- Xác định lợi thế của từng địa phương để xác định mô hình sản xuất các loại hàng hoá phù hợp, trồng lúa, trồng hoa, trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn, chăn nuôi thuỷ sản... với quy mô lớn, chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
- Đa chức năng các hoạt động sản xuất, vừa sản xuất nông phẩm hàng hoá vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái, sản xuất công nghiệp...
- Tăng quy mô các hộ sản xuất, thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp... có khả năng tiếp cận hiệu quả dịch vụ sản xuất, tín dụng và khoa học công nghệ.
- Thu hút các doanh nghiệp, tổ chức thu gom và bảo quản, đóng gói sản phẩm và tiêu hao sản phẩm hình thành chuỗi giá trị từ quản lý, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đào tạo nghề cho người lao động, tạo điều kiện cho việc chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp.
3) Vấn đề tích tụ ruộng đất tại khu vực nông thôn:
a) Tích tụ ruộng đất là yêu cầu tất yếu: Đó là quy luật tất yếu trong quá trình chuyển từ nền sản xuất tiểu nông sang nền sản xuất hàng hóa. Việc tích tụ ruộng đất phụ thuộc vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và sự thay đổi các tổ chức sản xuất nông nghiệp.
b) Tịch tụ ruộng đất tại Việt Nam: có 2 dạng chính
- Tích tụ ruộng đất để quy mô canh tác của một lao động nông nghiệp tăng lên, qua quá trình dồn điền, đổi thửa, mua lại đất còn gọi là “liền vùng, liền trà, một chủ”. Đây là dạng tích tụ ruộng đất đơn giản, diễn ra chủ yếu hiện nay. Dồn điền đổi thửa thực hiện với mong muốn khắc phục tình trạng manh mún về quy mô các thửa đất, tạo điều kiện cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp.
- Tích tụ ruộng đất để diện tích canh tác của một tổ chức sản xuất nông nghiệp tăng lên, còn gọi là “liền vùng, liền trà, nhiều chủ”. Đây là mô hình hiện đang được áp dụng rộng rãi tại Đài Loan, Nhật và được chú ý vì lợi ích của nó. Trong dạng này người nông dân không bị mất đất, mà vẫn có thể tăng quy mô sản xuất, có điều kiện áp dụng kỹ thuật sản xuất mới…
Việc tích tụ ruộng đất chỉ có thể xảy ra trên cơ sở tự nhận thức của chính bản thân người nông dân và dưới tác động của các hình mẫu có hiệu quả của các tổ chức sản xuất hàng hóa có quy mô lớn.