Quản lý dòng vốn FPI

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 46 - 51)

6. Kết cấu của luận án

2.1.3. Quản lý dòng vốn FPI

2.1.3.1. Chính sách, biện pháp quản lý FPI

- Thực hiện các công cụ quản lý, ngăn ngừa rủi ro liên quan đến FPI

+ Chính sách tiền tệ

Các chính sách tiền tệ và tỷ giá như điều hành lãi suất, quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc không lãi suất đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết và quản lý dòng vốn FPI. Dòng tiền có xu hướng chảy vào các quốc gia có mức lãi suất cao bởi sự chênh lệch giữa các mức lãi suất trên thị trường quốc tế. Sự chênh lệch về lãi suất thực sự sẽ làm thay đổi kỳ vọng lợi nhuận của các nhà đầu tư giữa các quốc gia. Tuy nhiên, khi thực hiện chính sách tiền tệ, cần thống nhất và có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tỷ giá, đảm bảo cân bằng lợi tức giữa việc nắm giữ ngoại tệ và nội tệ, loại bỏ hiện tượng đô la hoá nền kinh tế cũng như loại bỏ các cơ hội đầu cơ tỷ giá. Để hỗ trợ chính sách tiền tệ, cần phát triển thị trường tiền tệ, tạo điều kiện cho ngân hàng trung ương điều hoà thị trường nội tệ và ngoại tệ một cách thông suốt, đa dạng hoá các sản phẩm trên thị trường tiền tệ để đảm bảo thị trường này có đầy đủ công cụ và nghiệp vụ cần thiết để điều hành các vấn đề tỷ giá và lãi suất.

+ Chính sách tỷ giá: Chính sách tỷ giá trước hết là phải linh hoạt và neo giá vào các đồng tiền mạnh nhằm thu hút dòng vốn FPI. Sự thay đổi đột ngột của tỷ giá sẽ tác động đến lợi nhuận của các nhà đầu tư quốc tế thông qua cơ chế quy đổi tỷ giá với tiền tệ của đất nước họ. Trong trường hợp rủi ro chuyển đổi tiền tệ cao, các nhà đầu tư quốc tế sẽ yêu cầu tỷ lệ lợi nhuận đầu tư cao để tương xứng với các rủi ro đó. Nếu độ giao động của tỷ giá lớn hoặc sự biến động bất ngờ của đồng nội tệ sẽ tạo rào cản lớn cho dòng vốn FPI, làm tăng nguy cơ cầu cơ vốn chứ không phục vụ các mục

đích đầu tư vì sự phát triển bền vững. Một cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt sẽ có tác dụng kích thích dòng vốn FPI đổ vào các nền kinh tế tiếp nhận.

Trong chính sách tỷ giá, cũng cần chú ý đến cơ chế tỷ giá đa phương, nghĩa là gắn đồng nội tệ vào một số đồng tiền mạnh của các nước có quan hệ thương mại và đầu tư lớn nhằm chủ động hơn trong kiểm soát cung tiền của ngân hàng trung ương. Nếu một quốc gia áp dụng tỷ giá điều chỉnh, thì quốc gia đó phải đảm bảo biên độ dao động tỷ giá đủ lớn, hạn chế sự can thiệp của ngân hàng trung ương và phù hợp với dòng lưu chyển vốn quốc tế. Khi dòng vốn FPI đổ vào quá nhiều trong trường hợp biên độ điều chỉnh tỷ giá được nới rộng, dễ dẫn tới tình trạng tỷ giá danh nghĩa tăng và đồng nội tệ tăng gia, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hoá và có nguy cơ làm tăng thâm hụt thương mại. Ngoài ra, cũng có một số biện pháp khác như định giá thấp đồng nội tệ, phá giá đồng nội tệ để kích thích tăng trưởng, thu hút dòng vốn vào. Tuy nhiên, cần cân nhắc các tác động của việc định giá thấp đồng nội tệ đến vấn đề lạm phát. Trong vấn đề điều hành tỷ giá, cần chú ý đến lý thuyết bộ ba bất khả thi, có nghĩa là không thể thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: độc lập về chính sách tiền tệ, duy trì chính sách tỷ giá cố định, tự do hoá giao dịch vốn. Có nghĩa là không thể theo đuổi mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát đồng thời với mục tiêu ổn định tỷ giá trong bối cảnh tự do hoá các giao dịch vốn.

+ Chính sách dự trữ ngoại hối: dự trữ ngoại hối của một quốc gia liên quan đến khả năng phòng vệ tài chính của nền kinh tế, nâng cao khả năng can thiệp vào thị trường khi cần thiết. Các chính sách can thiệp vào dự trữ ngoại hối là khống chế và hạn chế tối đa việc sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ nước tiếp nhận đầu tư, loại bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm công cụ thanh toán, công cụ tiết kiệm, đảm bảo tỷ lệ dự trữ ngoại hối ở mức độ an toàn nhằm phòng vệ những rủi ro tài chính khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn đột ngột khỏi thị trường gây ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường vốn và chứng khoán.

+ Chính sách thuế: các biện pháp về thuế có tác dụng kích thích hoặc hạn chế dòng vốn FPI. Có nhiều loại thuế được áp dụng với dòng vốn FPI như thuế thu nhập cổ tức, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán, đánh thuế một hoặc

nhiều lần đối với các giao dịch đầu tư, áp đặt mức khấu trừ thuế đối với các khoản thu nhập lãi của người không cư trú khi nắm giữa trái phiếu kho bạc, hoặc miễn thuế thu nhập… Mỗi quốc gia áp dụng một loại thuế khác nhau và mức thuế khác nhau nhằm điều tiết dòng vốn FPI. Các loại thuế thường được sử dụng liên quan đến dòng vốn FPI gồm thuế giá trị gia tăng liên quan đến giao dịch và chuyển nhượng chứng khoán, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, các loại thuế suất, thuế thu nhập từ lợi tức…

- Thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát dòng vốn FPI

Kiểm tra, giám sát dòng vốn FPI nhằm giảm thiểu rủi ro mang lại từ dòng vốn có thể dảo chiều gây ra khủng hoảng và bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài. Các biện pháp cụ thể bao gồm:

+ Áp dụng cơ chế quản lý, giám sát các định chế trung gian dựa trên rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Áp dụng đầy đủ các nguyên tắc giám sát của Hiệp ước hoà vốn BASEL 2 và 3. Hiệp ước BASEL 2 ra đời năm 2004, có hiệu lực 5 năm (đến hết năm 2009). Mục tiêu chính của BASEL 2 là nâng cao chất lượng và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng quốc tế, đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng quốc tế, quản lý rủi ro theo các nguyên tắc nghiêm ngặt. Hệ thống BASEL 2 dựa trên 3 trụ cột: 1) duy trì tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu là 8%; trọng số rủi ro bao gồm nhiều mức (từ 0%-150% hoặc hơn); 2) cung cấp công cụ hoạch định chính sách và giải pháp cho các rủi ro chiến lược như rủi ro hệ thống, rủi ro thanh khoản; 3) các ngân hàng cần công khai thác thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ của vốn, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành… theo nguyên tắc thị trường1.

Theo hệ thống BASEL 3 tiếp tục có những thay đổi so với BASEL 2, đưa ra nhiề đề xuất mới về vốn, đòn bẩy và các tiêu chuẩn về tính thanh khoản để củng cố các quy định, giám sát và quản lý rủi ro của ngân hàng. Các tiêu chuẩn vốn yêu cầu các ngân hàng phải giữ vốn nhiều hơn và chất lượng cao hơn so với quy định của BASEL 2. Yêu cầu về vốn tối thiểu cũng cao hơn, cụ thể là: nâng tỷ lệ vốn chủ sở

1 M.Chi (2018), Chuẩn mực Basel II và tiến trình xây dựng một ngành ngân hàng Việt Nam lành mạnh, Báo dân trí, ngày 27/11/2018.

hữu tối thiểu từ 2% lên 4,5; nâng tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu từ 4% lên 6%; bổ sung phần vốn đệm dự phòng tài chính đảm bảo bằng vốn chủ sở hữu 2,5%. Các tiêu chuẩn của BASEL 3 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2013, thực hiện 5 năm đến hết năm 2018.

+ Áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế; các hệ thống quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm soát nội bộ theo thông lệ quốc tế.

+ Áp dụng các hình thức kiểm soát vốn khác nhua như: các cơ chế và giám sát thận trọng, các biện pháp hành chính, các quy định về mức dự trữ bắt buộc không lãi suất đối với dòng vốn vào, đánh thuế các giao dịch…

+ Áp dụng hệ thống thông tin để cảnh báo sớm các nguy cơ khủng hoảng từ dòng vốn FPI, đặc biệt là các thông tin liên quan đến tài khoản vãng lai, tỷ giá hối đoái thực, tài khoản vốn, nợ nước ngoài, lãi suất, tỷ giá hối đoái, thâm hụt ngân sách, lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP, biến động trên thị trường chứng khoán…

- Quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài cho các ngành, lĩnh vực nước ngoài được phép đầu tư: việc quy định tỷ lệ vốn FPI trong một số ngành/lĩnh vực sẽ giúp một quốc gia chủ động thu hút hoặc hạn chế đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Việc này cũng tạo điều kiện cho việc thiết lập hệ thống nguyên tắc rõ ràng giữa vốn FDI và FPI, tránh sự chồng chéo trong đầu tư, cân đối hài hoà giữa các hình thức đầu tư.

2.1.3.2. Tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý FPI

Đánh giá hiệu quả thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài không hề dễ dàng định lượng bởi không có phương pháp đo lường thống nhất và theo một chuẩn mực nhất định về chất lượng quản lý. Tuy nhiên, có thể đánh giá chất lượng quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua các tiêu chí hiệu lực, hiệu quả, phù hợp, công bằng và bền vững do Ngân hàng phát triển châu Á đề ra như sau [40]:

- Tiêu chí hiệu lực: Hiệu lực quản lý nhà nước được đánh giá bởi các tiêu chí: 1) mức độ các nhà đầu tư tuân thủ các quy định pháp luật của nước chủ nhà. Các quy định pháp luật của nước chủ nhà liên quan đến đầu tư gián tiếp nước ngoài bao gồm:

tỷ lệ các ngành, các lĩnh vực nước ngoài được phép đầu tư, tỷ lệ quy định sở hữu vốn điều lệ, các quy định về chuyển quyền sở hữu cổ phiếu, các quy định về tỷ lệ góp vốn cổ phần doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, các quy định về hình thức và lĩnh vực đầu tư, các quy định về thành lập công ty quản lý quỹ đầu tư, các yêu cầu về mua, bán chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, việc góp vốn cổ phần bằng ngoại hối, các quy chế hoạt động của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, các quy định về mua bán, trao đổi ngoại tệ, chuyển tiền về nước, mở hoặc đóng tài khoản giao dịch, hoặc các quy định về tham gia đấu giá cổ phần doanh nghiệp, hoặc nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua bán cổ phần cổ phiếu trên thị trường tự do. 2) mức độ thực hiện quyền lực của nhà nước, bao gồm mức độ ban hành pháp luật đầy đủ, đồng bộ, kịp thời để tạo điều kiện pháp lý cho đầu tư gián tiếp nước ngoài; mức độ điều tiết, can thiệp của nhà nước vào thị trường chứng khoán, mức độ thanh kiểm tra và giám sát các hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài.

- Tiêu chí hiệu quả: là tiêu chí phản ánh trình độ khai thác các yếu tố đầu vào để tạo ra các hoạt động tối đa với chi phí tối thiểu, hoặc là chỉ tiêu phản ánh năng suất hoạt động, hiệu suất sử dụng các chi phí đầu vào. Hiệu quả quản lý vốn đầu tư gián tiếp được đánh giá bằng mức độ đạt được nội dung quản lý nhà nước so với mục tiêu quản lý đề ra. Hiệu quả quản lý này được đánh giá bằng hệ thống BASEL 2 và 3, đồng thời qua các tiêu chí về: 1) Độ mở đối với các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài: yêu cầu về năng lực của nhà đầu tư; mức độ hạn chế tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài; mức độ room của nhà đầu tư nước ngoài; mức độ bình đẳng đối với các nhà đầu tư nước ngoài; 2) Các điều kiện thu hút đầu tư: mức độ hạn chế dòng vốn gián tiếp; mức độ tự do hoá thị trường ngoại hối; 3) Tính hiệu quả hệ thống quản lý: khả năng tiếp cận thị trường (đăng ký đầu tư, lập tài khoản đầu tư); tổ chức thị trường (điều tiết thị trường, mức độ cạnh tranh, khả năng tiếp cận thông tin); cơ sở hạ tầng giành cho nhà đầu tư (tính rõ ràng và khả năng thanh toán, đăng ký tài khoản và ký quỹ, khả năng chuyển nhượng cổ phần cổ piếu, cho vay chứng khoán, mua bán chứng khoán, các hình thức giao dịch…); 4) Tính ổn định của hệ thống thể chế: năng lực cạnh tranh toàn cầu, chủ số tham nhũng, chỉ số nới lỏng kinh doanh, chỉ số luật pháp, chỉ số tự do hoá kinh tế, chỉ số an toàn xã hội…

- Tiêu chí phù hợp: bao gồm sự phù hợp của việc thu hút vốn FPI với các mục tiêu định hướng của chính phủ, phù hợp với các nguyên tắc quy định về luật pháp, chính sách đối với dòng vốn FPI, phù hợp giữa mục tiêu thu hút FPI với các mục tiêu phát triển thị trường vốn, chứng khoán và điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lạm phát, phù hợp về nội dung, phương pháp điều hành, phương thức và hình thức kiểm tra, giám sát dòng vốn FPI.

- Tiêu chí công bằng: thu hút và quản lý FPI đòi hỏi phải có sự cân đối giữa quyền và nghĩa cụ của các nhà đầu tư và các bên tiếp nhận đầu tư. Mọi hoạt động thu hút đầu tư phải đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư với nhau và công bằng giữ lợi ích chung của nền kinh tế với các lợi ích thu được từ FPI.

- Tiêu chí bền vững: quản lý vốn FPI được biểu hiện thông qua sự ổn định về định hướng, pháp lý và đảm bảo hài hoà lợi ích của bên đầu tư và bên tiếp nhận đầu tư.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 46 - 51)