Bài học cho Việt Nam

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 68 - 74)

6. Kết cấu của luận án

2.2.3. Bài học cho Việt Nam

Thứ nhất, để thu hút FPI, các nước trên thế giới, cụ thể là Trung Quốc và Malaysia đã ban hành đầy đủ các luật lệ, chính sách và biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các khung khổ chính sách này phải được xây dựng, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển mới trong nước và quốc tế. Các chính sách, biện pháp mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là: chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển thị trường vốn và chứng khoán, luật đầu tư, luật chứng khoán, luật doanh nghiệp, phát triển thị trường vốn, các biện pháp kiểm soát vốn, chính sách lãi suất, quy định về tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành/lĩnh vực. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đặc biệt quan tâm đến sự nhất quán của các chính sách, biện pháp của nước thu hút đầu tư để họ yên tâm đầu tư ra nước ngoài. Bài học của các nước đi trước cho thấy, rất cần phải ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển một hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính minh bạch, đồng bộ, đa dạng hoá sản phẩm, cơ chế xác định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư phải mang tính chất ổn định, chính sách tỷ giá hối đoái, chính sách lãi suất phải vân hành theo đúng nguyên tắc thị trường, chương trình tư nhân hoá cổ phần hoá doanh nghiệp phải đẩy mạnh và đồng bộ để tránh các nguy cơ rủi ro, đầu tư, đào thoát vốn và giữ cho dòng vốn FPI ổn định và hiệu quả.

Thứ hai, không thu hút FPI bằng mọi giá. Mặc dù FPI có vai trò rất lớn trong nền kinh tế, nhưng đặc điểm của dòng FPI là có tính động, dễ đảo chiều và nhiều rủi ro. Thu hút FPI bằng mọi giá có khả năng làm tăng mức độ nhạy cảm và bất ổn về kinh tế. Sự dịch chuyển của dòng vốn FPI vào một quốc gia đang phát triển có thể làm gia tăng các rủi ro và tính dễ tổn thương lên nền kinh tế vĩ mô, khiến các quốc gia ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan nếu dòng vốn FPI vào nền kinh tế lớn hơn nhu cầu cần sử dụng. Khi dòng vốn vào nhiều, nếu để mặc cho đồng tiền nội tệ lên

giá, thì sẽ làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước; còn nếu can thiệp tiền tệ để giữ tỷ giá thì sẽ làm cho nền kinh tế nóng lên, gây áp lực lạm phát. Điều này đã từng xảy ra ở Trung Quốc khi dòng vốn FPI vào nhiều buộc chính phủ Trung Quốc phải phá giá tiền tệ năm 1997, là một trong những nguyên nhân gây nên áp lực buộc các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan, Indonesia phải phá giá đồng nội tệ. Khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997-1998 xảy ra trong đó cũng có một lý do quan trọng là đồng nội tệ lên giá, buộc một số nước phải phá giá đồng tiền để hàng hoá xuất khẩu có tính cạnh tranh, gây biến động trên thị trường chứng khoán, làm dòng vốn FPI rút ra khỏi nhiều nước. Khi Malaysia cố định đồng Ringit vào đồng USD, các áp lực về lạm phát đã xuất hiện. Ở Malaysia, kiểm soát dòng vốn ra bằng các chính sách tiền tệ đã có tác động làm giảm dòng vốn ra và tạo điều kiện để thực hiện chính sách tiền tệ độc lập hơn, nhưng biện pháp này không thể thực hiện trong thời gian dài mà chỉ có thể thực hiện trong thời điểm nhất định để bảo vệ nền kinh tế khỏi các cú sốc do dòng vốn FPI tháo chạy ồ ạt. Việc trung hoà chính sách tiền tệ khi dòng vốn FPI đổ vào quá lớn không phải là đơn giản đối với các quốc gia đang phát triển. Khi có những thông tin xấu từ thị trường hoặc sức khoẻ của nền kinh tế, FPI có nguy cơ tháo chạy đồng loạt trên phạm vi rộng và quy mô lớn, dẫn đến sự đổ vỡ domino về tài chính, tiền tệ và kinh tế, tạo ra lạm phát cao, đồng nội tệ mất giá và các hậu quả xấu khác như cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ đã gây ra cho một số nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia năm 1997-1998. Hơn nữa, thu hút FPI bằng mọi giá có nguy cơ các doanh nghiệp nước ngoài tăng nhanh việc mua lại, sáp nhập doanh nghiệp trong nước, khống chế và lũng đoạn tài chính trong nước, chuyển hoá đầu tư gián tiếp trở thành đầu tư tiếp nếu tăng liên tục tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Kinh nghiệm Trung Quốc và Malaysia cho thấy, ở những thời điểm thích hợp, các nước này đã có những biện pháp quản lý dòng FPI chặt chẽ để hạn chế các tác động tiêu cực của dòng vốn trên đối với nền kinh tế, ví dụ Trung Quốc áp dụng Chương trình nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện (QFII) khi thu hút FPI hoặc Malaysia thực hiện các công cụ chính sách ROMS, CBOP, IIP để thu hút và quản lý vốn FPI.

Thứ ba, quản lý dòng vốn FPI là yêu cầu tất yếu của các quốc gia tiếp nhận đầu tư. Các biện pháp quản lý dòng vốn FPI rất đa dạng, từ kiểm soát vốn, giám sát đồng nội tệ và tỷ giá hối đoái, quy định chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, neo giá cố định đồng nội tệ vào đồng USD trong trường hợp xảy ra biến động hoặc khủng hoảng trên thị trường tài chính, quản lý dòng vốn vào và lượng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài, quy định hạn ngạch/điều kiện đầu tư, chính sách điều hành lãi suất, tỷ giá, các quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hoặc sử dụng các công cụ hành chính liên quan đén thủ tục, văn bản, giấy tờ cần thiết khi lưu chuyển dòng vốn FPI vào và ra khỏi nước tiếp nhận. Việc kiểm soát và quản lý dòng vốn FPI là cần thiết, yêu cầu phải có những biện pháp chặt chẽ, sự điều phối và phối hợp linh hoạt giữa các bộ ngành và một chính sách tiền tệ độc lập. Kinh nghiệm của Trung Quốc và Malaysia cho thấy hai nước đã làm tương đối tốt việc quản lý nguồn vốn FPI bằng các quy chế và giám sát thận trọng, các biện pháp hành chính cụ thể để kiểm soát về số lượng vốn FPI, sở hữu vốn FPI của nhà đầu tư nước ngoài và nguy cơ đảo chiều của dòng vốn có thể gây ra cho nền kinh tế.

Thứ tư, kinh nghiệm quản lý rủi ro từ dòng vốn FPI từ Trung Quốc và Malaysia cho Việt Nam nhiều bài học quý giá. Quản lý rủi ro dòng vốn FPI được các nước tập trung vào 3 nhóm công cụ, chính sách sau: (1) công cụ tiền tệ; (2) công cụ thuế; (3) các biện pháp hành chính.

Về công cụ tiền tệ, lãi suất và tỷ giá là hai công cụ quan trọng nhất để quản lý rủi ro dòng vốn FPI. Có thể thấy Trung Quốc và Malaysia là hai quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam về thị trường tài chính, môi trường đầu tư hấp dẫn, là các nước đang phát triển đang có nhu cầu lớn về vốn nước ngoài, có nguồn vốn nước ngoài đổ vào với quy mô lớn. Trung Quốc và Malaysia cũng là 2 quốc gia có tỷ lệ dự trữ ngoại tệ khá cao so với các nước trong khu vực. Trung Quốc năm 2016 tiếp tục phá giá nội tệ để kích thích tăng trưởng, linh hoạt hơn tỷ giá đồng Nhân dân tệ nhằm thu hút dòng vốn FPI vào. Dòng vốn FPI đổ vào với quy mô lớn khiến hai quốc gia này phải chịu áp lực về lạm phát, buộc phải có các biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối để tránh áp lực tăng giá nội tệ khi luồng vốn vào nhiều. Hai quốc gia này

cũng chịu thâm hụt thương mại lớn, một phần do dòng vốn vào nhiều tạo áp lực tăng giá nội tệ khiến hàng hoá nhập khẩu rẻ đi tương đối so với hàng hoá trong nước, khiến nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu. Việc quản lý tỷ giá là điều quan trọng đối với các quốc gia khi áp lực dòng vốn bên ngoài đổ vào quy mô lớn. Trong khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997-1998, bài học về quản lý tỷ giá, lạm phát và duy trì dự trữ ngoại hối đủ đảm bảo cho các rủi ro cho nền kinh tế là điều quan trọng để các nước tránh được các cú sốc từ khủng hoảng tiền tệ - tài chính gây ra.

Về công cụ thuế, thuế suất ưu đãi là một trong những công cụ hấp dẫn nhất nhằm thu hút FPI và nó cũng được sử dụng để ngăn chặn dòng vốn FPI vào nội địa khi cần thiết. Dòng vốn FPI vào các nền kinh tế quá nhiều có thể gây ra bong bóng bất động sản, tăng nguy cơ bong bóng tài sản cho nền kinh tế. Khi bong bóng bất động sản sụp đổ, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản sẽ bất ổn. Tại Trung Quốc, Malaysia và các nền kinh tế châu Á đều chứng kiến giá giá đất tăng lên liên tục kể từ năm 2000 đến năm 2008, gây nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Về công cụ hành chính, các nước áp dụng các biện pháp khác nhau để hạn chế dòng vốn FPI đổ vào ồ ạt hoặc tháo ra đột ngột gây ra những hiệu quả nghiêm trọng. Trong giai đoạn 2003-2009 Trung Quốc hạn chế các khoản đầu tư của các tổ chức đầu tư không cư trú; cấm tất cả các khoản đầu tư của người không cư trú trên thị trường tiền tệ và thị trường phái sinh để hạn chế những rủi ro bong bóng kinh tế gây ra. Năm 2016, Trung Quốc kiểm soát việc chuyển tiền ra nước ngoài, kiềm chế nguồn cung ra nước ngoài nhằm hạn chế các hoạt động bán khống hoặc mua ngoại tệ của các doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ thẻ ghi nợ UnionPay để hạn chế dòng vốn ra. Malaysia năm 1994 cấm việc bán các chứng khoán nợ ngắn hạn và một số công cụ thị trường tiền tệ cho người không cư trú. Các biện pháp này nhằm góp phần giám sát thận trọng nguồn vốn luân chuyển vào ra trong nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro do dòng vốn FPI gây ra.

Dòng vốn FPI giống như một con dao hai lưỡi, khi FPI đổ vào nhiều nó khiến các nền kinh tế bội thực và tạo áp lực lên tiền tệ, tỷ giá, thị trường chứng khoán, thị

trường bất động sản, hệ thống ngân hàng. Khi FPI tháo chạy, nó có thể khiến các nền kinh tế kiệt quệ và sụp đổ. Chính vì vậy, các biện pháp kiểm soát vốn linh hoạt và hiệu quả, thận trọng là điều cần thiết đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mà trước hết là tập trung nâng cao hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô như tiền tệ, tỷ giá, tài chính, đồng thời tiếp tục thực hiện tự do hoá dòng vốn để thu hút đầu tư nước ngoài vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Kết luận chương 2

Từ việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, có thể rút ra một số kết luận quan trọng sau:

Thứ nhất, đầu tư gián tiếp nước ngoài có những đặc điểm riêng biệt, khác với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. FPI có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng cũng có những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư do những đặc điểm riêng biệt đó. Chính vì sự khác biệt quan trọng này giữa hai dòng vốn, cần phải xác định rõ các tính chất, đặc điểm của dòng vốn FPI để có thể thu hút và quản lý dòng vốn này một cách hiệu quả.

Thứ hai, thu hút và quản lý vốn FPI cần huy động và thực hiện nhiều chính sách, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những chính sách phát triển thị trường vốn, thị trường tiền tệ, chứng khoán. Quản lý vốn FPI là một nhiệm vụ quan trọng của chính phủ các nước tiếp nhận nhằm hạn chế tính bất ổn định, tính dễ đảo chiều của dòng vốn, hạn chế sự thống lĩnh của dòng vốn này trong nền kinh tế có khả năng làm bóp méo hệ thống doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, tỷ giá hối đoái và chính sách tiền tệ; đồng thời phát huy các tác động tích cực của dòng vốn này.

Thứ ba, kinh nghiệm thu hút và quản lý dòng vốn FPI của Trung Quốc và Malaysia đem lại cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam những bài học quý báu. Các quốc gia này đã vận dụng hiệu quả những chính sách và biện pháp thu hút, quản lý vốn FPI, từ đó phát huy vai trò của dòng vốn này trong phát triển kinh tế. Việc học hỏi kinh nghiệm của các nước có thể là khiên cưỡng nếu chúng ta không đặt đúng hoàn cảnh thực tế phát triển nền kinh tế và thị trường vốn của đất nước mình. Tuy nhiên, những bài học từ lần vượt qua khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á (ở Malaysia), hoặc những bài học về kiểm soát vốn, kiểm soát tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, kiểm soát tỷ giá hối đoái, phân bổ vốn trong các ngành nghề… của Malaysia và Trung Quốc rất đáng để Việt Nam học hỏi trong thu hút và quản lý vốn FPI trong giai đoạn tới.

CHƯƠNG 3

THỰC TRẠNG THU HÚT VÀ QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ GIÁN TIẾP NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 2007 ĐẾN 2020

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 68 - 74)