Bối cảnh kinh tế trong nước

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 154 - 160)

6. Kết cấu của luận án

4.1.2. Bối cảnh kinh tế trong nước

Theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030), nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 thực hiện ba đột phá chiến lược, gồm: đột phá về thể chế, đột phá nguồn nhân lực, đột phá về hạ tầng. Việt Nam kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm. Trong đó, GDP/người thực tế giai đoạn này đạt 4.700 - 5.000 USD (năm 2020, GDP/người là 3.521 USD). Đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, GDP/người giá thực tế đạt khoảng 7.500 USD; mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao [35].

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) được thực hiện theo Nghị quyết số 16/2021/QH15, mục tiêu tổng quát là đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Kế hoạch đề ra mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5-7,0%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng khoảng 45%, bộ chi NSNN khoảng 3,7% GDP, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm… Về các chỉ tiêu kinh tế, Kế hoạch 5 năm (2021-2025) nhấn mạnh đến đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước, đến năm 2025 hoàn tất việc sắp xếp lại khối DNNN, xử lý yếu kém và thất thoát của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chi phí logistics, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, tỷ lệ nội địa hoá.

Dựa trên Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm của Việt Nam đến năm 2025, 2030, có thể đánh giá triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới như sau:

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục đạt được mức tăng trưởng kinh tế nhanh, nâng cao vị thế và vai trò của mình trong khu vực và trên thế giới.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2010- 2020 vẫn duy trì ở mức cao 6,36%, năm 2020 do tác động của dịch Covid -19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt dương 2,91% và vẫn lọt vào top các nước có nền kinh tế phát triển cao nhất thế giới. Quy mô nền kinh tế nước ta đạt hơn 343 tỷ USD (theo quy mô GDP năm 2020 được đánh giá lại), vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD); đưa Việt Nam trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ 4 [59] trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia (1.088,8 tỷ USD), Thái Lan (509,2 tỷ USD) và Philippines (367,4 tỷ USD) [93]. GDP bình quân đầu người giai đoạn 2011- 2020 tăng lên nhanh chóng từ 1.300 USD năm 2011 lên 3.521 USD năm 2020. Theo đánh giá của IMF, cuối năm 2020, tính nếu phương pháp ngang bằng sức mua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1.050 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 10.000 USD. Đây thực sự là minh chứng cho thấy Việt Nam thành công trên con đường đổi mới. Mặc dù dịch bệnh, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, duy trì tăng trưởng dương, xuất siêu hàng hoá giai đoạn 2016- 2020 liên tục tăng lần lượt là: 1,6 tỷ USD, 1,9 tỷ USD, 6,5 tỷ USD, 10,9 tỷ USD và 19,1 tỷ USD [93]. Việc ký các hiệp định thương mại tự do đã cho thấy độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao và mang lại tín hiệu tích cực cho phát triển kinh tế trong nước, phản ánh năng lực sản xuất trong nước, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh được tạo thuận lợi và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa thực sự ổn định và bền vững. Nếu so với các nước phát triển đã thực hiện công nghiệp hoá thành công, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chưa đạt yêu cầu của quá trình CNH, HĐH đất nước. Hàn Quốc tăng trưởng kinh tế bình quân 9,5%/năm (35 năm giai đoạn 1963-1997); Malaysia tăng trưởng bình quân 6,91%/năm (40 năm giai đoạn

1961- 2000); Trung Quốc tăng bình quân 9,87%/năm (34 năm giai đoạn 1983-2016); Thái Lan tăng 7,67%/năm (36 năm giai đoạn 1961-1996); Singapore tăng 7,83%/năm (40 năm giai đoạn 1961-2011); Hongkong tăng 7,65%/năm (36 năm giai đoạn 1962- 1997); Việt Nam tăng 6,75%/năm (38 năm giai đoạn 1991- 2018). Điều này cho thấy sự khó khăn yếu kém bên trong nền kinh tế, rủi ro và chất lượng tăng trưởng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Thứ hai, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Trong những năm gần đây, chính phủ ban hành nhiều chiến lược và chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kiên quyết loại bỏ những rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường sự ổn định và minh bạch hoá, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ doanh nghiệp, cắt giảm chi phí và chuyển đổi các hình thức doanh nghiệp cho linh hoạt. Những chính sách, chiến lược này đang làm thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, tập trung cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, quyết liệt cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 tạo nền tảng hỗ trợ cho doanh nghiệp hồi sinh, cụ thể là tập trung vào 6 nội dung chính: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy hành chính cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số. Nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có môi trường đầu tư hấp dẫn trong khu vực châu Á trong những năm tới. Trước tác động của dịch bệnh Covid19, đầu tư trên toàn cầu giảm mạnh,nhưng thu hút đầu tư vào Việt Nam vẫn rất khả quan. Theo đánh giá của JETRO Nhật bản, môi trường đầu tư của Việt nam vẫn nằm top đầu ASEAN mặc dù đại dịch vẫn chưa được xử lý triệt để. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch đổ vốn vào Việt Nam trong 5 năm 2021-2025 cho thấy cách nhà đầu tư tin tưởng vào môi trường đầu tư ổn định và hấp dẫn của Việt Nam trong tương lai. Việc Việt Nam tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại và đầu tư khu vực và quốc tế, đặc biệt là EVFTA, đang tạo cơ hội cho Việt Nam đón làn sóng đầu tư lần thứ 4 trên thế giới gắn với cách mạng công nghệ 4.0, nâng cao vị trí của mình trong chuỗi giá trị và phân phối toàn cầu.

Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới thông qua ký kết các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP), hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập và thực thi các FTA. Tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng rộng, sâu so với giai đoạn trước, dẫn tới cơ hội mở rộng thị trường, các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường tài chính, cạnh tranh ngày càng gay gắt, nền kinh tế dễ bị biến động trước những tác động của các cú sốc. Cách mạng công nghiệp 4.0 và các FTA đang mang lại nhiều cơ hội cho Việt nam, có thể giúp GDP của Việt Nam. Nhờ tham gia EVFTA và CPTPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm lần lượt là 4,3% và 1,3% vào năm 2030. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đến năm 2030 dự kiến sẽ tăng thêm 44,4%; xuất khẩu sang các nước CPTPP đến năm 2035 tăng 14,3%. Các chuyên gia đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025. Kịch bản 1, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5-4,5%/năm. Năng suất lao động được cải thiện hơn với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,3%/năm. Với kết quả này, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Kịch bản 2, nếu Việt Nam có thể tận dụng được công nghệ trong CMCN 4.0 và thu hút đầu tư có sự cải thiện chất lượng, phát triển tốt nền tảng kinh tế hiện tại thì kỳ vọng GDP tăng trưởng có thể lên tới 7,5%/năm [60].

Thứ ba, kinh tế số có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt nam

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030 của chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 10%. 9 nhóm mục tiêu đã được xác định phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 là phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, danh tính số, thanh toán số, kỹ năng số, nhân lực số, doanh nghiệp số, môi trường số và cải thiện xếp hạng quốc gia. Đây là điều kiện quan trọng, định

hướng cho sự phát triển nhiều ngành kinh tế và nhiều nhóm thị trường trong nền kinh tế.

Tiềm năng phát triển kinh tế số đem lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ước ính của Google, Temasek và Bain &Co, đến năm 2025 giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD, chiếm khoảng 1/6 giá trị kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á trị giá 300 tỷ USD [21]. Tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đem lại cơ hội cho nhiều nhà đầu tư, công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực cho vay, thanh toán, các dịch vụ tài chính và chứng khoán.

Thứ tư, triển vọng phát triển của thị trường tài chính và thị trường chứng khoán. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011- 2020 đạt khoảng 15 triệu tỷ VND (khoảng 682 tỷ USD), tăng bình quân 10,6%/năm; trong đó vốn NSNN và trái phiếu chính phủ là 3,1 triệu tỷ VND (144 tỷ USD) chiếm 20,8%; vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước trong nước tăng từ 36% năm 2010 lên 43,3% năm 2018 và 45,7% vào năm 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới giai đoạn 2011- 2020 đạt khoảng 176 tỷ USD tăng 98,4% so với giai đoạn 2001- 2010, con số ấn tượng này chứng tỏ Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư FDI.

Năm 2020 mặc dù chịu tác động nhiều của đại dịch Covid -19, nhưng nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh sự chỉ đạo sáng suốt của Chính phủ, thị trường chứng khoán đã phục hồi và tăng trưởng mạnh trên hầu hết các khía cạnh của thị trường vào cuối năm 2020. Chỉ số VN Index đạt 1103,87 điểm, so với thời điểm thấp nhất của năm 2020 tăng tới 67%, so với năm 2019 tăng 14,9%; Chỉ số HNX Index so với thời điểm cuối quý I/2020 tăng gần 119% và tăng 98,1% so cùng kỳ năm 2019. Vốn hoá cổ phiếu thị trường đạt gần 5.294.000 tỷ VND tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương ứng 84,1%GDP năm 2020, vượt mục tiêu đặt ra. Thị trường trái phiếu có 477 mã trái phiếu niêm yết đạt gần 1.388.000 tỷ VND tương ứng 23%GDP. Thanh khoản của thị trường tăng mạnh, giá trị giao dịch bình quân đạt 7,420 tỷ VND/phiên năm 2020, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019; thanh khoản trên thị trường trái phiếu năm 2020 tiếp tục tăng mạnh đạt kỷ lục tới 10.393 tỷ VND/phiên, tăng 13% so với năm

2019. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tăng cao năm 2020 đạt 393.659 tài khoản, tăng 94% so với năm 2019; Khối ngoại mở mới 2.856 tài khoản; dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam có sự dịch chuyển tập trung thông qua các thương vụ mua cổ phần; chẳng hạn các thương vụ tiêu biểu trong năm 2019 phải kể đến là: SK Group chi 1 tỷ USD để sở hữu 6,15% cổ phần VIC; quỹ đầu tư thuộc chính phủ Singapore GIC mua gần 14 triệu cổ phần MSN; KEB Hana Bank của Hàn Quốc mua 15% cổ phần BID trị giá khoảng 882 triệu USD; Vietcombank bán liên doanh bảo hiểm VCLI cho tập đoàn FWD; Sumitomo Life mua 41 triệu cổ phần BVH trị giá 173 triệu USD. Số lượng tài khoản chứng khoán mở luỹ kế tính đến 12/2020 tại Việt Nam là hơn 2,77 triệu tài khoản. Thị trường chứng khoán phái sinh phát triển liên tục chính là vũ khí phòng vệ rủi ro hiệu quả, có vai trò ổn định tâm lý các nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 156,852 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với năm 2019. Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm năm 2020: bình quân khối lượng giao dịch đạt khoảng 9.934.364 chứng quyền/phiên, tăng 246% so với năm 2019 và giá trị giao dịch bình quân đạt 15,32 tỷ VND/phiên, tăng 114% so với năm 2019 [28]. Như vậy, TTCK tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn quan trọng với tổng mức huy động khoảng 413.700 tỷ đồng tăng 30% so với cuối năm 2019 [88].

Theo đề án cơ cấu lại TTCK Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019. Luật chứng khoán sửa đổi cuối cùng được thông qua vào kỳ họp tháng 12/2019 đã tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường; tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thị trường cận biên và ở trong danh sách theo dõi thị trường mới nổi loại 2; thời gian tới nếu được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi, thì thị trường trong nước của chúng ta sẽ có cơi hội tiếp cận được với các quỹ đầu tư với quy mô tài sản lớn phân bổ theo bộ tiêu chí FTSE. Quyết định số 34/2019/QĐ-NHNN của Ngân hàng nhà nước về Chương trình hành động của ngành ngân hàng, thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030, trong đó tái cơ cấu lại ngành ngân hàng, đưa 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản

ở khu vực châu Á, 3-5 ngân hàng thương mại niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài, đạt tỷ lệ nợ xấu đến năm 2025 là dưới 3%, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước đối với 3 ngân hàng thương mại nhà nước ở mức tối thiểu 51%, thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh… Với các mục tiêu chiến lược như trên, thị trường chứng khoán sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 154 - 160)