Chính sách quản lý FPI tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 79 - 88)

6. Kết cấu của luận án

3.1.2. Chính sách quản lý FPI tại Việt Nam

- Quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài:

Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi nhiều trong thời gian qua. Theo Quyết định số 139/1999/QĐ-TTg, các tổ chức cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành, chứng chỉ quỹ đầu tư của một quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó một tổ chức nước ngoài được nắm giữ tối đa 7% và một cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 3%; các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 40% tổng số trái phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trong đó một tổ chức nước ngoài được nắm giữ tối đa 10% và một cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 5%; tỷ lệ góp vốn của bên nước ngoài trong công ty chứng khoán liên doanh tối đa là 30%.

Quyết định 146/2003/QĐ –TTg vào năm 2003 đã thay thế quyết định số 139/1999/QĐ-TTg. Theo quyết định 146/2003/QĐ –TTg, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua, bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam được nắm giữ tối đa 30% tổng số cổ phiếu niêm yết của tổ chức phát hành; được nắm giữ không giới hạn tỷ lệ trái phiếu lưu hành trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tỷ lệ góp vốn của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài trong công ty chứng khoán liên doanh hoặc công ty quản lý quỹ liên doanh tối đa là 49% vốn điều lệ. Như vậy, tỷ lệ tham gia của

nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã được tăng lên từ 20% lên 30% đối với các công ty niêm yết và không giới hạn tỷ lệ nắm giữ trái phiếu. Điều này góp phần thu hút thêm sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục được mở rộng cánh cửa sau Luật đầu tư năm 2005. Quyết định 238/QĐ-TTg ngày 29/2/2005 của Thủ tướng chính phủ đã chính thức tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49% (trừ các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn giới hạn ở mức 30%). Tiếp theo đó, Quyết định số 55/2009/QĐ-TTG ngày 15/4/2009 của thủ tướng chính phủ đã có những quy định chi tiết hơn về tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo Quyết định số 55, các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư, các công ty đầu tư chứng khoán đều cho phép người nước ngoài được góp vốn 49% tổng số vốn cổ phần.

Trong những năm gần đây, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được hưởng room rộng hơn trong việc góp vốn sở hữu. Theo Nghị định 60/2015NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2015 đã sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP, trong đó quy định các nhà đầu tư nước ngoài không rơi vào trường hợp đặc biệt có thể sở hữu 100% cổ phần nếu điều lệ không có quy định giới hạn. Còn đối với các công ty đại chúng trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài vẫn duy trì tối đa là 49%. Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu chính phủ, vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán. Việc nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán có thể đem đến những tác động tích cực dẫn đến lực mua cổ phiếu tăng, giá cổ phiếu được cải thiện, nhưng biện pháp này cũng có thể khiến khối ngoại hoàn toàn thâu tóm doanh nghiệp trong nước hoặc đưa ra các quyết định chi phối hoạt động của doanh nghiệp nếu năng lực của doanh nghiệp trong nước không được đảm bảo.

Hình 3.1: Các quyết định nới room nước ngoài và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://govalue.vn/room-nuoc-ngoai/

Nghị định 31/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật đầu tư 2020 đã quy định rõ tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể; Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó; Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất. Theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài (đối với công ty đại chúng) là 50% và đối với công

ty chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tỷ lệ sở hữu vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài lên tới 100%.

- Quản lý ngoại hối để điều tiết lưu chuyển dòng vốn FPI

Điều tiết lưu chuyển dòng vốn FPI được thực hiện thông qua Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 do Uỷ ban thường vụ quốc hội ban hành. Đây là văn bản có tính pháp lý cao nhất trong việc quản lý và điều chỉnh các hoạt động ngoại hối tại Việt Nam. Pháp lệnh ngoại hối quy định về hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam như sau: “Vốn đầu tư bằng ngoại tệ, phải được chuyển sang đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư. Vốn đầu tư, lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được chuyển đổi thành ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng được phép”. Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 được đánh giá đã làm thay đổi quan trọng trong chính sách quản lý ngoại hối so với các nghị định trước đó, đặc biệt trong các lĩnh vực: tự do hoá tài khoản vãng lai, nới lỏng từng bước việc kiểm soát đối với các giao dịch vốn, hạn chế tình trạng đô la hoá và nâng cao tính chuyển đổi của tiền đồng Việt Nam, tạo ra cơ chế tỷ giá linh hoạt, mở cửa thị trường ngoại hối.

Pháp lệnh ngoại hối được bổ sung và điều chỉnh vào năm 2013. Theo Pháp lệnh ngoại hối 2013, nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam phải mở tài khoản đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt nam để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Vốn đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ phải được chuyển sang đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư thông qua tài khoản này. Các nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài không cư trú từ hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam được sử dụng để tái đầu tư hoặc mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài. Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định việc mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư gián tiếp và các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến đầu tư gián tiếp (Điều 12). Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 đã sửa đổi những bất cập của quy định hiện hành, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ hơn điều chỉnh hoạt động ngoại hối nói

chung, hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam nói riêng; đảm bảo phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Liên quan đến việc quản lý lưu chuyển dòng vốn FPI vào Việt Nam, chính phủ còn ban hành nhiều nghị định, quy định khác nhau nhằm hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ngoại hối và quản lý dự trữ ngoại hối. Nghị định số 50/2014/NĐ-CP được ban hành ngày 20/5/2014 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tập trung ngoại tệ vào ngân hàng nhà nước để cải thiện quy mô dự trữ ngoại hối, đồng thời giúp ngân hàng nhà nước chủ động hơn trong điều hành và đầu tư dự trữ ngoại hối. Ngân hàng nhà nước đã ban hành một loạt các thông tư hướng dẫn thực hiện pháp lệnh ngoại hối, quản lý giao dịch vãng lai, sử dụng ngoại hối trong nước, quản lý các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp ra và vào lãnh thổ Việt Nam, quản lý hoạt động dự trữ ngoại hối. Các quy định tại những văn bản này đã từng bước hoàn thiện để phù hợp với nhu cầu thực tế và yêu cầu quản lý của nhà nước, hạn chế sử dụng ngoại tệ trong nước, hạn chế những tác động tiêu cực đến chính sách tỷ giá và tiền tệ trong nước, tăng tính hấp dẫn của tiền đồng Việt Nam, chủ động kiểm soát sự vận động của dòng vốn ngoại tệ vào, ra khỏi Việt Nam.

- Chính sách thuế đối với các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài

Các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đều phải tuân thủ các chính sách thuế của Việt Nam. Theo Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, nộp thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi cá nhân và tổ chức. Thuế đối với các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài được thực hiện thông qua các văn bản sau: Đối với các nhà đầu tư tổ chức, sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008; Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 3/6/2008 và các văn bản hướng dẫn. Đối với các cá nhân tham gia đầu tư: nhà đầu tư phải chịu các nghĩa vụ nộp thuế theo Thông tư 186/2010/TT-BTC ngày 18/11/2010 hướng dẫn chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức ngước ngoài có lợi nhuận từ việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư; Luật thuế thu

nhập cá nhân số 04/2007/QH 12 ngày 21/11/2007 và các nghị định thông tư hướng dẫn kèm theo.

Đối với các hoạt động mua bán chứng khoán, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và đầu tư dài hạn, Luật thuế TNCN quy định cá nhân chuyển nhượng chứng khoán được lựa chọn 1 trong 2 cách nộp thuế: nộp 20% trên thực lãi đã được bù trừ lỗ trong năm, nếu lỗ thì không phải nộp thuế, được chuyển lỗ trong thời hạn 5 năm và được hoàn lại số thuế đã tạm khấu trừ 0,1% hoặc nộp 0,1% trên giá chuyển nhượng. Từ tháng 8/2011 đến hết năm 2012, Nghị quyết 08/2011/QH13 của Quốc hội có quy định giảm 50% thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của các nhân. Theo đó, nếu cá nhân mua bán chứng khoán đăng ký nộp thuế theo kê khai mà có lãi thì chỉ phải nộp 10% trên thực lãi, có lỗ thì không phải nộp và được chuyển lỗ sang các năm sau. Những cá nhân không đăng ký thì phải nộp 0,05% trên giá trị giao dịch mỗi lần chuyển nhượng. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, có sự nhầm lẫn rất lớn trong xác định nghĩa vụ thuế TNCN đối với việc chuyển nhượng cổ phần của các công ty không đủ tiêu chuẩn là công ty đại chúng, chưa được niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Vấn đề ở chỗ: cổ phần của các DN thuộc loại này (không thuộc công ty đại chúng) chưa phải là chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành, khi đó cổ đông là cá nhân chuyển nhượng cổ phần được xếp vào diện chuyển nhượng vốn. DN có cổ phần chuyển nhượng sẽ phải thực hiện khấu trừ thuế 20% trên phần chênh lệch giữa giá vốn và giá bán (nếu có) trước khi làm thủ tục chuyển tên đăng ký cho người mua.

Đối với các hoạt động mua cổ phần với kỳ vọng nhận cổ tức, luật thuế TNCN mới đang áp dụng mức thuế suất thấp 5% tính trên số tiền lãi cho vay thu được hoặc cổ tức nhận được theo biểu thuế suất toàn phần quy định tại điều 23 Luật thuế thu nhập cá nhân. Các nhà đầu tư được khấu trừ thuế 5% trước khi chuyển tiền trả cổ từ cho cá nhân, kể cả trường hợp uỷ thác cho công ty chứng khoán quản lý danh sách cổ đông, uỷ thác việc trả cổ tức cho cổ đông cá nhân.

Cách tính thuế áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài cá nhân và tổ chức hiện nay còn nhiều bất cập. Chẳng hạn trong cách tính thuế chuyển nhượng chứng khoán

0,1%/1 lần chuyển nhượng đang có tác dụng là giúp cơ quan thế thực hiện thu thuế ngay lập tức sau mỗi lần chuyển nhượng, nhưng lại không nhất quán với quy định của luật thuế TNCN chỉ tính thuế nếu hoạt động chứng khoán có lãi. Khi hoạt động đầu tư chứng khoán thua lỗ, khoản nộp thuế 0,1% mỗi lần chuyển nhượng là không hề nhỏ. Hơn nữa, việc đánh thuế 5% thuế trên cổ thức khiến các nhà đầu tư nước ngoài phàn nàn là thuế chồng thuế, đánh thuế hai lần và tận thu. Hơn nữa, thuế cổ tức là thuế áp dụng chủ yếu cho các doanh nghiệp niêm yết, trong khi các giao dịch tự do và trong các doanh nghiệp không niêm yết sẽ không dễ kiểm soát loại thuế này, làm chậm tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp, hạn chế các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán để trốn thuế.

- Thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát dòng vốn FPI tại Việt Nam

Kiểm tra, giám sát dòng luân chuyển vốn FPI là nhằm mục tiêu bảo vệ các nhà đầu tư, đảm bảo cho thị trường chứng khoán vận hành khách quan và hiệu quả. Tại Việt Nam, mặc dù thị trường chứng khoán bắt đầu hoạt động từ năm 2000 nhưng đến 2007 mô hình giám sát thị trường chứng khoán mới bắt đầu được quan tâm khi Uỷ ban chứng khoán nhà nước chính thức được thành lập theo Quyết định số 63/2007/QĐ-TTG ngày 10/5/2007 của thủ tướng chính phủ với chức năng chuyên trách giám sát thị trường chứng khoán. Hiện nay, mô hình giám sát thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi theo 2 cấp: Cấp 1 do các tổ chức như Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm lưu ký chứng khoán, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán… thực hiện. Cấp 2 do Uỷ ban chứng khoán nhà nước thực hiện, giám sát việc tuân thủ luật chứng khoán của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các văn bản pháp luật thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động FPI vào Việt Nam cụ thể là như sau:

- Quyết định 89/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán được chấp nhận kiểm toán cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và kinh doanh chứng khoán.

- Nghị định 36/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán như vi phạm chế độ công bố thông tin, vi phạm các quy định cấm, vi phạm quy chế giao dịch…

- Thông tư 210/2012-TT-BTC về hướng dẫn thành lập và hoạt động công ty

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 79 - 88)