Thực trạng hoạt động quản lý FPI tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 120)

6. Kết cấu của luận án

3.3. Thực trạng hoạt động quản lý FPI tại Việt Nam

3.3.1. Phân cấp quản lý dòng vốn FPI

Theo sơ đồ chức năng của hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam, trách nhiệm giám sát chính thuộc về Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Bộ tài chính. Bên cạnh đó, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia và Bảo hiểm tiền gửi là những tổ chức giám sát độc lập, chịu trách nhiệm trước chính phủ về thực hiện các chức năng giám sát của mình trên thị trường tài chính. Theo mô hình quản lý này, Ngân hàng nhà nước chịu trách nhiệm quản lý các tổ chức tín dụng và Bộ tài chính chịu trách nhiệm giám sát thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm, trong đó thị trường chứng khoán được giám sát và quản lý trực tiếp của Uỷ ban chứng khoán nhà nước. Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia có quan hệ phối hợp trực tiếp với Bộ tài chính và Ngân hàng nhà nước để nắm bắt các diễn biến hoạt động trên cả ba lĩnh vực: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Cụ thể như hình 3.9:

Hình 3.9: Hệ thống giám sát tài chính Việt Nam

Nguồn: Trần Đăng Khâm – Nguyễn Thị Minh Huệ (2016), Đổi mới quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam góp phần hoàn thiện thể chế cho phát triển bền vững, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia, Đề tài độc lập quốc gia ĐTĐL.XH.09/15, Trường Đại học kinh tế quốc dân và Uỷ ban kinh tế của quốc hội chủ trì.

Theo mô hình quản lý và giám sát như trên, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp của cả Ngân hàng nhà nước, Bộ kế hoạch đầu tư và Bộ tài chính (thông qua Uỷ ban chứng khoán nhà nước). Cụ thể như hình 3.10:

Hình 3.10: Mô hình tổ chức quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài

Nguồn: Tác giả tự tổng hợp:

Trong đó:

- Bộ tài chính: Có chức năng quản lý hoạt động đầu tư gián tiếp. Theo Nghị định 2015/2013/ND-CP ngày 23/12/2013 của thủ tướng chính phủ, Bộ tài chính có chức năng cụ thể trong quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đó là: a) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển thị trường chứng khoán; b) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án thành lập, đình chỉ hoạt động, giải thể hoặc chuyển đổi hình thức sở hữu, phương thức hoạt động, mô hình tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán; c) Cấp hoặc thu hồi Giấy phép hoạt động đối với công ty kinh doanh chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty chứng khoán, các tổ chức phát hành chứng khoán ra công chúng và tổ chức lưu ký, dịch vụ chứng khoán theo quy định của pháp luật; d) Kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức có liên quan đến việc phát hành, kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán; đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm cho các hoạt động thị trường chứng khoán diễn ra an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ tài chính còn có chức năng tổng hợp, theo dõi tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông qua Vụ tài chính ngân hàng của Bộ tài chính.

+ Uỷ ban chứng khoán nhà nước: là cơ quan trực thuộc Bộ tài chính, được Bộ tài chính uỷ quyền quản lý trên lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg ngày 8/10/2015 của Thủ tướng chính phủ, Uỷ ban chứng khoán là cơ quan trực thuộc Bộ tài chính, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, trực tiếp quản lý và giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Uỷ ban giao dịch chứng khoán có nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động của các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các tổ chức phụ trợ; tạm đình chỉ hoạt động giao dịch, hoạt động lưu ký của các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán trong trường hợp có dấu hiệu ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; chấp thuận các quy định, quy chế của các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán; chấp thuận việc đưa vào giao dịch các loại chứng khoán mới, thay đổi và áp dụng phương thức giao dịch mới, đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới; Thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

- Ngân hàng nhà nước: Có chức năng quản lý hoạt động lưu chuyển dòng vốn. Theo Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Thủ ướng chính phủ, Ngân hàng nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, thực hiện các chức năng của Ngân hàng trung ương về phát hành tiền tệ, cung ứng dịch vụ tiền tệ cho chính phủ. Hoạt động của Ngân hàng nhà nước nhằm điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối, ổn định tài chính, phát hành kho quỹ và nhiều hoạt động khác.

- Bộ kế hoạch đầu tư: Bộ kế hoạch đầu tư có chức năng quy định tỷ lệ cho các ngành, lĩnh vực nước ngoài được phép đầu tư. Đây là cơ quan quản lý nhà nước về

đầu tư nước ngoài, giúp chính phủ quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cơ quan này chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển tổng thể quốc gia trong việc phân định ngành, lĩnh vực thu hút hay hạn chế đầu tư phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế từng thời kỳ. Bộ kế hoạch đầu tư ngoài việc xây dựng các tiêu chí thống nhất về mức tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân nhà đầu tư nước ngoài, còn có chức năng xây dựng các nguyên tắc rõ ràng trong quản lý vốn đầu tư gián tiếp và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

3.3.2. Thực trạng quản lý vốn FPI vào và ra khỏi Việt Nam

Theo Thông tư 05/2015/TT-NGNN, đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam phải được thực hiện thông qua một tài khoản vốn được mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh và hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối. Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp là tài khoản vốn của nhà đầu tư gián tiếp, liên quan đến các việc mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác, góp vốn, mua cổ phần và thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế trung gian khác.

Để tạo điều kiện cho thu hút dòng vốn FPI, các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục xin cấp phép giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như các nhà đầu tư FDI cho dù các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài có sở hữu từ 51% vốn điều lệ doanh nghiệp trở lên hoặc sở hữu đến 100% vốn điều lệ doanh nghiệp (Điều 41.1 Nghị định 118/2015/NĐ-CP). Như vậy, với ý nghĩa là nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài không trực tiếp tham gia quản lý, điều hành và kiểm soát doanh nghiệp và không phải thực hiện giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư, các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đang rất thuận lợi trong việc bỏ vốn đầu tư tại Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mở một tài khoản vốn tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đầu tư gián tiếp phải thực hiện bằng tiền Đồng và qua các loại giao dịch: giao dịch thu, giao dịch chi (theo Thông tư 05/2014/TT-NGNN). Trong thời gian qua, ngân hàng nhà nước đã gỡ bỏ nhiều quy định về kiểm soát dòng vốn, không áp đặt các biện pháp

hành chính để quản lý dòng vốn FPI mà sử dụng các chính sách lãi suất thấp, chính sách không hưởng lãi đối với các khoản tiền gửi thanh toán của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài trên thị trường Việt Nam. Dòng vốn FPI đều được quản lý thống nhất thông qua hệ thống tài khoản vốn đầu tư và không bị hạn chế về số lượng đầu tư [29]. Các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại – nơi có các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đăng ký mở tài khoản vốn - phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng theo quy định của Ngân hàng nhà nước để Ngân hàng nhà nước có thể nắm bắt kịp thời các thông tin về dòng vốn đầu tư, từ đó có thể đánh giá về tác động của dòng vốn FPI đến sự ổn định của thị trường ngoại hối và nền kinh tế.

Chính sách quản lý ngoại hối đối với dòng vốn vào Việt nam đang được cải thiện từng bước, hướng tới việc nới lỏng hạn chế ngoại hối cho phù hợp với các thông lệ quốc tế và trong nước. Hệ thống ngân hàng của Việt Nam trong thời gian qua đã đẩy mạnh tái cấu trúc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thanh toán, chuyển tiền, chuyển vốn, giải ngân vốn, mở và quản lý tài khoản, sử dụng các hoạt động dịch vụ khác của ngân hàng. Nhờ quản lý tốt dòng vốn FPI và FDI, cán cân tài chính của Việt Nam luôn đạt mức thặng dư, tạo điều kiện ổn định cho phát triển kinh tế.

Ở Việt Nam hiện nay, quản lý ngoại hối đối với đầu tư gián tiếp nước ngoài chủ yếu thực hiện theo Thông tư 05/2014/TT-NGNN với những quy định tương đối thông thoáng. Việt Nam không có các quy định về hạn ngạch, số vốn tối thiểu đầu tư, thời hạn chuyển tiền vốn, thời gian phong toả hoặc giới hạn chuyển tiền hồi hương, do đó các nhà đầu tư có sự linh hoạt trong việc quyết định quy mô vốn đầu tư và việc chuyển vốn vào/ra khỏi Việt Nam.

Trong cán cân thanh toán của Việt Nam, đầu tư gián tiếp nước ngoài không có ảnh hưởng mạnh do quy mô nguồn vốn FPI còn nhỏ. Vào năm 2016, Việt Nam đạt mức cán cân thặng dư rất cao (xem hình 3.11) nhờ sự cải thiện cả về cán cân vãng lai, cán cân tài chính và cán cân vốn. Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, cán cân tài chính năm 2016 đạt thặng dư 9,46 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 1,57 tỷ USD năm 2015 và 8,52 tỷ USD năm 2014 [65]. Trong đó, phần lớn là đóng góp của vốn

FDI, trong khi lượng vốn FPI có tăng mạnh vào năm 2016 so với năm 2015 nhưng vẫn ở mức khiêm tốn trong tổng cán cân tài chính của Việt Nam năm 2016.

Hình 3.11: Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam theo quý (2012- 2017) (triệu USD)

Nguồn: Tính toán theo số liệu của Ngân hàng nhà nước Việt Nam,

https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/tk/ccttqt?_afrLoop=180 38450703091577#%40%3F_afrLoop%3D18038450703091577%26centerWidth%3 D80%2525%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFoot er%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dbo1lgdtae_9

3.3.3. Kiểm tra, giám sát dòng vốn FPI trên thị trường chứng khoán:

Để quản lý tốt dòng vốn FPI luân chuyển vào và ra trên thị trường chứng khoán, Ngân hàng nhà nước và Bộ tài chính phối hợp để rà soát và kiểm soát chặt chẽ các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn nước ngoài của chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng và danh mục đầu tư gián tiếp, để từ đó căn cứ vào mức dự trữ ngoại tệ để có đối sách thích hợp. Hơn nữa, ngân hàng nhà nước đã xử lý linh hoạt vấn để tỷ giá để tạo nên sự ổn định cho nền kinh tế, ngăn chặn nguy cơ rút vốn nước ngoài của các nhà đầu tư nước ngoài. Tiến hành đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp để tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm thu hút FPI. Việc chú trọng bán cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài cũng được chú trọng hơn. Cân đối về tỷ lệ room đối với các nhà đầu tư ngoại để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài nâng

cao tỷ lệ sở hữu vốn trong các doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo cân đối được tỷ lệ đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong các lĩnh vực cần bảo hộ. Bộ tài chính và Uỷ ban chứng khoán nhà nước đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp lý quan trọng để hoàn thiện thị trường chứng khoán, xây dựng và sửa đổi Luật chứng khoán, xây dựng đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán, hoàn thiện tổ chức để tăng niềm tin cho các nhà đầu tư và đảm bảo sự an toàn cho thị trường chứng khoán. Từ mô hình 2 Sở giao dịch chứng khoán ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thành lập năm 2000 (TP. Hồ Chí Minh) và 2005 (TP. Hà Nội), hiện nay thị trường đã cơ bản hình thành rõ nét, từ thị trường sơ cấp đến thị trường thứ cấp, thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu. Tính thanh khoản của thị trường chứng khoán tăng mạnh, công tác thanh tra và kiểm tra giám sát được thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài cá nhân và có tổ chức, trong đó nhà đầu tư nước ngoài đang được hưởng các quy định nới room vốn sở hữu rất rộng tại công ty đại chúng và không có quy định hạn chế đầu tư vào trái phiếu chính phủ, quỹ đầu tư chúng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán. Những quy định này có tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán, làm mở rộng số lượng và nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian qua, UBCKNN đã tiến hành kiểm tra tuân thủ đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của hai sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP Hồ CHí Minh, trung tâm lưu ký chứng khoán. UBCKNN đã áp dụng Hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán (MSS) nhằm hỗ trợ giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu ngân hàng, tài chính, phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan thanh tra và giám sát của ngân hàng nhà nước. MSS có khả năng tốt ưu hoá hoạt động kiểm soát, giám sát tình hình giao dịch của thị trường chứng khoán một cách tự động, giúp ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi lạm dụng thị trường, nâng cao tính thuân thủ pháp luật về lĩnh vực chứng khoán và đảm bảo sự lành mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, công tác giám sát giao dịch chứng khoán đang được thực hiện dưới hai hoạt động chính là: giám sát giao dịch định kỳ và giám sát giao dịch bất thường. Việc áp dụng MSS đã tránh được các hành vi thao túng, nhũng nhiễu, bán thông tin và trục lợi thông tin trên thị trường chứng khoán Việt

Nam, góp phần minh bạch hoá thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư đồng thời quản lý tốt hơn hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán những năm vừa qua.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang phát triển rất mạnh, là lực hút đối với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, so với tiềm năng vốn có, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn nhỏ bé và manh mún. Cơ cấu quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay bao gồm các cơ quan: Bộ tài chính; UBCKNN; các cơ quan quản lý chuyên ngành cấp phép hoặc cho ý kiến về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua hai sở giao dịch chứng khoán ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Trung tâm lưu ký chứng khoán và các thị trường phi niêm yết là các ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán được bộ tài chính cấp phép trở thành đại lý chuyển nhượng.

Năm 2011 Chính Phủ ban hành Nghị định 90 về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Mục đích là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp và cơ cấu lại các khoản nợ của

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)