Kinh nghiệm Malaysia

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 62 - 68)

6. Kết cấu của luận án

2.2.2. Kinh nghiệm Malaysia

- Chính sách và biện pháp thu hút, quản lý FPI

Malaysia thành lập Uỷ ban chứng khoán vào năm 1993. Năm 2002, chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thị trường vốn nhằm cải thiện tính minh bạch của thị trường vốn Malaysia so với các thông lệ quốc tế để thu hút huy động vốn cho nền kinh tế. Năm 2005, Malsyais ban thành Bộ quy tắc quản trị công ty dựa trên các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp được OECD chấp nhận. Năm 2007 chính phủ ban hành Luật thị trường vốn và dịch vụ nhằm nâng cap hiệu quả giám sát thị trường chứng khoán. Năm 2012, Malaysia áp dụng thực hiện đầy đủ các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán quốc tế. Ngoài ra, để thực hiện các ưu đãi cho người bản địa Mã Lai (người Bumiputera) chính phủ Malaysia còn thực hiện cung cấp Giấy chứng nhận tài chính Hồi giáo (Sukuk) trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Với giấy chứng nhận này, Malaysia đang là thị trường trái phiếu Sukuk lớn nhất khu vực Đông Á, chiếm khoảng 86,5% thị phần khu vực và 60% thị phần trên thị trường Sukuk toàn cầu [57].

Về công cụ kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Malaysia, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã thực hiện 3 công cụ chính sách sau đây:

1) Hệ thống giám sát hoạt động của đồng Ringit (ROMS). Hệ thống này có trách nhiệm báo cáo các giao dịch ngoại hối về ngân hàng trung ương. Các giao dịch ngoại hối xuyên biên giới được ROMS thu nhập là các luồng tiền được chuyển đổi từ ngoại tệ sang nội tệ.

2) Cán cân thanh toán tiền mặt (CBOP): CBOP ghi lại các giao dịch tiền mặt xuyên biên giới giữa người cư trú và người không cư trú. Hệ thống này quản lý các giao dịch trung gian qua hệ thống ngân hàng, tài khoản liên công ty và tài khoản ở nước ngoài.

3) Số liệu khảo sát về vị thế đầu tư quốc tế (IIP): Malaysia tiến hành các cuộc khảo sát hàng quý để ghi lại quy mô và cơ cấu tài sản nước ngoài và nợ phải trả bên ngoài của nền kinh tế Malaysia. IPP thông báo về quy mô và cơ cấu tài sản tài chính của người nước ngoài và người không có quốc tịch Malaysia.

Việc xây dựng 3 hệ thống công cụ để kiểm soát dòng vốn vào Malaysia được dựa trên quan điểm không có hệ thống nào có thể kiểm soát đầy đủ dòng vốn đầu tư từ bên ngoài một cách kịp thời, đúng số lượng và chất lượng. Dựa vào 3 công cụ này, Malaysia có thể nắm bắt được các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào, ra để đưa ra các quyết định về biến động tỷ giá hối đoái, quản lý thanh khoản quốc tế và dự trữ ngoại tệ (thông qua ROMS). IIP có thể cung cấp một cách chi tiết và đầy đủ nhất về ngoại tệ và nợ nước ngoài của nền kinh tế, thành phần các tài sản này và cơ cấu tài sản của người nước ngoài và người không có quốc tịch Malaysia, do vậy có thể đánh giá được những rủi ro mà nền kinh tế Malaysia đang gặp phải. Các chu kỳ kinh doanh, tài chính, kinh tế vĩ mô được phản ánh đầy đủ qua CBOP bởi CBOP nắm bắt được các nguồn vốn nước ngoài tác động thông qua hệ thống tài chính trong nước, các dòng chảy ngoại tệ được chuyển đổi sang đồng Ringit để nghiên cứu các vấn đề kinh tế vĩ mô và tác động của tỷ giá hối đoái.

Về các biện pháp, chính sách cụ thể: Trong khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997, Malaysia đã thực hiện các chính sách quản lý dòng vốn FPI theo hướng tự do hoá dòng vốn vào nhưng kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ra. Vào năm 1997, Malaysia gặp phải một sự cố khi đồng Bath Thái Lan mất giá trầm trọng, khiến đồng Ringit (RM) của Malaysia bị giới đầu cơ mua vào rất lớn, dẫn đến áp lực tăng giá mạnh. Nền kinh tế Malaysia có nguy cơ rơi vào suy thoái, thị trường chứng khoán mất điểm và đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán giảm sút nghiêm trọng. Tháng 9/1998, Ngân hàng Trung ương Malaysia ban hành một loạt các biện pháp nhằm kiểm soát dòng vốn nước ngoài, bao gồm: (1) cấm chuyển tiền giữa các tài khoản mua bán chứng khoán giữa những người không có quốc tịch Malaysia, (2) cấm thu đổi ngoại tệ và chuyển nhượng cổ phiếu được bán trong vòng một năm sau khi mua lại, (3) cấm giao dịch đồng ringgit trực tiếp; (4) hạn chế việc mua bán đồng nội

tệ ở mức 1.000 RM; (5) Cố định tỷ giá hối đoái ở mức 3,8 RM/USD. Ngoài ra, lãi suất can thiệp thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng đã được giảm từ 9,5% xuống 8,0% vào 3/9/1998 và tỷ lệ dự trữ bắt buộc được giảm từ 6% xuống 4% vào ngày16/9/1998. Năm 1999, Malaysia nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn khi nền kinh tế đã phục hồi trở lại.

Đợt kiểm soát vốn lớn thứ 2 của Malaysia là vào năm 2005 khi Ngân hàng trung ương Malaysia ban hành các biện pháp cho vay tiền bằng đồng RM của những người không có quốc tịch cư trú Malaysia, cho phép người cư trú mở tài khoản ngoại tệ và sở hữu các quỹ ngoại tệ. Khi chính phủ Trung Quốc thông báo thay đổi tỷ giá đồng nhân dân tệ vào ngày 21/7/2005, Malaysia cũng thông báo chuyển sang chế độ quản lý hệ thống tỷ giá thả nổi. Năm 2007, chính phủ mở rộng các quy định về việc mua bán đồng Ringit của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường tính linh hoạt của các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư tài sản ngoại tệ, huỷ bỏ những hạn chế khác về mua bán ngoại tệ, thanh toán hàng hoá bằng ngoại tệ.

Vào tháng 12 năm 2016, ngân hàng trung ương đã bắt đầu thực hiện các yêu cầu quản lý ngoại hối mới. Các chính sách quản lý ngoại hối trong thời gian gần đây đã không đặt giới hạn tài sản bằng ngoại tệ đối với các công ty không có khoản nợ bằng đồng ringit. Malaysia áp dụng một số quy tắc chuyển tiền đầu tư đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang đóng tại Malaysia, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chuyển các khoản thanh toán cổ tức, các khoản thanh toán khoản vay, tiền bản quyền hoặc các khoản phí khác ra nước ngoài.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào các chương trình tư nhân hóa ở Malaysia với tỷ lệ sở hữu nước ngoài bị giới hạn ở mức 25% vốn chủ sở hữu của thực thể tư nhân hóa, trong khi người bản địa Mã Lai (người Bumiputera) được hưởng ít nhất 30% vốn chủ sở hữu của thực thể tư nhân hóa theo Chính sách Phát triển Quốc gia của Malaysia [20].

Trong giai đoạn 1991-2007, dòng vốn FPI vào Malaysia tương đối lớn, từ mức 19,3 tỷ Ringit (RM) năm 1991 lên 376,4 tỷ RM vào năm 2007. So với giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á, dòng vốn này có nhiều biến động, cao hơn mức 238,4 tỷ RM vào năm 2007/2008 và có sự gia tăng ổn định hơn trong nhiều năm gần đây. Tính đến cuối năm 2007, vốn hóa thị trường của Sở giao dịch chứng khoán Kuala Lum-pur (KLSE) là 1.106,2 tỷ RM, trong đó 225,4 tỷ RM (20,4%) do người nước ngoài nắm giữ theo Cục Đầu tư Quốc tế [11].

Hình 2.3: Mức độ vốn hoá (tỷ RM) và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (%) trên thị trường chứng khoán Kuala Lumpur

Nguồn: So Umezaki (2019), The Malaysian Economy after the Global Financial Crisis: International Capital Flows, Exchange Rates, and Policy Responses, Policy Research Institute, Ministry of Finance, Japan, Public Policy Review, Vol.15, No.1, July 2019 .

Do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá trị vốn hóa thị trường của KLSE đã giảm mạnh xuống còn 663,8 tỷ RM vào cuối năm 2008, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Kuala Lumpur cũng giảm xuống còn 14,4%. Từ giữa năm 2009, dòng vốn FPI bắt đầu có chiều hướng phục hồi. Vào năm 2018,

tỷ lệ vốn hoá trên thị trường KLSE đạt 1800 tỷ RM và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên đạt 22,7% (xem hình 2.3).

Đầu tư nước ngoài ở Malaysia tập trung chủ yếu ở thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu. Trên thị trường trái phiếu, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm một phần đáng kể trên thị trường trái phiếu Malaysia. FPI trên thị trường trái phiếu đạt mức 152,1 tỷ RM vào cuối năm 2012 và 116,18 tỷ RM vào cuối quý đầu tiên của năm 2013, trong đó chủ yếu là trái phiếu chính phủ trung và dài hạn và chứng khoán ngắn hạn. Vào cuối tháng 6 năm 2017, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ của người nước ngoài ở Malaysia ở mức 169,9 tỷ RM hoặc tương đương 26,0% tổng dư nợ. So với các nước Đông Nam Á, thị trường trái phiếu Malaysia có sức thu hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Malaysia, tính đến cuối năm 2019 các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu chính phủ trong các lĩnh vực sau: Quản lý tài sản (các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 41,3%), ngân hàng trung ương và chính phủ (chiếm 28,1%), quỹ hưu trí (chiếm 18,2%), ngân hàng (9,3%), các công ty bảo hiểm (2%), khác (1,1%) [13].

Hình 2.4: Dòng vốn FPI vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu Malaysia tính theo quý, giai đoạn 2008-2020

Nguồn: Azizul Sabri Abdullah and Norasyikin Mohamad Razali (2018), Fators affecting foreign investors bondholding in Malaysia, BNM quarterly Bulletin, https://www.bnm.gov.my/documents/20124/770506/p5_ba1.pdf

Về kỳ hạn trái phiếu, tính đến cuối năm 2019, hơn 65% là trái phiếu kỳ hạn trung bình và dài hơn 3 năm. Trái phiếu có kỳ hạn ngắn chủ yếu do các ngân hàng và các nhà quản lý tài sản nắm giữ. Ngoài ra, lượng trái phiếu nước ngoài của 50 nhà đầu tư hàng đầu chiếm hơn 70% tổng số trái phiếu nước ngoài nắm giữ [3]. Hiện tại, đầu tư gián tiếp nước ngoài trên thị trường trái phiếu Malaysia đang ở mức cao và theo đánh giá của các học giả nước ngoài, tỷ lệ cao này có thể gây ra những rủi ro nhất định bởi nó có thể làm tăng nợ nước ngoài và dễ đảo chiều khi có những biến động bất lợi trong nước và quốc tế.

Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu kém sôi động hơn so với thị trường trái phiếu. Vào cuối năm 2020, tổng vốn FPI vào thị trường cổ phiếu Malaysia đạt 346,8 tỷ RM, chiến 56,9% tổng vốn FPI vào Malaysia [6]. Trong

vài năm gần đây, FPI trên thị trường cổ phiếu Malaysia có chiều hướng ảm đạm khi nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu ra nhiều hơn lượng mua vào. Các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài lớn nhất trên thị trường cổ phiếu Malaysia là Mỹ, Singapore, Hongkong, Anh và Australia.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 62 - 68)