Chính sách thu hút và quản lý FPI ở Việt Nam thời gian qua

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 74)

6. Kết cấu của luận án

3.1. Chính sách thu hút và quản lý FPI ở Việt Nam thời gian qua

3.1.1. Chính sách thu hút FPI tại Việt Nam

* Nhóm chính sách liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: - Ban hành, hoàn thiện Luật đầu tư:

Tính từ năm 1987 cho đến nay, Luật đầu tư của Việt Nam đã được ban hành, sửa đổi và đổi mới 8 lần, cụ thể vào các năm 1987 (ban hành lần đầu tiên Luật đầu tư nước ngoài), sửa đổi bổ sung vào năm 1990, 1992, ban hành mới năm 1996, sửa đổi bổ sung năm 2000, ban hành mới Luật đầu tư (chung năm 2005), ban hành mới vào năm 2014 và sửa đổi vào năm 2016. Qua những lần làm mới, sửa đổi và bổ sung đó, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi. Trong Luật đầu tư nước ngoài năm 1987, đầu tư gián tiếp nước ngoài chưa được phân loại là một hình thức đầu tư cụ thể và khái niệm đầu tư gián tiếp nước ngoài chưa được nhắc đến trong Luật.

Trong giai đoạn đầu cải cách và mở cửa kinh tế, do Việt Nam chưa hoàn thiện các định chế tài chính cần thiết để tạo điều kiện thu hút FPI, nên các văn bản pháp lý cụ thể giành riêng cho FPI hầu như không có. Năm 1996, Uỷ ban chứng khoán mới được thành lập và năm 1998 thị trường chứng khoán bắt đầu hình thành ở Việt Nam. Năm 1999, Quốc Hội thông qua Luật Doanh nghiệp thay thế Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân ngày 21/12/1990 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công ty, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật doanh nghiệp tư nhân ngày 22/6/1994. Luật này quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, nhưng mới chỉ chú trọng đến các doanh nghiệp trong nước. Quyết định số 145/1999/QĐ-TTg ngày 28/6/1999 ghi rõ: các nhà đầu tư nước ngoài

được cấp giấy phép mua cổ phần của một số công ty sau khi công ty đó được cổ phần hoá. Đây là điểm khởi đầu cho các hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Ngày 29/11/2005, Quốc hội đã thông qua luật đầu tư để thay thế cho Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài năm 2000 và Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1998. Luật đầu tư năm 2005 đã đề cập đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam, đây là một điểm mới so với các văn bản Luật đầu tư nước ngoài trước đó. Điều 3 Luật đầu tư 2005 ghi rõ: đầu tư gián tiếp là hình thức thông qua việc mua bán cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác; thông qua quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

Ngày 26/11/2014, Quốc Hội đã thông qua Luật đầu tư để thay thế cho Luật đầu tư năm 2005. Luật đầu tư năm 2014 không còn sử dụng khái niệm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài, thay thế đó bằng khái niệm “đầu tư kinh doanh”. Trong luật đầu tư năm 2014, các dự án đầu tư nước ngoài hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn 51% vốn điều lệ mới phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án của mình. Đây là một nước mở cửa hơn nữa nhằm góp phần thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Luật đầu tư sửa đổi năm 2016 tiếp tục làm rõ hơn các quy định đang gây trở ngại hoặc thiếu đồng bộ giữa luật đầu tư và các luật khác liên quan. Luật đầu tư sửa đổi năm 2016 đã bãi bỏ các thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp; làm rõ hơn quy trình, thủ tục, điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Luật đầu tư 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thay thế Luật đầu tư 2014 có những sửa đổi quan trọng liên quan đến

đầu tư gián tiếp nước ngoài, cụ thể là nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Luật đầu tư cũ quy định là từ 51% vốn điều lệ trở lên); Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khi đáp ứng các điều kiện về tiếp cận thị trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, đáp ứng các quy định của pháp luật về đất đai, về điều kiện quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo/xã/phường/thị trấn biên giới và ven biển.

- Ban hành, hoàn thiện Luật doanh nghiệp

Nếu như năm 2005 là cột mốc đánh dấu việc xây dựng và ban hành Luật đầu tư, tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho chính sách khuyến khích và ưu đãi không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì đây cũng là năm đánh dấu sự ra đời của Luật doanh nghiệp để thay thế Luật doanh nghiệp năm 1999; Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003. Năm 2014, cùng với việc ban hành Luật đầu tư mới, Luật doanh nghiệp cũng được sửa đổi theo hướng coi hoạt động đầu tư và kinh doanh thuộc quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư và doanh nghiệp; nhà nước hướng dẫn, tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi; giám sát, kiểm tra để khắc phục những khiếm khuyết của thị trường. Luật doanh nghiệp năm 2014 đã thay “giấy phép đầu tư” thành “giấy đăng ký đầu tư”, doanh nghiệp tự khắc dấu không phải xin phép cơ quan công an.

Luật doanh nghiệp 2020 thay thế Luật doanh nghiệp 2014 có những thay đổi về việc quy định về mẫu con dấu của doanh nghiệp, bổ sung quy định mới về cứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, trong đó cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết. Trong Luật 2020, khái niệm doanh nghiệp nhà nước cũng thay đổi, gồm các doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Luật doanh nghiệp 2014 doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ). Luật 2020 cũng có những sửa đổi quy định về quyền của cổ đong phổ thông, thuận lợi hoá việc oanh nghiệp tư nhân có thể

chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh; bổ sung nghĩa vụ của cổ đông theo hướng bảo mật các thông tin của các công ty… Các quy định này tạo điều kiện cởi mở hơn cho việc đầu tư vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp, đảm bảo tính pháp lý và quyền lợi cho nhà đầu tư.

* Nhóm văn bản, chính sách liên quan đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam

- Ban hành, hoàn thiện Luật chứng khoán

Ngày 11/7/1998, Chính phủ ban hành nghị định 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Ngày 10/6/1999, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 139/1999/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2006, Luật chứng khoán được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2007. Luật chứng khoán 2006 cho phép thành lập các quỹ đầu tư chứng khoán, các quỹ đại chúng, quỹ thành viên, quỹ mở… tạo lập khung khổ pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Việc ban hành Luật chứng khoán đã khắc phục những điểm bất cập về hệ thống pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán trước đó, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, tạo cơ sở pháp luật để giám sát, cưỡng chế thực thi, đảm bảo các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán phải công khai, minh bạch các hoạt động của mình. Sau 4 năm thực hiện, để kịp thời điều chỉnh các hoạt động mới phát sinh trên thị trường, ngày 24/11/2010 Quốc hội đã thông qua Luật chứng khoán sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Luật chứng khoán sửa đổi năm 2010 tạo cơ sở cho chính phủ và Bộ tài chính ban hành nhiều quy định, thiết lập khung pháp lý thống nhất đồng bộ đối với thị trường chứng khoán. Cụ thể là các Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán, thay thế Nghị định 14/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật chứng khoán. Nghị định 85/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, Bộ tài chính cũng ban hành rất nhiều thông tư, quyết định hướng dẫn thi hành.

Cùng với việc thay mới Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán 2019 cũng được ban hành, thay thế Luật chứng khoán năm 2006 và Luật chứng khoán sửa đổi năm 2010. Sự thống nhất giữa 3 bộ luật này đã tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và hoàn thiện hơn. Điều mới của Luật chứng khoán 2019 là: thành lập 1 sở giao dịch chứng khoán với tên gọi Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange) theo mô hình công ty mẹ-con trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Vietnam Exchange nắm giữ 100% vốn điều lệ của 2 sở HNX và HoSE; bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm, phải đưa cổ phiếu, trái phiếu lên sàn sau khi kết thúc đợt chào bán; chào bán chứng khoán được thống nhất với Luật doanh nghiệp; quy định chặt chẽ hơn điều kiện bán cổ phiếu của công ty; thành lập công ty lưu ký và bù chứng khoán Việt Nam; quy định cụ thể về thành viên công ty quản lý quỹ và quỹ; công ty đại chúng có vốn điều lệ tăng 20 tỷ đồng so với Luật chứng khoán cũ.

Nếu như Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư đã hạn chế và rút ngắn rất nhiều số lượng ngành, nghề đối với nhà đầu tư nước ngoài và danh mục sẽ cụ thể hoá các điều kiện đối với nhà ĐTNN (trong đó có điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ) trên cơ sở tổng hợp điều ước quốc tế, pháp luật chuyên ngành; thì Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng đã cụ thể quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng theo hướng thống nhất với pháp luật đầu tư; bổ sung các quy định đặc thù về biện pháp kỹ thuật trong ứng xử với các tổ chức có trên 50% vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK (việc đăng ký mã số giao dịch của tổ chức kinh tế), cụ thể nghĩa vụ công bố thông tin về sở hữu nước ngoài tối đa của công ty đại chúng, tạo điều kiện tiếp cận thông tin tốt hơn cho nhà ĐTNN về vấn đề này. Bên cạnh đó, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK gắn với phát triển bền vững, minh bạch; trong đó một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích

hợp pháp của nhà đầu tư; tổng kết, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển Thị trường Chứng khoán giai đoạn 2021 - 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK - thị trường vốn về dài hạn, nhằm hiện thực mục tiêu nâng hạng TTCK.

- Các luật khác liên quan: Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều luật liên quan đến đầu tư gián tiếp nước ngoài như Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật khiếu nại, Luật tố cáo… Các luật này được sửa đổi, bổ sung, thay thế trong thời gian qua nhằm tạo nên hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch và rõ ràng hơn trong thu hút và quản lý dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

3.1.2. Chính sách quản lý FPI tại Việt Nam

- Quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài:

Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi nhiều trong thời gian qua. Theo Quyết định số 139/1999/QĐ-TTg, các tổ chức cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành, chứng chỉ quỹ đầu tư của một quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó một tổ chức nước ngoài được nắm giữ tối đa 7% và một cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 3%; các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 40% tổng số trái phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trong đó một tổ chức nước ngoài được nắm giữ tối đa 10% và một cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 5%; tỷ lệ góp vốn của bên nước ngoài trong công ty chứng khoán liên doanh tối đa là 30%.

Quyết định 146/2003/QĐ –TTg vào năm 2003 đã thay thế quyết định số 139/1999/QĐ-TTg. Theo quyết định 146/2003/QĐ –TTg, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua, bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam được nắm giữ tối đa 30% tổng số cổ phiếu niêm yết của tổ chức phát hành; được nắm giữ không giới hạn tỷ lệ trái phiếu lưu hành trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tỷ lệ góp vốn của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài trong công ty chứng khoán liên doanh hoặc công ty quản lý quỹ liên doanh tối đa là 49% vốn điều lệ. Như vậy, tỷ lệ tham gia của

nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã được tăng lên từ 20% lên 30% đối với các công ty niêm yết và không giới hạn tỷ lệ nắm giữ trái phiếu. Điều này góp phần thu hút thêm sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục được mở rộng cánh cửa sau Luật đầu tư năm 2005. Quyết định 238/QĐ-TTg ngày 29/2/2005 của Thủ tướng chính phủ đã chính thức tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49% (trừ các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn giới hạn ở mức 30%). Tiếp theo đó, Quyết định số 55/2009/QĐ-TTG ngày 15/4/2009 của thủ tướng chính phủ đã có những quy định chi tiết hơn về tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo Quyết định số 55, các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư, các công ty đầu tư chứng khoán đều cho phép người nước ngoài được góp vốn 49% tổng số vốn cổ phần.

Trong những năm gần đây, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được hưởng room rộng hơn trong việc góp vốn sở hữu. Theo Nghị định 60/2015NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2015 đã sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP, trong đó quy định các nhà đầu tư nước ngoài không rơi vào trường hợp đặc biệt có thể sở hữu 100% cổ phần nếu điều lệ không có quy định giới hạn. Còn đối với các công ty

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thu hút và quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 74)